Truyện ngắn: Mùa thương

14:56, 22/06/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chị luồn tay dưới gối, khẽ nâng chiếc gối cao lên rồi nhẹ nhàng hạ xuống. Mắt con bé vẫn nhắm nghiền, hơi thở đều đều trong giấc ngủ ngon lành. Chị khẽ mỉm cười, nụ cười viên mãn của người đàn bà đã trải qua nỗi cô đơn, buồn tủi giữa cuộc đời. Giờ ngoái nhìn lại chặng đường phía sau, chị không tin là mình có thể vượt qua và đón nhận một cái kết tuyệt vời đến như vậy. Cái kết ấy nằm ngoài sức tưởng tượng của chị, đôi khi chị nghĩ, hay là mình đang mơ?

Chị tình cờ gặp lại anh, sau hai mươi năm. Hai mươi năm với chị mà nói, nó thiêng liêng và đẹp đẽ vô cùng. Hai mươi năm ấy, chị luôn đau đáu chờ anh, chị “vẫn tin chữ hợp cuối câu Kiều” và chị đặc biệt tin ở lời giao hẹn của anh trước khi anh chia tay chị xuống núi nhập vào đoàn quân giải phóng trong trận đấu cuối cùng nên bao nhiêu lời ngỏ cưới chị đều bỏ ngoài tai. Chị sống lặng lẽ trong căn nhà chính sách dành cho những người có công với kháng chiến giữa vườn cây trái sum suê.

 

Mỗi ngày, niềm vui của chị là chăm sóc vườn cây, nhìn chúng đâm cành, trổ hoa, kết trái và sẵn sàng đón anh trở lại. Thời gian cứ thế trôi đi, cho đến một hôm, khi chị đang lúi húi xếp lại rổ mận ngay ngắn, bưng lên, chuẩn bị đem ra chợ bán thì có tiếng gọi khe khẽ phía sau: “Loan, Sáu Loan!”. Chị khẽ giật mình quay lại, mắt bỗng nhòe đi, chị đưa tay dụi mắt và sửng sốt khi nhận ra người đàn ông đội chiếc mũ tai bèo đã cũ, sau lưng là chiếc ba lô đã bạc màu chính là anh. Chị đứng như trời trồng, rổ mận từ từ tuột khỏi tay chị, những trái mận đỏ au đổ tràn ra mặt đất. Sau phút định thần, chị gọi tên anh: “Tư Mến!”. Rồi họ ôm chầm lấy nhau, chị nức nở, còn anh thì khẽ mỉm cười trong nước mắt và đưa tay vỗ nhẹ lên đôi vai gầy của chị. Chứng kiến giây phút trùng phùng ấy của chị và anh là lũ chim sâu đang chí chóe tranh mồi, là những chùm mận đong đưa trong vòm lá, là những tia nắng tháng Tư lấp lánh ánh vàng. Hai tay ánh nắm lấy hai bắp tay chị, đưa ra xa một chút và ngắm nhìn gương mặt trái xoan với anh mắt sâu thẳm đã lặng lẽ neo lại trong anh suốt những năm tháng họ lạc mất nhau. Chị nhìn anh kèm theo một nụ cười bối rối. Cứ thế, họ chỉ buông nhau ra khi có tiếng đằng hắng bên kia bờ rào.

*    *
*

Chị không hỏi gì anh về việc hai mươi năm qua anh ở đâu, làm gì. Anh cũng không hỏi chị sống thế nào, sao không lập gia đình. Những ngày anh lưu lại trong ngôi nhà giữa khu vườn xanh mát của chị là những ngày họ quay về với cuộc sống của hai mươi năm trước, giữa những cánh rừng nguyên sinh ngập tràn sắc đỏ chói lọi của hoa đỗ quyên, loài hoa mang thông điệp về sức sống mãnh liệt, bền bỉ chốn non ngàn. Anh giúp chị dặm lại cái mái nhà, chỉnh trang lại căn bếp và tỉa lại giàn hoa giấy bên hiên nhà. Chị cặm cụi lau chùi, quét dọn, nấu cho anh những bữa cơm giản dị. Họ cứ thế, lặng lẽ bên nhau. Buổi tối, họ cùng nằm trên chiếc giường gỗ đơn sơ, chị đã thay bộ ga cũ sờn bằng bộ ga mới màu xanh nước biển, nhã nhặn và dịu mát. Tay trái anh cầm tay phải chị, họ cùng nhìn lên trần nhà và câu chuyện của họ luôn bắt đầu bằng cụm từ: “Anh nhớ không? Em nhớ không?”. Đằng sau cụm từ ấy, ký ức một thời nằm rừng ngủ lá ùa về giăng kín cả ngôi nhà nhỏ của chị. Nghe thoang thoảng đâu đó mùi hương hoa rừng mộc mạc, nghe tí tách tiếng sương rơi trên đầu ngọn lá, nghe tiếng rít của cánh máy bay chuồn chuồn, tiếng súng nổ từ phía đồng bằng dội lại và hình như có cả tiếng thở của đêm sâu. Thỉnh thoảng, chị xoay người lại, nép vào anh như cô giao liên ngày nào khẽ nghiêng đầu ngả vào bờ vai anh chính ủy. Tiếng cười của họ hòa vào nhau làm thành một thứ âm thanh mềm mại, tràn ra ngoài khung cửa sổ, đọng lại trong những tán cây, cả khu vườn khẽ xao động giữa bầu trời đêm tĩnh lặng. Rồi, họ cùng chìm vào giấc ngủ êm, thánh thiện đến lạ lùng.

*     *
*

Chuỗi ngày ngắn ngủi bên nhau đi qua thật bình yên, anh chị chẳng quan tâm đến ánh mắt dòm ngó dò xét và cả những lời xì xào khó nghe bên ngoài cánh cổng. Buổi sáng, họ cùng ngồi bệt xuống thềm nhà, sau khi nhấp vài ngụm trà chị pha cho anh theo kiểu dã chiến. Nhưng sáng nay, anh lạ lắm, anh nhìn chị rất lâu và khẽ gọi chị, dù chị đan ngồi rất gần anh: “Này, Sáu Loan!”. Chị hơi bất ngờ: “Gì vậy anh?”. Anh đưa tay kéo chị lại gần, thật gần và quàng tay qua vai chị, thủ thỉ: “Em có muốn biết hai mươi năm qua anh sống như thế nào không?”. Chị không nói gì, chỉ khẽ gật đầu đồng ý. Theo lời kể của anh, nước mắt chị chảy thành dòng. Thì ra, trong trận đánh cuối cùng đó, anh bị thương rất nặng và anh không bao giờ có thể làm cha được nữa, đấy là lý do anh không đi tìm chị vì anh nghĩ chắc chị đã có gia đình và đang hạnh phúc. Anh không muốn làm xáo động cuộc sống của chị. Phải mất mấy năm trời để chữa lành vết thương khắc nghiệt đó, anh giải ngũ về quê sống cùng cha mẹ già và tham gia mấy việc đoàn thể ở địa phương cho đỡ buồn. Giống như chị, anh vẫn mong có ngày gặp lại chị để được thấy chị hạnh phúc, để lòng nhẹ nhõm và yên ổn.

Người ta vẫn thường nói, có những bước ngoặt trong cuộc đời làm cho con người thay đổi hoàn toàn nhưng cũng có những bước ngoặt trong cuộc đời mang đến cho người ta những linh cảm đặc biệt. Cuộc sống của anh sẽ trôi qua nhạt nhòa nếu người bạn một thời chiến đấu của anh không ra đi quá sớm vì căn bệnh ung thư phổi quái ác, người vợ của anh ấy cũng đã mất vì tai nạn giao thông rất thương tâm hai năm trước đó. Họ để lại đứa con gái mới lên bảy tuổi bơ vơ vì ông bà nội ngoại hai bên đều chẳng còn ai. Sau khi cùng chính quyền địa phương và những người đồng đội cũ lo tang lễ cho bạn, anh quyết định nhận đứa bé về làm con nuôi. Thủ tục nhận con nuôi cũng đơn giản vì anh là quân nhân, có nhân thân và hoàn cảnh rõ ràng. Cha mẹ anh vui lắm vì họ nghĩ đó là sự bù đắp của cuộc đời cho anh. Cả ba người cùng chăm sóc cô bé bằng tất cả niềm yêu thương còn lại của tuổi xế chiều. Và, không hiểu sao, kể từ khi có đứa trẻ ấy, anh bắt đầu nghĩ đến việc tìm lại chị với niềm tin chị vẫn chờ anh. Qua những người bạn, anh lần lần  nắm được thông tin về chị và không lần lữa, anh khoác ba lô lên đường đến với chị, tìm mẹ cho con gái. “Em đồng ý về với anh và cùng nuôi con của đồng đội chúng ta khôn lớn chứ?”, anh thì thầm vào tai chị. Chị vẫn im lặng, ngước nhìn anh và gật đầu. Cả khu vườn nhỏ bỗng xôn xao. Sau vòm lá, tiếng chim sâu lích chích gọi bầy, nghe như có cả âm thanh của tiếng lá chạm vào nhau tạo nên một thứ âm thanh lắng đọng, trong ngần.

*     *
  *

Câu chuyện của họ được cả hai bên gia đình ủng hộ, vun vén vì thương chị thương anh, thương cho mối tình trong sáng mà bền lâu của họ. Sau buổi sáng hôm ấy, chị làm vài mâm cơm ấm cúng gọi là ra mắt tổ tiên và bà con lối xóm cùng một số đồng đội cũ chị còn liên lạc được bấy lâu nay. Chị giao lại ngôi nhà cùng khu vườn nhỏ cho đứa cháu gọi bằng dì ruột rồi theo anh về làm dâu mà không cần lễ nghi, đón rước. Vượt chặng đường hơn trăm cây số, chị ngỡ ngàng trước sự chào đón thân tình của cha mẹ anh, họ hàng nội ngoại bên anh và bà con xóm giềng. Điều khiến chị hạnh phúc nhất là bé Hạnh, con gái nuôi của anh chạy đến ôm chầm lấy chị và gọi chị là mẹ trong tiếng nấc. Chị bế con bé lên, trái tim chị như tan chảy trong niềm hạnh phúc bất ngờ này. Anh bước tới, dang rộng vòng tay ôm lấy hai mẹ con. Ngôi nhà vốn bình lặng giữa làng quê yên ả, hôm ấy bỗng rộn rã tiếng nói cười và tràn ngập những lời chúc phúc.

Bất giác, con bé quờ tay ôm chặt cánh tay của chị, đôi mắt với hàng mi đen dày chớp nhẹ rồi lại chìm vào giấc ngủ sâu. Chị quay lại vỗ vỗ vào lưng con và trao cho con ánh nhìn chan chứa yêu thương. Ngoài kia, bầu trời mùa hạ trong veo, những ngôi sao xa nhấp nháy không ngừng. Hình như, có một mùa thương đang nở rộ trong trái tim muôn đời thiếu nữ nhân hậu, bao dung và thủy chung của chị.

TRẦN THU HÀ
 


Ý kiến bạn đọc


.