(Báo Quảng Ngãi)- Lời ca ngân nga hòa cùng tiếng trống “tùng dinh”, phách gỗ... rộn rã bên biển xanh. Khán giả chăm chú thưởng thức hát múa sắc bùa được trình diễn bởi những người dân quê chất phác.
Lời ca giục giã vươn khơi
Lễ ra quân nghề cá sáng mùng 3 Tết bên cửa biển Sa Huỳnh, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) đang náo nhiệt, chợt mọi người im lặng lắng nghe. Tiếng trống "tùng dinh" mở đầu, tiếp đến là giọng ca của ông Cái (thành viên trong Đội hát múa sắc bùa Tân Diêm, phường Phổ Thạnh) ngân nga: "Phong tục của cha ông lưu truyền cho con cháu/ Mùng Ba ngày Tết lễ hội ra quân/ Ngư dân Phổ Thạnh náo nức trông chờ/ Bả trạo, sắc bùa hát về nghề biển”. Tiếng trống tiếp nối. Ông Cái xướng tiếp rồi cả đội cùng hát: "Làm biển làm biển/ Sóng lặng bể yên/ Các anh thanh niên/ Chuẩn bị xuống thuyền/ Người lo chất đá/ Kẻ lo mành trũ/ Lưới mành đầy đủ/ Thuyền chạy ra khơi/ Buông thả lưới mành/ Thả ngang thả dọc/ Đàn cá vào mành/ Kéo lên đầy mẻ/ Thu, ngừ, tôm, mực/ Khoang thuyền đầy cá/ Anh em vui vẻ...". Lời ca hòa cùng tiếng trống, phách gỗ... rộn rã dưới nắng xuân hanh vàng bên biển xanh. Khán giả chăm chú thưởng thức hát múa sắc bùa được trình diễn bởi những người dân quê chất phác. "Được hát múa phục vụ bà con, em vui lắm. Em cầu mong trời yên biển lặng, bà con đánh bắt được nhiều cá, tôm, cuộc sống xóm làng vui vẻ...", em Ngô Thị Tuyết Ngân, thành viên Đội hát múa sắc bùa Tân Diêm, bộc bạch.
Ông Lê Cơ (bên phải) và ông Nguyễn Hưng Liễm cùng đội hát múa sắc bùa biểu diễn tại Lễ hội ra quân nghề cá vào sáng mùng 3 tết Giáp Thìn 2024. |
Cách điểm tổ chức lễ hơn trăm mét, nhiều tàu cá neo đậu chờ hiệu lệnh trống xuất bến vươn khơi qua cửa biển Sa Huỳnh. Tàu dập dềnh trên sóng nước như chiến mã nhịp chân trước giờ xung trận. Toàn phường Phổ Thạnh có hơn 1.000 tàu cá, với gần 8.000 ngư dân tham gia đánh bắt hải sản trên biển. Trong đó, có khoảng 700 tàu cá dài 15m trở lên khai thác dài ngày trên các vùng biển xa. Sản lượng hải sản khai thác mỗi năm chừng 45 nghìn tấn, dẫn đầu các xã, phường ven biển ở TX.Đức Phổ.
Về bờ sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, ngư dân hào hứng hòa mình vào lễ hội với lời ca sắc bùa giục giã vươn khơi: “Đánh bắt xa bờ - hai, ba, bốn, tháng/ Gặp trời quang đãng - sóng lặng bể yên/ Đánh bắt khắp miền - Kiên Giang, Phú Quốc/ Nơi không làm được - liền đổi ngư trường/ Cá ngừ đại dương - đánh xa tít tắp...”. “Tàu của chúng tôi đánh bắt dài ngày trên biển, mỗi năm chỉ về quê đôi ba lần. Dịp Tết tham gia lễ hội như thế này vui lắm, nghe sắc bùa hát về biển khiến tinh thần phấn chấn...", ngư dân Nguyễn Thanh Bình tâm sự.
Sắc bùa... du xuân
"Sắc bùa là loại hình văn hóa đặc sắc, động viên tinh thần mọi người sau những ngày lao động mệt nhọc. Các thành viên trong Đội hát múa sắc bùa Tân Diêm đã gìn giữ làn điệu sắc bùa của cha ông truyền lại. Tinh thần ấy rất đáng quý...". Phó Chủ tịch UBND phường Phổ Thạnh LÊ MINH PHỤNG |
Hơn nửa thế kỷ trước, hai ông Lê Cơ, Nguyễn Hưng Liễm khi mới 13 tuổi đã cùng nhóm bạn theo chân các bậc cao niên trong làng du xuân cùng điệu hát sắc bùa. Ngày ấy, khi chiều nhạt nắng, đoàn sắc bùa đến tận nhà hát múa theo yêu cầu của người dân trong vùng. Đôi tay chai sần của ông Cái hoặc nhạc công sau bao ngày chèo ghe buông lưới, hay nhọc nhằn trên đồng muối vỗ vào mặt trống khá thuần thục; gõ phách gỗ điêu luyện như nghệ sĩ thực thụ. Âm thanh rộn ràng hòa cùng lời ca dân dã nơi làng quê. Đầu tiên là bài mở ngõ rộn ràng: "Mở ngõ, mở ngõ/ Khoen trên còn xỏ/ Chốt dưới còn gài...". Thế rồi gia chủ mở ngõ, nét mặt rạng ngời niềm vui mời đội hát vào nhà. Sau khi hát múa vái lạy tổ tiên và chúc phúc cho gia chủ, đội hát nhận tiền thưởng cùng lời cảm ơn rồi chuyển sang phục vụ nhà bên theo yêu cầu của chủ nhân. "Có chủ nhà đóng cửa rồi đứng bên trong cất giọng hát thử tài. Người trong đội phải ứng khẩu hát đối lại, giải được câu ấy thì gia chủ mới mở cửa. Ban ngày cũng đi nhưng chủ yếu là ban đêm. Vui lắm...", ông Cơ nhớ lại.
Nhiều người nô nức theo xem, chỉ trỏ nói cười. Họ thích thú với lời ca hòa cùng tiếng nhạc, điệu múa uyển chuyển của các em điệu bộ tuổi thiếu niên. Có người mải mê theo xem, rồi mời đoàn sắc bùa về nhà mình biểu diễn... Xóm làng rộn ràng với hát múa sắc bùa đến hết tháng Giêng. "Nhiều người ưa thích sắc bùa mời đến nhà múa hát cầu chúc gặp nhiều may mắn. Tiền công chẳng đáng là bao nhưng được phục vụ cho bà con là vui lắm rồi", ông Liễm tâm sự.
Lưu truyền cho đời sau
Hơn 10 năm trước, ông Liễm và ông Cơ nhận phụ trách đội sắc bùa thay cho những bậc cao niên sau bao năm gìn giữ loại hình văn hóa truyền thống của cha ông. Hai ông lo ngại sắc bùa bị mai một trước thời đại công nghệ thông tin bùng nổ cùng nhiều phương thức nghe nhìn hiện nay. Thế là hai ông tìm cách "giữ lửa" trong lòng những thiếu niên trong đội, tạo điều kiện cho các em được hát múa sắc bùa mỗi khi có dịp.
Sáng mùng Một Tết, các thành viên trong đội tụ họp tại sân nhà văn hóa tổ dân phố cùng mọi người chào cờ đầu năm. Sau khi nghe thư của Chủ tịch nước chúc mừng năm mới, đội hát múa sắc bùa biểu diễn với âm điệu rộn rã mừng xuân sang. Ông Liễm cho biết, lúc trước, đội sắc bùa có mười mấy người, điệu bộ có cả nam và nữ, hát hay và múa đẹp lắm. Giờ trong đội chỉ có tôi và anh Cơ cùng 10 em điệu bộ là thiếu nữ...
Nhiều du khách đến Sa Huỳnh thưởng ngoạn khung cảnh hoang sơ và thơ mộng, tìm hiểu Di tích Quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh, trải nghiệm công việc của diêm dân trên đồng muối, rồi xem hát múa sắc bùa. Họ chăm chú lắng nghe những lời ca giới thiệu nghề làm muối: "Nước biển vào đầm - lên xuống xoay vần/ Rủ nhau đắp ngăn - bờ đê cản nước/Tiến hành từng bước - tháo nước thật khô/ Phân thành từng ô - ruộng ăn mương chứa/ Cày bừa trang sửa - để khô vài bữa/ Vãi cát xuống đầm - nền cứng như sân... Trưa nắng liền cho - nước ngoài vào trước/ Nước keo nắng ép - đông lại chồm chồm/ Gặp phải gió nồm - kết thành từng hạt/ Rồi ta mới nhặt - dồn lại gánh về...". "Thù lao biểu diễn chỉ đủ dẫn các cháu trong đội đi ăn ly chè hay tô cháo khuya nhưng vui lắm. Nhờ vậy mà chúng tôi có dịp giới thiệu về đất và người Sa Huỳnh đến với khách phương xa...", ông Cơ góp chuyện.
Nhiều bậc cao niên ở Sa Huỳnh không rõ sắc bùa có từ khi nào. Họ chỉ biết rằng, những "nghệ sĩ chân quê" khi mặc quần áo màu đỏ, xanh hay vàng say sưa hát múa làm mê mẩn người xem...
Bài, ảnh: TRANG THY
TIN, BÀI LIÊN QUAN: