Bốn giờ sáng bà Côi đã thức dậy, ngoài trời tối om. Bà xỏ đôi dép nhẹ nhàng xuống bếp tránh để ông thức giấc. Hôm nay rằm, bà dậy sớm hơn thường lệ. Mấy con gà trong chuồng nghe tiếng dép loẹt quẹt liền lục tục đòi ra sân. Bà nhóm bếp, trời lạnh mấy cục than cũng ẩm loay hoay hồi lâu vẫn mù mịt khói.
“Để đó tui nhen cho!”, ông Côi thức dậy từ bao giờ, đến sau lưng bà. “Ủa, ông dậy sớm làm gì?”, bà Côi với cái khăn lau nước mắt giàn giụa vì khói.
Ông Côi rưới vài giọt dầu hỏa, lửa phựt lên. “Để đó tui, bà chuẩn bị đi đi, năm giờ rồi!”, ông quạt phành phạch vào bếp than. Bà Côi lật đật xếp thức ăn vào đôi gánh mấy món chay bà nấu từ đêm qua. Nồi cơm vừa chín, ông Côi xới vào cái thùng xốp lót lá chuối bên trong. “Bà mặc thêm cái áo chớ lạnh, đi cẩn thận chớ đường trơn”, ông khoác cho bà cái áo, dặn dò. Bà xốc đòn gánh lên vai, ra ngõ.
Mới đầu đông đã lạnh. Mấy năm nay cứ đến rằm bà Côi lại nấu cơm chay mang lên chùa cho người nghèo. Trong làng nhiều người bảo ông bà già rồi, cũng đâu khấm khá gì, bà Côi chỉ cười, đến ngày rằm lại lẳng lặng dậy sớm nấu cơm. Vợ chồng bà làm nghề bó chổi dừa gần hai mươi năm nay, ngày còn trẻ tinh mắt mỗi ngày bó được hơn ba mươi cây, dạo này già yếu, bó nhanh cũng chỉ được hai mươi cây, trừ tiền mua lá dừa, dây cột, ông bà cũng còn lại chút đỉnh đủ đi chợ. Có hôm tiếc công ngồi bó chổi, ông tự đi bỏ mối. Ông bà có mỗi đứa con trai lấy vợ ở xa, cả năm mới về thăm cha mẹ một lần. Sắp đến cổng chùa, bà Côi dừng lại đứng thở, “tuổi già sức yếu, gánh gánh cơm nhẹ hều cũng mệt”, bà nghĩ bụng. Trong buổi sớm thinh không, tiếng chuông chùa thong thả vọng lại. Nhớ ngày còn con gái, mỗi khi lễ chùa bà luôn nhặt hoa sứ đem về ủ trong áo, thoắt đó đã mấy mươi năm...
Có tiếng khóc oe... oe... đâu đây. Bà nhìn quanh. Mới sáng sớm ai bế con đi chùa vào giờ này? Tiếng khóc của đứa trẻ vẫn ngằn ngặt. Trời sáng hẳn. Bà nhìn thấy sau cội bồ đề một thùng giấy được lót khăn cẩn thận, bên trong một đứa bé sơ sinh đang khóc, nghe tiếng chân người lại gần, nó càng khóc to. Bà Côi lật đật bế đứa bé lên, nó nín bặt. Bà ngắm nghía đứa bé trai kháu khỉnh. Trong bụi cỏ chợt có tiếng sột soạt, bà ngẩng lên thoáng thấy bóng người sau gốc cây rồi mất hút. “Ai đó? Sao lại bỏ đứa bé ở đây?”, bà gọi to. Không có tiếng trả lời, bà bế đứa bé vào chùa. Qua trưa, bà ngồi ngoài hiên chùa chờ đợi, hy vọng cha mẹ đứa bé nghĩ lại đến đón con về.
MH; VÕ VĂN |
Chiều muộn. Cổng chùa vẫn vắng hiu. Nhiều người hiếu kỳ đến xem đứa bé rồi cũng bỏ về, không ai có ý nhận nuôi. Bà nhìn thằng bé ngủ ngon lành, nghĩ đến gia cảnh của mình, vợ chồng bà già yếu, sức khỏe chỉ đủ ngồi bó dăm ba cây chổi mỗi ngày, nếu cưu mang một đứa trẻ liệu sẽ ra sao? Thôi, bà đành gửi nó vào chùa. Nghĩ vậy bà bế đứa bé vào trong gặp sư thầy.
Lên hết bậc thang chân run lẩy bẩy, bà ngồi xuống thở, đứa bé lại khóc ngằn ngặt. “Chắc nó đói”, bà nghĩ bụng. Bà chạy vào chùa xin chút nước đường nhỏ vô miệng thằng bé, nó chùn chụt mút ngon lành, đôi mắt mở thao láo. Bà lặng ngắm nó say sưa, “đứa con đẹp vầy sao nỡ bỏ đi”. Bà mân mê ngón tay nó, nó cũng nắm ngón tay bà thiệt chặt. Một tình thương bất ngờ tràn ngập lòng bà, bà ôm thằng bé thầm thì, “thôi về với bà, rau cháo cũng qua ngày”. Bà đứng lên lấy thêm khăn lót vào một bên quang gánh, nhẹ nhàng đặt thằng bé vào trong, nó ngủ khì, cái miệng xinh xinh lại toét ra cười.
...Chưa đến đầu ngõ bà đã thấy ông Côi đứng đợi. Nhìn thấy bà ông mừng như con thấy mẹ đi chợ về. “Bà đi lâu quá, tui sốt ruột không biết có chuyện gì không!”, ông Côi đỡ đôi gánh trên vai bà. “Suỵt!”, bà Côi đưa ngón tay ra hiệu, chỉ vào gióng gánh phía sau. Ông Côi nhìn đứa bé đang ngủ, miệng há hốc: “Con ai vậy bà?”. “Người ta bỏ nó trước cổng chùa, thương quá tui đem về”. “Tội nghiệp, mới mở mắt đã khổ!”, ông Côi ngồi thụp xuống, tay mân mê ngón chân thằng bé. “Nó có duyên với mình, nếu hôm nay không phải rằm tui đâu có lên chùa. Mình ráng nuôi nó nghen ông!”, bà thầm thì.
Đàn gà nhung nhăng chạy quanh sân, lũ gà con chiêm chiếp ngó nghiêng vào gióng gánh, thằng bé thức giấc khóc váng lên, miệng lại chóp chép đòi ăn. “Cháu tui đói rồi đây!”. Bà quày quả vào bếp nhóm lửa, lát sau bê ra chén nước cháo đút từng muỗng, thằng bé ăn ngon lành. Chừng đã no, nó lại lăn ra ngủ. Bà con trong làng hay tin kéo đến xem thằng bé. Đêm. Sau mấy mươi năm trong nhà ông bà lại có tiếng trẻ khóc. “Tội nghiệp, chắc nó nhớ hơi mẹ”, bà Côi ôm thằng bé vào lòng ru ầu ơ, lát sau nó đã ngoan ngoãn ngủ trong tay bà. “Đặt nó tên gì hả ông?”, bà thầm thì. “Bà ưng tên gì thì đặt đi!”. “Bầu nghen ông?”. Ông Côi móm mém cười, lại gần thằng bé nựng nịu: “Thằng Bầu của ông đây! Mau lớn đi phơi chổi, mồi thuốc cho ông!”.
* * *
Mới một trận mưa đường làng đã lầy lội, ông Côi rướn người đẩy cái xe đạp nặng như xe trâu, chở bó chổi dừa phía sau. Từ ngày có thằng Bầu, bà Côi bận bịu hơn. Bà nuôi thêm đàn vịt, tới lứa bán kiếm thêm tiền chợ. Thằng Bầu được cái ngoan, dễ ăn dễ ngủ, hơn một tuổi đã lẫm chẫm đi quanh cái sân gạch, bi bô tập nói. Ông Côi ngồi bó chổi thỉnh thoảng lại dừng tay ôm Bầu hôn hít. Chiều nay, bà Côi ra chợ sớm hơn mọi lần, bà cột theo cặp vịt để bán. “Phải mua cho Bầu cái áo ấm, trời lạnh rồi”, bà thủ thỉ với ông. Bên hiên thằng Bầu kéo lê cái chổi dừa đi quanh sân, vừa đi vừa ê a...
“Ông ơi cho con hỏi...”, có tiếng con gái rụt rè.
Ông Côi hấp háy nhìn ra. Một cô gái gầy gò, vai đeo túi xách, có vẻ như từ xa đến. Ông Côi chống gối đứng lên lập cập đi ra: “Cô hỏi ai?”. “Dạ, con hỏi nhà bà Côi”, cô gái cúi đầu lí nhí. “Bà nhà tui ra chợ chút nữa về, cô vô nhà chờ, ông Côi đẩy cái cổng tre. Cô gái khép nép đi vào. Thằng Bầu đang chạy quanh sân chợt thấy người lạ nó dừng lại giương mắt tròn xoe nhìn chăm chăm. Cô gái lặng đứng nhìn thằng Bầu hồi lâu, miệng mím lại nén nỗi xúc động. Thằng Bầu thôi kéo lê cây chổi, mon men lại gần cô gái. Bất ngờ cô ôm chầm thằng Bầu vào lòng, nước mắt giàn giụa. “Con của mẹ! Tha lỗi cho mẹ!”, đôi vai cô rung lên.
Bầu ngơ ngác nhìn cô gái rồi mếu máo chực khóc. Ông Côi đứng như trời trồng giữa sân. Từ lúc cô gái bước vào, ông quan sát và linh cảm mách bảo ông “Mẹ Bầu đây”. Ông lặng thinh nhìn ra đồng...
“Bầu ơi!”, vừa đến ngõ bà Côi đã gọi, “Ra đây bà cho nè!”
Nghe tiếng bà, Bầu gỡ tay mẹ lao ra ngõ, ôm chầm lấy bà òa lên khóc. Bà Côi ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì, bế thằng Bầu lên, tay kia cắp cái rổ vừa đi về. Chợt thấy cô gái ngồi ở hiên với đôi mắt sưng mọng, còn ông ngồi bất động nhìn ra đồng, bà buông rổ ngồi phịch xuống hiên.
“Bà ơi!”, cô gái nấc lên.
Nước mắt bà Côi giàn giụa. Bà kéo thằng Bầu vào lòng, run run quệt nước mắt cho nó. Thằng Bầu không hiểu chuyện gì, cứ bám riết lấy bà không rời. Ông Côi chầm chậm đến bên bà thầm thì: “Thôi bà, mẹ nó đã tìm...”.
Cô gái nắm tay bà Côi. “Con quẫn trí quá nên dại dột bỏ con, giờ con xin ông bà thương tình”, cô gái lại nức nở khóc. Bà Côi lẳng lặng vô bếp. Bữa cơm chiều dọn ra, cô gái ở lại ăn cùng ông bà bữa cơm. Bà Côi bưng cơm lên nhưng không ăn nổi lại đặt xuống, ôm Bầu vào lòng. “Về với mẹ phải ngoan, phải chơi như ở với bà, lâu lâu nhớ tới thăm bà nghe chưa?!”, nói đến đó nước mắt bà lại ứa ra trên đôi gò má nhăn nheo.
Đưa mẹ con Bầu ra ngõ, bà Côi còn dùng dằng chưa chịu rời. “Con không quên ơn ông bà, con sẽ cho Bầu trở lại thăm ông bà”, cô gái nhìn ông bà Côi đầy biết ơn.
Bóng mẹ con Bầu khuất sau rặng trâm bầu, bà Côi vẫn còn đứng ngóng theo.
...Chở nốt bó chổi dừa ra chợ, ông Côi về đến nhà trời đã nhá nhem, từ chái bếp làn khói mỏng bay lên, bà Côi đang nấu cơm chiều. “Củi gì mà ẩm quá, mai ông đem phơi cho tui nghen!”, tay bà quệt nước mắt. Nhìn những thanh củi khô cháy rừng rực, ông Côi tính la lên “Củi khô rồi mà, cháy rừng rực đó?” nhưng ông kịp dừng lại, tới sau lưng bà. “Ờ, để mai có nắng tui đem ra phơi nghen!”, ông nói, rồi lấy ngón tay quệt nước mắt cho bà. “Thôi mà, tui cũng nhớ nó lắm nhưng mẹ con nó cần có nhau!”.
Bà Côi lững thững ra sân vãi thóc cho đàn gà đang tục tục kéo về, không dưng bà ngóng ra. Tiếng đứa nào như thằng Bầu bi bô ngoài ngõ. Bà vất vội nắm thóc sấp ngửa chạy ra. “Bầu ơi! Bầu!”, tiếng bà tan vào bóng chiều nhá nhem.
Ngõ nhỏ vắng hoe, chỉ còn tiếng cạp cạp của đàn vịt đi kiếm ăn đang lạch bạch trở về.
VŨ NGỌC GIAO
TIN, BÀI LIÊN QUAN: