(Báo Quảng Ngãi)- Xóm Hóc Nhiêu có bốn mươi nóc nhà. Trong đó có hai mươi bảy nhà cấp bốn. Nhà cấp bốn vách xây, lợp ngói, nền gạch men, còn lại là nhà sàn. Nhà sàn làm bằng cột ké. Ké là loại cây rừng chắc như lim, cứng như sắt, thậm chí còn hơn sắt vì không han gỉ. Người ta chôn cột sâu xuống đất, mưa nắng chẳng hề hấn gì. Mối mọt cũng chào thua. Nhà Bok Triêng cũng vậy, cũng làm bằng cột ké. Khi có cây cầu bê tông bắc qua suối Tầm Linh, người dân lần lượt bỏ nhà sàn, xây nhà cấp bốn. Xe chở vật liệu đến tận nơi, nên chấm dứt việc cõng gạch, cõng xi măng qua suối.
Bok Triêng biết điều đó, biết vận chuyển vật liệu quá dễ, nhưng Bok Triêng chưa chịu xây nhà mới? Đó là câu hỏi mà không ít người dân ở xóm Hóc Nhiêu đặt ra. Thằng Ngheo, con trai của Bok Triêng làm dưới khu công nghiệp, mỗi lần về nó đều nói phải dỡ cái nhà sàn này thôi. Làm nhà mới đi cha ơi. Nhà mới ở thoáng hơn, mát hơn. Mỗi lần nó nói, Bok Triêng ra đầu hồi, ngồi trầm ngâm nhìn về phía núi Eo Chim. Châm điếu vồ, Bok Triêng kéo hơi thuốc dài, thở khói, không nói năng gì. Bok Triêng ngồi như vậy rất lâu. Cách chỗ Bok Triêng ngồi chừng năm cái nhà là con đường bê tông rộng, phẳng lì, chạy dọc bên bờ suối. Thỉnh thoảng tiếng xe chở ngói, chở gạch chạy qua. Mùi dầu, mùi khói xe bay tận vào nhà. Bok Triêng nhớ về những năm tháng rất xa. Không biết bao nhiêu mùa rẫy. Lúc đó, Bok Triêng còn mặc xà rông, ở trần bắt con ốc, con cua dưới suối. Già May, cha của Bok Triêng ra kêu về:
- Úi! Cái thằng Bok Triêng, mày không chịu ở nhà để đuổi “dăm ia” (con gà), “dăm chua” (con heo), mà đi tắm nước miết, mò suối miết.
Đó là lần Bok Triêng được cha kêu về coi nhà cho cha dẫn trâu đi kéo cây ké. Già May dựng nhà phía mé đồi, quay mặt ra suối. Xóm Hóc Nhiêu bấy giờ mới có sáu nóc nhà sàn. Tất cả đều lợp tranh, tất cả đều giống nhau. Sàn nhà lót bằng cây lồ ô đập dẹp, vách thưng gỗ tạp. Ở mỗi đầu hồi đều có khúc cây ké, đẽo chín bậc bước lên. Nhà đó còn mãi đến bây giờ. Già May đến ở Hóc Nhiêu từ khi núi rừng im tiếng súng, tiếng bom. Một ngày người dân thấy lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc nhà huyện. Đêm đó, già May cõng Bok Triêng lội qua suối, lên sân vận động xem văn nghệ, chào mừng đất nước hòa bình. Bok Triêng co chân, ôm cổ già May thật chặt. Nhưng ác nhơn, chân Bok Triêng dài quá, thòng xuống đụng nước, co lên thì mỏi. Suối không sâu, nhưng đá suối đầy rêu, rất trơn. Cũng may cha con đến bờ bên kia không bị ướt, có điều già May tìm gói thuốc rê không thấy. Già May thả Bok Triêng xuống đất, xuýt xoa:
- Ui! Cái thằng này, chân dài quá, mày đạp rớt mất gói thuốc của tao xuống suối rồi.
Đấy là những gì còn đọng lại trong trí nhớ của Bok Triêng. Trong trí nhớ đó, Bok Triêng không quên những lời cha nói. Cha nói người đồng bào mình sống lâu đời với núi rừng. Lưng dựa vào núi, chân đi trên đá. Khát có nước suối, đói có rẫy bắp, rẫy mì. Nhà sàn là chỗ che mưa, che nắng, tránh con rắn, con rít, tránh con thú dữ. Đó là phong tục. Phong tục của người đồng bào mình vững chắc như cây ké, cây cầy.
Già May kể rằng, có lần đi làm rẫy, trưa lại chỗ hòn đá to dưới bóng cây ăn cơm. Gói cơm móc trên cành cây, nhưng nó bay đâu mất. Không có gì để ăn, bụng nóng như cục lửa. Già May đi vòng quanh tìm mà không thấy. Chuyện mất cơm ở rẫy không bao giờ xảy ra. Bởi ai cũng biết mo cơm đi rẫy, đi rừng là gói cả tình người, cả niềm tin, là tập tục của người mình ở đó. Có đói rát ruột cũng không ai lấy của ai. Nay mất là điều khó tin. Không thể như vậy được. Già May nghĩ bụng. Bỗng chỗ cây gạo, phía đằng xa, có tiếng hú. Tiếng hú dội vào vách núi vang ra. Có cánh tay đưa lên vẫy. Già May băng đường đến.
- Úi chà! Thằng Neo.
Neo ở xóm Gò Hồng, lên đây trồng mì. Thấy May đến, Neo cười vang nói:
- May! Mày tìm mo cơm phải không? Mo cơm mày không mất đâu, tao để kia. Mày lại đây, ta cùng ăn cho vui.
- Úi cái thằng này, mày làm tao kiếm miết.
Neo nói:
- Tao muốn kêu mày lên ăn cơm, nói việc này cho mày nghe mà.
- Việc gì? Mày thiếu cây mì để trồng hả? Tao cho. May vừa ăn, vừa nói.
- Không mà. Tao nói chuyện khác. Tao và mày chơi với nhau từ nhỏ. Tao biết tính mày. Bây giờ tao hỏi thiệt mày nghen. Mày ưng con Né không? Con Né em tao. Nó cũng lớn rồi.
May trầm ngâm nghĩ ngợi. Cha mẹ thằng Neo mất sớm. Mất trong một đêm có tiếng súng ở đồn giặc bắn ra. Hai anh em nó nương nhau trong cái nhà sàn ở xóm Gò Hồng. Xóm Gò Hồng cũng ở bên sườn núi, có ruộng bậc thang, có chỗ trồng bắp, trồng chè. Nó vừa làm anh, làm cha, nuôi con Né khôn lớn. Né có mái tóc dài, hơi hoe. Né thành thiếu nữ bao giờ không biết. Hôm lên chợ huyện, bán củ mì, nó mua cái gương tròn soi mặt. Buổi sáng, chải tóc, nó lấy gương ra nhìn, vuốt tóc trước khi cõng gùi đi chợ. Chợ huyện không xa, nhưng phải lội qua suối. Suối không sâu nhưng rộng, hôm nào nước đổ về thì không lội qua được. Gọi là nước khách vì nước cứ ào tới một vài giờ rồi đi biệt. Nước khách đi qua để lại mớ rác nằm ngổn ngang trên bãi. Hôm đó, gặp nước khách, Né ngồi bên bờ suối chờ đến tối. May cũng lên chợ về. Chờ mãi, chờ mãi, nước rút chậm quá, May móc túi lấy trầu ra ăn, đưa cho Né một miếng, rồi nói:
- Né ơi, mày ăn miếng trầu đi, mày có muốn qua suối không thì theo tao. Nước rút thêm chút nữa, tao dẫn qua. Né cầm miếng trầu nhai. Nó nửa muốn qua, nửa muốn không. Trời càng ngày càng tối, một mình ngồi đây, biết làm sao. Nghĩ bụng, Né nói:
- Được. Cho tao theo với. May nắm tay Né dắt qua suối. Lần đầu nắm tay con gái May có cảm giác lạ lạ. Còn Né nghe hai má nóng bừng. Cũng may trời tối nên không ai thấy hai đứa nắm tay nhau. Hai mùa lúa rẫy qua. Hai mùa đốt lửa múa hát cồng chiêng trong lễ ngã rạ mừng lúa mới. Say trong men rượu cần, May thấy Né xinh quá. Tóc nó dài mượt, mềm mại như con suối chảy qua làng. Hôm nay, nghe Neo nói ưng con Né không? Hình như trong bụng May có cái gì thinh thích.
Đấy là chuyện già May kể lại cho Bok Triêng nghe, họ thành vợ thành chồng sau hai mùa rẫy. Họ về xóm Hóc Nhiêu dựng nhà, sinh con đẻ cái. Già May truyền lại cho Bok Triêng tính thực thà, cương trực. Truyền cho Bok Triêng tình yêu quê hương xứ sở, biết gìn giữ tập tục văn hóa của người đồng bào. Ngôi nhà sàn theo Bok Triêng là một phần bản sắc văn hóa của đồng bào miền núi. Trong lòng Bok Triêng, nhà sàn là hình ảnh thiêng liêng, là hơi thở của núi rừng. Bọn trẻ bây giờ nó theo thời đại quá. Từ khi điện kéo về, cái xóm nhỏ rộn ràng hẳn lên. Đêm đến, nhà nào cũng sáng choang, ánh sáng phóng ra tới con đường bê tông. Điện xua đi tăm tối núi rừng. Bok Triêng ưng cái bụng lắm. Có một điều lâu nay Bok Triêng nghĩ mãi chưa ra. Lúc tuổi Bok Triêng bằng bọn trẻ bây giờ đã thuộc lòng điệu hát ca lêu. Bok Triêng thuộc cả điệu múa cồng chiêng. Trai làng vừa đánh chiêng ,vừa đi quanh đống lửa. Các cô gái ca những bài ca của núi rừng. Những bài ca tha thiết ngọt ngào mang cả hồn quê, đất nước, núi sông. Giọng hát như mây, như gió qua đồi của những cô gái trẻ cứ âm vang mãi trong lòng Bok Triêng. Khác với bọn trẻ bây giờ. Bọn trẻ như đã bỏ quên một thứ gì đó, không gọi được thành tên. Một thứ gì mà Bok Triêng thấy thiêng liêng lắm. Mấy cái chiêng to, chiêng nhỏ xếp chồng lên nhau ở góc nhà sàn, phủ lên lớp bụi. Lâu lâu, vào những buổi trưa, thằng Ngheo đi làm, Bok Triêng lấy ra từng cái lau chùi, săm soi tiếc nhớ. Bok Triêng nhớ về những đêm trăng sáng, khi ánh lửa bập bùng trên cái sân đất, dân làng tề tựu về đây múa hát. Và cũng trong đêm trăng sáng đó, Bok Triêng nhận ra ánh mắt của người con gái trong trẻo như nước suối đầu nguồn. Dòng suối ấy đã tắm mát đời Bok Triêng khi họ biết nắm tay nhau để thành vợ thành chồng. Còn bây giờ, bọn trẻ cứ rảnh là kéo nhau đi hát thứ gì có cái loa to, có màn hình lớn, dội đùng đùng nghe tức cái ngực quá chừng. Thằng con trai của Bok Triêng thỉnh thoảng cũng đi hát, nó nói hát karaoke. Bok Triêng dạy cho nó đánh chiêng, hát ca lêu, nó làm theo một cách miễn cưỡng. Tức quá, Bok Triêng kêu mấy đứa thanh niên trong xóm lại, bày chúng đánh chiêng. Cũng được mấy bữa rồi bọn nó ra ngoài quán hát đùng đùng nghe mà tức ngực.
Bây giờ thằng con trai của Bok Triêng đòi xây nhà mới, Bok Triêng không phản đối nhưng tiếc cái nhà sàn quá. Chính cái nhà sàn này, nơi Bok Triêng oe oe cất tiếng khóc chào đời. Bok Triêng yêu ngôi nhà từ cái bậc thang mòn nhẵn, đến cái bếp giữa nhà có ngọn lửa ấm áp cháy hoài từ những ngày thơ bé. Mùa đông, bếp lửa rực hồng xua tan cái lạnh núi rừng. Nhìn lên vách nhà, những chiếc gùi ám khói treo kia, như mang chứa bao nỗi niềm tha thiết. Tháng ngày chất đầy trong đó. Từng mùa rẫy đi qua trong đó. Những buồn vui cuộc đời như đan xen trong từng mỗi cái nan tre. Còn nhớ mẹ thằng Ngheo ngồi ở đầu nhà, tỉ mẩn hàng giờ vót từng cái nan, từng sợi giang để đan lại thành cái gùi to. Bok Triêng suy nghĩ mãi, lấy điếu vồ châm lửa hút.
Thằng Ngheo đi làm về, nó kêu Bok Triêng:
- Cha ơi! Mai cha dọn bớt đống củi trước sân, con kêu xe đổ vật liệu nghen. Con kêu rồi. Xi măng, ngói, gạch, cát sạn gì cũng có hết. Xe chở tới nơi. Khỏi cõng như hồi xưa cho mệt.
Bok Triêng đang lúi húi mài cái rựa, nghe con nói, vội đứng dậy:
- Mày xây nhà thiệt hả Ngheo?
- Thì xây thiệt chứ giỡn sao cha?
Bok Triêng trầm ngâm một lúc rồi nói:
- Mày tính phá cái nhà sàn này sao? Nhà đó của ông nội. Ông nội để cho cha. Bây giờ mày không muốn ở thì để cho tao chứ không được phá. Đất nhà mình còn rộng. Dỡ bỏ cái chuồng trâu đi. Mày xây nhà mới chỗ đó. Chỗ đó gần đường, tiện cho việc đi lại.
Ngheo nghe cha nói cũng phải. Đất rộng, nhà sàn của ông nội để lại còn tốt, cơn gì phải phá đi. Nó nói:
- Vậy cũng được. Lâu nay con nghĩ không trúng. Mình cần giữ lại để làm kỷ niệm. Mà con biết chắc giữ lại là cha vui.
Bok Triêng như gỡ được cục lo trong bụng, quăng xuống suối. Bok Triêng nghĩ nó xây nhà mới theo cái văn minh, theo cái chung của bọn trẻ. Còn mình lớp xưa, xưa như gốc ké, gốc cầy. Có điều không có những gốc cây già ấy, thì người ta không gọi là núi, là rừng đâu.
THOẠI VĂN