Tác giả - Tác phẩm: Vang khúc hát về Thạch Nham

16:56, 01/12/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Vẻ đẹp của công trình thủy lợi Thạch Nham, cùng với niềm hân hoan trước sự đổi thay của Quảng Ngãi là cảm hứng sáng tác của nhiều văn nghệ sĩ. Riêng đề Thạch Nham có rất nhiều ca khúc đi vào lòng người.

Công trình thủy lợi Thạch Nham. ẢNH: ĐOÀN VƯƠNG QUỐC
Công trình thủy lợi Thạch Nham. ẢNH: ĐOÀN VƯƠNG QUỐC

Năm 1985, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo cùng với nhạc sĩ Văn Cao, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha về thăm Quảng Ngãi. Nhà thơ Thanh Thảo đã dẫn các nhạc sĩ đến tham quan một số địa điểm ở Quảng Ngãi. “Trong chuyến đi ấy, tôi đã dẫn anh Tạo đến Thạch Nham. Cùng đi với anh Trần Hinh - Giám đốc dự án đường Thạch Nham. Anh Trần Hinh cũng là một nhạc sĩ, rất thân thiết với mấy anh em Thanh Thảo, Trọng Tạo, Thụy Kha. Nhìn thấy khung cảnh ở đó, và con đường đang xây dựng, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đã có cảm hứng và sáng tác ca khúc “Đường về Thạch Nham” như một sự thu hoạch”, nhà thơ Thanh Thảo nhớ lại.

Ca khúc “Đường về Thạch Nham” có giai điệu nhẹ nhàng, tình cảm như lời thủ thỉ với người tình: “Nếu nếu em về Thạch Nham cùng anh/ Đến với dòng sông Trà, dòng sông Trà xanh/ Đường qua bao dòng suối tình anh nâng nhịp cầu/ Đường qua bao đồi núi trời xanh xanh một màu”. Những lời ca được khơi gợi từ khung cảnh nên thơ và trữ tình, khiến cho “Đường về Thạch Nham” trở thành một khúc tình ca trải dọc triền sông. Ca khúc “Đường về Thạch Nham” đã đoạt giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1985.

Nhạc sĩ Trương Quang Lục kể, cách đây hơn 10 năm, tôi và nhà thơ Nguyễn Trung Hiếu gặp nhau. Anh Hiếu có dẫn tôi đi đến Thạch Nham. Tại đây, tôi cũng được gặp các anh em làm việc ở đập Thạch Nham. Từ khung cảnh và không khí ấy, tôi nảy sinh ý định viết một ca khúc lấy cảm hứng từ chuyến đi ấy. Thế là tôi và anh Hiếu hợp tác với nhau và ca khúc “Thạch Nham - mùa xuân sông Trà” ra đời.

Ca khúc “Thạch Nham - mùa xuân sông Trà” với kết cấu 2 đoạn A và B. Đoạn A nhẹ nhàng, tha thiết và dạt dào tình cảm như làn nắng, cơn gió mùa xuân. Đoạn đầu như một sự dẫn nhập, giới thiệu về khung cảnh, ca ngợi quê hương: “Dòng sông Trà vang khúc nhạc dịu êm/ Những bờ xe rì rào đưa nước lên/ Tưới đôi bờ đồng quê xanh bát ngát/ Nước sông về mang nhịp sống đầy thêm”.

Đoạn B tiết tấu nhanh, sôi nổi và vui tươi hơn với tiếng dô hò, tiếng máy móc công trình. Tác giả ca ngợi công trình thủy lợi Thạch Nham, thể hiện niềm hân hoan trước sự đổi mới, và bày tỏ niềm hy vọng về sự phát triển của quê hương: “Sáng xuân tươi sáng rực trên núi rừng/ Khắp công trường rộn tiếng máy ồn vang/ Xuân đến rồi với dòng Trà giang/ Đẹp vô cùng mùa xuân Thạch Nham”.

Còn nhạc sĩ Trần Xuân Tiên đã viết ca khúc “Thạch Nham tình em”. Nhạc sĩ Trần Xuân Tiên chia sẻ, cách đây khoảng 7- 8 năm, tôi đến Thạch Nham. Khung cảnh tuyệt đẹp ở đây khiến lòng tôi trào dâng cảm xúc và đã viết nên ca khúc “Thạch Nham tình em”.

Ca khúc “Thạch Nham tình em” thể hiện sự rung cảm của tác giả trước cảnh trời nước Thạch Nham. Đứng ở nơi ấy, ngắm nhìn một công trình có ý nghĩa to lớn với Quảng Ngãi, tác giả càng thấy tình yêu quê hương thêm đậm đà, thắm thiết: “Long lanh, long lanh hồ nước sáng tin lành/ Cho bình yên nương đôi cánh hoan ca/ Bao la bao la - nghiêng trời mây nước non xa/ Cho Thạch Nham ngân tiếng hát quê nhà”. Ca khúc “Thạch Nham tình em” có giai điệu êm ả, thướt tha.

Với kết cấu A và B, nhạc sĩ Trần Xuân Tiên đã vào bài một cách nhẹ nhàng, đằm thắm và réo rắt. Đoạn cuối, giai điệu của nhạc phẩm vẫn dịu nhàng như một cô gái, nhưng lại trong trẻo, xôn xao hơn. Điều đó đã thể hiện rằng sơn thủy hữu tình đã khiến lòng tác giả cũng trở nên êm nhẹ như một khúc ru.

Công trình thủy lợi Thạch Nham đã góp phần mang đến sự ấm no cho người dân trên quê hương núi Ấn - sông Trà với những cánh đồng tươi tốt, mùa màng bội thu. Nơi đây còn khiến cho nhiều người lưu luyến bởi cảnh đẹp non nước hữu tình. Và cũng từ đây, nhiều ca khúc viết về Thạch Nham đã đi vào lòng người nghe một cách nhẹ nhàng, sâu lắng, như chính tình yêu hương luôn dạt dào trong mỗi người vậy!

NGUYỄN NHẬT THANH

Xuất bản lúc: 16:56, 01/12/2023

Ý kiến bạn đọc


.