(Báo Quảng Ngãi)- Tết năm nay là tết Ất Tỵ khiến tôi chợt nhớ đến cái Tết của 50 năm trước. Đó là tết Ất Mão - thời điểm tôi ở tại một khu rừng của Tây Ninh, bên sông Vàm Cỏ Đông, chuẩn bị ăn Tết chiến khu cùng với anh chị em ở B6 Tuyên truyền binh vận.
Là một nhà báo, nhưng tôi cũng không biết mùa Xuân năm 1975 sẽ xảy ra điều gì lớn lao ở chiến trường, dù sau tết Ất Mão, tình hình chiến trường rất sôi động.
Tôi còn nhớ, có một sự kiện lớn xảy ra vào ngày 8/4/1975, khi phi công Sài Gòn Nguyễn Thành Trung lái máy bay phản lực F5E ném bom Dinh Độc Lập và hạ cánh an toàn xuống sân bay Phước Long, khi ấy đã được giải phóng. Anh Nguyễn Thành Trung là người của Binh vận Trung ương Cục, nên chỉ sau vài ngày hạ cánh thành công, anh đã về tổ chức họp báo ngay tại Ban Binh vận ở trong rừng. Tôi được dự với tư cách phóng viên tại cuộc họp báo ấy và có hỏi anh Nguyễn Thành Trung mấy câu, để viết bài. Tới lúc ấy mà chúng tôi vẫn chưa nghĩ chỉ hơn 20 ngày nữa là mình được về Sài Gòn, nên có cảm giác khá bình thản.
Sông Vàm Cỏ Đông. Ảnh: TL |
Sau này nhớ lại thời điểm ấy, tôi đã viết được bài thơ “Vàm Cỏ Đông” thể hiện đúng tâm trạng của mình:
“duyên nào đưa tôi đến dòng sông
Vàm Cỏ Đông mùa nước đổ
cả con nước quằn lên, hào hển thở
lục bình trôi quá tốc độ lục bình
đây là nguồn sông anh biết không
mặt sông bằng bỗng nhiên nổi sóng
những cú rướn thiên la địa võng
dòng sông con thuồng luồng khổng lồ
đòi phá vỡ hai bờ đòi giải phóng
nước chuyển màu bỗng tràn năng lượng
thuở hồng hoang gầm rú rợn người
những ngày đó thiệt tình tôi không dám bơi
chỉ xớ rớ trên bờ như đứa trẻ
nhìn dòng sông kiểu con thơ ngóng mẹ
bao giờ sông hiền lại đây trời!
hiền ngay đây hiền ngay đây thôi
chợt những ngày yên lắng
bìm bịp kêu chiều vàng đập cánh
lục bình trôi một tiếng thở dài
tôi đâu biết dòng sông hiền là khổ
tôi ở cạnh sông hai năm trong đời
hai năm cuối cùng cuộc chiến
mở radio thì bài ca hiển hiện
Vàm Cỏ Đông ơi Vàm Cỏ tôi
cứ nghĩ mình còn ở đây dài dài
nhiều lúc lặng ngắm dòng sông thiền định
nhiều khi bực đám lục bình bướng bỉnh
cứ trôi lên trôi xuống hoài hoài
như không cần biết tới ngày mai
làm sao biết rồi ngày mai ấy đến
chúng tôi cuốn tăng võng
theo đoàn quân về Sài Gòn
từ ngày đó tôi xa Vàm Cỏ Đông
nhớ mẹ nướng cho con củ khoai đêm gió lạnh
nhớ bác Tám mời uống ly rượu mạnh
rượu nấu gạo nhà men rừng
nhớ anh Chín Thế bẫy con heo to quá chừng
cơ quan liên hoan mấy ngày chưa hết thịt
nhớ nhà thơ Chim Trắng
lặn lội tìm dòng sông chia sẻ với em mình
thơ là nơi kết nối ân tình
suốt đời tôi không xa Vàm Cỏ Đông
dòng sông cùng tôi xuôi số phận
bao nhiêu là lận đận
mãnh liệt như sông vẫn lâm khổ nạn
mỗi con nước nhạt nhòa ám ảnh
mỗi lúc mình quên sông lại nhắc bao điều
Vàm Cỏ Đông tên có nghĩa là yêu”
Quả thật, tôi đã có tình cảm yêu thương gắn bó với dòng sông Vàm Cỏ Đông khi ở cạnh dòng sông này “hai năm cuối cùng cuộc chiến”. Bởi “làm sao biết rồi ngày mai ấy đến/ chúng tôi cuốn tăng võng/ theo đoàn quân về Sài Gòn/ từ ngày đó tôi xa Vàm Cỏ Đông”. Cái động tác cuốn tăng võng ấy thật nhẹ nhàng, giống hệt như hồi năm 1972 - 1973, chúng tôi cuốn tăng võng trong địa hình ở Nam lộ Bốn Mỹ Tho, để di chuyển từ địa hình này sang địa hình khác trong một trận chống càn.
Kể lại chuyện này để thấy cái bất ngờ ghê gớm khi kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh. Chúng tôi không phải lính chiến nên chẳng biết gì mấy, mà ngay lính chiến cũng không ngờ, cũng khó biết chiến tranh lại kết thúc nhanh như vậy.
Nghĩ lại, càng thương nhà thơ Lê Anh Xuân (Ca Lê Hiến) khi anh viết bài thơ có 2 câu: “Cái vầng sáng bồn chồn thương nhớ đó/ Cứ đêm đêm nức nở gọi ta về”. Lê Anh Xuân viết về Sài Gòn khi anh nằm ở vùng đất Long An, nơi chỉ cách Sài Gòn 20 cây số. Nhìn thấy Sài Gòn từ khoảng cách rất gần, nhưng không sao về được. Vì nhà thơ Lê Anh Xuân đã hy sinh trong một hầm bí mật làm bằng lu đựng nước, vào tháng 5, chiến dịch Mậu Thân đợt 2 năm 1968.
Đúng 7 năm sau, tháng 5 năm 1975, tôi đã về Sài Gòn thật nhẹ nhàng. Vì lúc đó, miền Nam đã được giải phóng, đất nước thống nhất.
THANH THẢO
TIN, BÀI LIÊN QUAN: