(Báo Quảng Ngãi)- Thuở xưa có những ngôi làng rất lớn và đặc biệt là có chiều sâu văn hóa. Song, do sắp xếp đơn vị hành chính và đặt lại tên nên có nhiều tên làng đi vào quá khứ. Làng Thanh Hiếu ở huyện Đức Phổ (nay là TX.Đức Phổ) là một trong số đó.
Làng Thanh Hiếu xưa nằm ở phía nam cửa biển Mỹ Á, nép mình khỏi gió bấc bởi núi Cửa chạy dài nằm sát bên cửa biển. Trong sách Phủ biên tạp lục (1786) của Lê Quý Đôn có nhắc đến ngôi làng này. Theo các bậc cao niên trong làng, trên cây đòn dông của đình Thanh Hiếu từng có khắc 6 chữ Hán “Vĩnh Tộ biên niên tạo lập”. Về sau đình được trùng tu thời vua Thành Thái cuối thế kỷ XIX, trụ cổng đình có đôi câu đối: “Thanh Hiếu xã thập tam thôn ấp/ Thần đình môn tam bách dư niên”, dịch nghĩa là: “Xã Thanh Hiếu có mười ba thôn ấp/ Cửa đình làng có hơn ba trăm năm”.
Đình làng Thanh Hiếu có từ đầu thế kỷ XVII, nghĩa là người dân đến khai khẩn lập làng một thời gian khá lâu trước đó. Vật đổi sao dời, đến năm 1813 dưới triều vua Gia Long, Thanh Hiếu là xã thuộc tổng Hạ huyện Mộ Hoa, diện tích 204 mẫu, trong đó tư điền gần 150 mẫu, còn lại là đất ở, cát trắng và đất hoang. Đến đời vua Đồng Khánh, xã Thanh Hiếu có các ấp Lộc An, Hải Tân, Quy Thiện, Đông An, Thanh An, Hải Môn, Phước Điền, Vĩnh Bảo, Tân Khánh, Vĩnh Tuy, Trung Lý, Thành Hiệu thuộc tổng Tri Đức, huyện Mộ Đức. Từ năm 1899, Thanh Hiếu thuộc về Đức Phổ khi huyện này tách lập.
Núi Cửa bên cửa biển Mỹ Á (TX.Đức Phổ). |
Địa bàn Thanh Hiếu xưa, ngày nay là địa hạt các xã, phường Phổ Vinh, Phổ Minh, Phổ Quang, Phổ Cường, Phổ Châu, Phổ Khánh (TX.Đức Phổ). Đầu năm 1947, các xã mới được thành lập, trong khi tên các ấp giữ nguyên và đổi thành thôn, tiếc là tên gọi Thanh Hiếu không được lưu lại. Làng Thanh Hiếu xưa nằm sát biển nhưng lại có các đồi núi bao bọc chung quanh như núi Hiển Tây, núi Thạch Lập, núi Đông Ôn, núi Trà Phun, núi Làng, núi Cửa. Tại đình làng Thanh Hiếu xưa có câu đối: "Trà lãnh vân phê thiên dục tú/ Lâm trì nguyệt chiếu địa trung linh", dịch nghĩa là: "Núi Trà Phun mây vẽ lên trời đẹp đẽ/ Đầm Lâm Bình trăng chiếu đất linh thiêng".
Điều rất đặc biệt là làng Thanh Hiếu gắn với những huyền tích về phong trào nông dân Tây Sơn và Anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ. Tương truyền năm 1778, quân Tây Sơn từ An Khê bất ngờ kéo ra, đánh tan quân chúa Nguyễn ở ấp Đông Thuận (Đông An), quân chúa Nguyễn ở núi Làng phải bỏ chạy. Người dân nơi đây với “cơm Đồng Tranh, canh Thanh Hiếu” đã tiếp lương cho quân Tây Sơn. Trước khi vua Quang Trung đi đánh tan quân Thanh ở Thăng Long 1789, còn lưu lại bút tích bài hịch khắc ở đình Thanh Hiếu: “Đánh cho để dài tóc/ Đánh cho để răng đen/ Đánh cho nó chích luân bất phản/ Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn/ Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”.
Bãi biển Thanh Hiếu trắng phau, nước biển trong xanh, nhưng ở đây đất đai bạc màu, khó canh tác, người làm nông rất vất vả. Dân làng phải ra sức đào ao vét giếng, đắp đập lấy nước ngọt, ngăn nước mặn, nhưng gạo không đủ ăn, quanh năm suốt tháng phải dùng khoai củ, hoặc phải mua gạo từ Nam Bộ chở ghe bầu về. Thuyền cá xưa nhỏ và thô sơ, với ghe nan chèo tay, ghe buồm lưới vải, ngư dân cũng không có gì khấm khá. Bên cạnh nghề nông và đánh cá, người xã Thanh Hiếu còn làm nhiều nghề khác để mưu sinh. Ấp Thành Hiệu làm thêm nghề gạch ngói, các loại nồi niêu, trách trả, chum vại, các ấp khác có người làm nghề rèn, kéo sợi dệt vải, đan mây tre, đan lưới. Chợ chiều Thanh Hiếu xưa là nơi tụ hội buôn bán của một vùng rộng lớn ở nam bắc cửa biển Mỹ Á. Đội ghe bầu Thanh Hiếu tụ tập ở cửa Mỹ Á đi buôn đường dài Nam Bắc, bán các sản vật địa phương và mua về các loại hàng hóa ở phương xa. Thanh Hiếu có di sản văn hóa rất quý báu. Thanh Hiếu có miếu ông Ngôn ở thôn Trung Lý ghi nhận công đức của ông quan Nguyễn Trung Ngôn giúp dân ổn định đời sống. Đình Thanh Hiếu rất rộng, bề thế, chứa đựng nhiều di vật văn hóa. Xưa kia ở Thanh Hiếu có hát hố, hội hát bài chòi, hát sắc bùa, có lễ cúng cá Ông ở vạn chài, có đua ghe sôi nổi. Rất tiếc, những di sản này nay không còn!
Bài, ảnh: CAO CHƯ
TIN, BÀI LIÊN QUAN: