(Báo Quảng Ngãi)- Thị xã vừa mới được quy hoạch lên thành phố, người ta rục rịch thay áo mới cho một vùng đất vốn yên bình. Người dân thi nhau sơn sửa lại cửa nhà như một cách ăn mừng thiết thực. Hàng quán với đủ loại biển hiệu được gắn đèn led nhấp nháy cả ngày lẫn đêm. Cửa hàng nào cũng muốn thu hút sự chú ý của người qua lại bằng cách bật loa đập uỳnh uỳnh, hát mấy bài nhạc trẻ. Thành ra phố nửa giống một ả đào diêm dúa lại nửa giống một gã trai mới lớn ưa phô trương kệch cỡm. Cái mác thành phố dễ khiến mọi người nhen nhóm một tia hy vọng nào đó cho mình.
Đến cả mấy người chuyên thu mua phế liệu cũng nghĩ, lên phố rồi giá sắt vụn cũng tăng. Thuần nhìn phố có phần ngơ ngác. Đôi lúc Thuần nghĩ phố này đâu phải phố của mình. Mới hôm nào những cây phượng già còn thong dong rũ mình soi xuống dòng sông. Trên thân cây xù xì vài chú ve ẩn mình đổi xác. Giờ người ta quấn đèn nhấp nháy từ gốc lên tận ngọn cây, buổi tối dòng sông là những vòng sóng lấp lánh sắc màu. Quán Thuần vẫn những khách quen ấy thôi nhưng trong đáy mắt đã chứa nhiều gợn sóng...
Dự án trung tâm thương mại sẽ mọc lên giữa thành phố vào năm 2024 làm tất cả mọi người mừng rơn. Vậy là không phải bắt xe xuống thủ đô mới được vào trung tâm thương mại tiêu tiền. Sẽ có siêu thị lớn, rạp chiếu phim, khu vui chơi hiện đại cho trẻ em. Chưa gì phụ nữ đã nghĩ mình sắp được ướm lên người những bộ quần áo đẹp, xỏ vào chân những đôi guốc kiêu kỳ... Lâu nay sống ở đây có tiền cũng giống không có tiền. Hàng hóa được bán đại trà, đi ra đường đếm sơ sơ cũng được cả chục người mặc đúng kiểu áo mình đang mặc. Thỉnh thoảng ngồi chơi bài ở quán Thuần, các cô, các bà hay than thị xã gì buồn hiu. Không buồn sao được khi chỉ lèo tèo hàng quán bán những thứ thiết yếu. Siêu thị bé xíu chẳng khác gì vài quán tạp hóa gộp lại. Làm việc cực nhọc muốn hưởng mà cũng chẳng có chỗ ăn chơi tiêu xài. Thế nên rảnh rỗi các cô, các bà chẳng biết làm gì ngoài cái thú chơi bài. Ban đầu là chơi vui, sau thì chơi ăn tiền. Mỗi ván vài nghìn tiền lẻ, gọi là có tí sát phạt nhau cho có hứng. Lần nào nhìn họ Thuần cũng tự hỏi ngày xưa mẹ bỏ đi là do bị mất trí nhớ hay cũng vì một lý do nào khác. Thuần chờ bảy năm nay những mong mẹ trở về để trả lời cho mình nghe câu hỏi đó.
Thị xã mất điện, mấy mẹ con dắt nhau ra ngồi dưới tán cây râm mát. Từng có những tối cuối tuần thảnh thơi mẹ làm kẹo lạc, pha ấm trà mang ra phục vụ bố đánh cờ với mấy ông hàng xóm. Lá xà cừ thỉnh thoảng lại rụng xuống, có khi phủ cả lên đầu con tướng. Mẹ ngồi chầu rìa bên ngoài bỗng buột miệng than “tướng mà bị che mắt thì dễ mất giang sơn”. Tưởng than chơi vậy thôi mà thật. Ba tháng sau công ty gốm sứ của bố phá sản. Bố mất sự nghiệp vào tay một ả đàn bà xinh đẹp lẳng lơ và đầy mưu mẹo. Mẹ cười khan bảo “xưa nay vẫn vậy. Anh hùng khó qua ải mỹ nhân”. Bố giỏi giang là thế mà sau cú ngã ngựa ấy bê bết rất lâu mới gượng dậy nổi. Ai cũng nghĩ bố phá sản gia đình Thuần sẽ điêu đứng vì túng thiếu. Nhưng cuộc sống của mấy mẹ con Thuần chẳng có gì thay đổi. Vẫn sống nhờ gánh xôi sáng của mẹ dưới tán cây xà cừ. Chắt chiu mà sống.
Mẹ bán vàng tiết kiệm đưa bố làm vốn liếng gây dựng lại sự nghiệp. Gần bốn năm sau bố mới vững vàng trở lại. Người ta gọi bố là ông chủ. Mẹ vẫn chỉ là người đàn bà bán xôi cóp nhặt từng đồng bạc lẻ. Xứ này buồn quá nên đàn ông hay nghĩ chuyện trăng hoa. Có lẽ bố chán người đàn bà của mình mặc những bộ đồ cũ kỹ, kể những câu chuyện quẩn quanh và suốt ngày trên cơ thể chỉ thấy mùi xôi ngô, đỗ, lạc, nên bố thường tìm kiếm niềm vui ở bên ngoài. Tại xứ này buồn quá trách được ai? Mặc kệ, bên một gốc cây nào đó trong thành phố, mẹ con Thuần vẫn ngồi bán từng gói xôi ba nghìn. Có những người lao động chân tay vất vả, ăn gói xôi ba nghìn không đủ no. Mẹ xới thêm một phần xôi mà lúc tính tiền không nỡ tính thêm một phần tiền nữa.
Mẹ bị tai nạn lúc gánh xôi qua ngã ba thị xã. Cú ngã khiến mẹ mất hoàn toàn trí nhớ. Gặp ai mẹ cũng cười ngờ nghệch. Bố vào thăm, mẹ cũng nhìn bố cười. Lâu rồi mẹ đâu có cười với bố. Nhưng bố không thấy vui. Bố chết điếng trước nụ cười của mẹ. Bố dúi cho Thuần ít tiền bảo “cầm lấy thuốc thang cho mẹ, bố bận việc ít ngày”. Rời bệnh viện, mẹ về nhà ngồi ngoài hiên mắt đăm đăm nhìn đôi quang gánh. Thuần hy vọng gánh xôi sẽ khiến mẹ tìm lại trí nhớ nhưng mẹ vẫn chỉ cười ngô nghê như đứa trẻ. Hoặc biết đâu mẹ cố tình không muốn nhớ. Ký ức thì có gì tốt đẹp trong ngôi nhà mẹ gánh gồng nghĩa vợ chồng trong hai thúng cô đơn.
Thuần thay mẹ gánh xôi đi bán. Một hôm về nhà thì không thấy mẹ đâu. Có người nói mới thấy mẹ đi chợ tìm mua cá nấu canh chua cho Thuần. Có người chỉ ra sân ga nói mới đưa người nhà ra tàu gặp mẹ Thuần lơ ngơ đứng đó. Hỏi đi đâu? Thì mẹ nói đi tìm người. Hỏi tìm ai? Thì mẹ chỉ cười không nói. Thị xã bé như lòng bàn tay. Thuần hỏi ai cũng bảo vừa thấy mẹ đi ngang qua đó. Như trò ú tim, Thuần tìm hoài suốt bảy năm không thấy mẹ. Thị xã lên thành phố, mọi thứ rồi sẽ đổi thay đến chóng mặt. Nếu những hàng cây xà cừ cũng bị chặt mất thì mẹ Thuần liệu còn biết lối tìm về? Bố nói:
- Đừng lo. Mẹ con sẽ trở về khi bà ấy muốn. Ký ức nằm trong đầu chứ đâu phải ở những hàng cây.
- Bố có nghĩ mẹ con sẽ phục hồi được trí nhớ hay không?
- Đã chắc gì mẹ con mất trí. Là bà ấy muốn quên mọi thứ để ra đi?
- Bố nghĩ vậy thì tại sao không đi tìm mẹ? Có thể mẹ đang chờ đợi bố ở một nơi nào đó. Chỉ cần bố đi tìm…
Bố không nói gì, một mình di chuyển những quân cờ thắng thua, được mất. Kể từ ngày mẹ bỏ đi bố thường ngồi chơi cờ một mình như thế. Sau giờ làm bố gần như không đi đâu ra khỏi nhà. Bố hay ngồi dưới gốc cây hoàng lan uống trà, mắt đăm đắm nhìn ra khoảng không trước mặt. Nơi mà ngày xưa mẹ thường kê mấy hòn gạch làm bếp, cặm cụi nhóm lửa để thổi xôi. Sáng sớm bố hay cằn nhằn vì mùi hành mỡ bay khắp nhà. Nó vướng vất trên những chiếc áo đã được là phẳng phiu. Thậm chí có hôm đến công ty bố còn cảm thấy râu tóc mình vẫn đang bốc hơi xôi đậu đỏ. Bố từng không thích ăn cơm nhà, vì mùi xôi luôn làm bố ngấy, ăn không thứ gì ngon. Thỉnh thoảng bố lại rít lên khi tìm một tờ báo cũ nào đó mà không thấy vì mẹ đã cắt nhỏ để gói xôi. Có lần đi ăn với đối tác gặp mẹ con Thuần ngồi bán xôi ở vỉa hè, bố ngoảnh mặt đi. Thuần định gọi với theo nhưng cái níu tay của mẹ đã kịp ngăn Thuần lại. Mẹ bỏ đi, Thuần thôi gánh xôi bán rong trên phố. Bố dựng một quán nhỏ cạnh bờ sông để Thuần ngồi bán nước giải khát buổi tối cho đỡ buồn. Ban ngày, Thuần đi học ở trường cao đẳng y trong thị xã. Cứ cuối tuần Thuần lại ra sân ga, bến xe lang thang đi tìm mẹ. Bảy năm trôi qua mà Thuần cứ ngỡ mẹ mới đi lạc hôm qua thôi, còn quanh quẩn đâu đó trong thị xã. Người ta hỏi sao không đi khắp nơi kiếm mẹ? Thuần từng đi tìm mẹ nhiều lần đấy chứ. Lang thang cho đến khi bị bố lôi về. Bố nói đất trời rộng lớn thế này sao biết mẹ ở đâu. Nhưng bố ơi nếu không tìm, sao thấy?
* * *
Vài tháng nữa Thuần ra trường sẽ mở hiệu thuốc riêng. Quán nước ven sông sẽ nhượng cho người khác. Bố dạo này lạ lắm. Thỉnh thoảng lại vắng nhà vài ngày. Lần nào cũng dặn Thuần “ở nhà ngoan, bố đi công tác”. Nhưng Thuần biết thật ra bố đang đi tìm mẹ. Bàn cờ để chỏng chơ ngoài hiên. Con tướng cũng co ro trong cơn mưa mùa hạ. Thuần nhìn những quân cờ đơn độc tựa những phận người, dù có đứng sát bên nhau cũng không gắn kết. Có phải vì thế mà mẹ chọn cách ra đi. Ra đi để người này thấy cần người kia. Để thấy thiếu vắng nhau là điều không thể. Bởi có những người hay lắm. Ở gần ngay bên nhau có khi không thấy nhau đâu, cho đến tận khi xa nhau mới vội vã đi tìm, mới biết người kia từng rất đau, hóa ra mình đã từng rất tệ. Liệu có phải bảy năm qua bố đã ngắm bàn cờ và nghiệm ra điều đó. Nếu biết bố đang mải miết đi tìm thì liệu mẹ có về không? Thị xã lên thành phố, đàn bà nói xứ này rồi sẽ bớt buồn...
VŨ THỊ HUYỀN TRANG