Chợ quê xưa

16:51, 03/12/2023
.

Tôi nhớ, lúc lên năm lên sáu, mỗi lần được bố mẹ chở từ thị trấn về quê tôi lại lon ton theo bà ngoại ra chợ. Thời bao cấp, ở miền Bắc, nói là chợ cho oai chứ thực ra chỉ có vài dãy lều lợp lá rất tạm bợ, gian hàng bắt mắt nhất là nơi bán tạp hóa với nhiều màu sắc hơn cả, còn thì đa phần là rau quả hái từ vườn nhà, rồi cá, cua bắt từ đồng ruộng được đựng trong những cái rổ đan bằng nan tre. Ở cái làng nhỏ bé, cách xa thị thành ấy, người bán, người mua ở đầu trên ngõ dưới, đều quen nhau. Tôi khi đó, chẳng quan tâm chợ đông hay chợ vãn, chỉ mong ngoại dắt nhanh tới hàng bánh đúc, mà ngay bên cạnh là mẹt kẹo cồ của bà cụ có hàm răng nhuộm đen lấp lánh. Thể nào ngoại cũng cho tôi ăn một bữa bánh đúc no nê và còn mua cho tôi dăm cái kẹo cồ, loại kẹo làm từ bột gạo với đường, to như ngón tay cái, vặn hình quả trám, vừa bở vừa giòn, ẩn hiện giữa lớp bột vỏ trắng tinh, hấp dẫn vô cùng.

Chợ quê. Ảnh: PV

Tuổi lên mười, gia đình tôi chuyển về Bình Định quê cha sinh sống. Chợ quê vẫn không khác mấy. Vẫn dăm gian hàng tạp hóa bắt mắt, mấy gian hàng bán quần áo lưa thưa, vài sạp thịt bò, thịt heo, vài thớt cá đồng, còn lại là mươi hàng mắm muối dưa cà... Những người bán hàng chân chất, hồn hậu. Lần đầu theo mẹ ra chợ, tôi ngơ ngác và bẽn lẽn vì tôi có cảm giác cả trăm ánh mắt đang đổ dồn vào mẹ con tôi vì giọng nói lạ, cách ăn mặc cũng lạ. Ở đâu quen đấy, chỉ vài tháng sau, mẹ đã là khách quen của hết thảy mọi người. Thỉnh thoảng có mớ ớt, mớ rau, mẹ cũng đem ra chợ bán. Tôi thích nhất là hàng bánh trái vì mẹ sẽ cho tôi được ăn hàng một bữa no nê. Quê tôi vùng trung du, bao quanh là núi, giao thương hồi ấy khó khăn nên phần lớn đồ ăn thức uống tự cung tự cấp. Người dân quê tôi làm ra đủ loại bánh từ hạt gạo như bánh hỏi, bánh dây, bánh bèo, bánh xèo vỏ, bánh canh, bánh đúc, bánh nếp, bánh ít, bánh chưng hay các loại bánh làm từ củ sắn, củ khoai... mang vị quê rất đậm đà, khó lẫn.

Năm tôi hai mươi ba tuổi, về Quảng Ngãi định cư, tôi lại được dịp hòa mình vào không gian chợ quê với màu sắc khác. Khi ấy, đã qua thời bao cấp, chợ quê ở đây có nhiều mặt hàng hơn và cũng nhộn nhịp hơn. Người Quảng Ngãi vui tính, hoạt náo và hài hước, tuy chưa quen giọng nói nhưng tôi thấy hào hứng lắm. Tôi phát hiện ra vài món ăn mà quê tôi không có. Đầu tiên là món bánh tráng ngào đường thơm nức mũi. Quảng Ngãi là đất mía, mùa mía người ta nấu đường rồi nhúng bánh tráng vào chảo mật nóng hổi làm thành món ăn rất đặc trưng. Nhìn những xâu bánh phủ một lớp mật màu nâu cánh gián trong những bao ni lông trong suốt, thật khó mà cưỡng lại được. Tiếp đến là những vỉ ram bắp vàng ươm để phía trên chảo dầu sôi lách tách. Ram bắp cuộn bánh tráng với rau sống và chấm vào chén nước mắm ớt chanh đường sền sệt, cắn một miếng giòn tan. Rồi món mít non trộn gỏi rắc đậu phụng rang, gắp một đũa đưa vào miệng nghe thanh thanh, bùi bùi thỏa lòng vị giác. Nhớ nhất là tô don nóng hổi, những con don dài dài nhỉnh hơn đầu tăm tre một chút thấp thoáng dưới màu xanh của lá hành tươi rói, mùi ớt và tiêu quện vào nhau thoảng qua như níu chân người ở lại...

Ngày mưa, đất trời đã chớm màu đông, tôi men theo ký ức về với chợ quê xưa và thấy trong lòng ấm áp vô cùng. Cái vị quê thấm đượm tình quê trong những món ăn dân dã, trong cái dáng vẻ tất bật của những người phụ nữ quê tảo tần mà tôi gặp trong những phiên chợ nghèo những ngày xa ấy đã trở thành một phần không thể thiếu nơi tâm hồn tôi, trong tình yêu của tôi với quê hương xứ sở...

HOA CỎ MAY

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 16:51, 03/12/2023

Ý kiến bạn đọc


.