Văn hóa phải đi vào đời sống

15:53, 06/08/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những ngày qua, tại TP.Quảng Ngãi, người dân trong và ngoài tỉnh được chứng kiến, được tận hưởng một đại tiệc văn hóa đa sắc màu tại Hội thi Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc năm 2024, do Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL) phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức.

Trong 4 ngày diễn ra hội thi, gần 1.000 nghệ nhân, nghệ sĩ của 24 đoàn đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước đã lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc ở các vùng miền. Họ mang đến hội thi những tiết mục hấp dẫn, đặc sắc nhất về nghi thức, lễ hội truyền thống. Chỉ với những thực phẩm bình thường, nhưng qua những đôi bàn tay khéo léo, họ đã làm nên và giới thiệu bữa tiệc ẩm thực đa dạng. Và với niềm đam mê nghệ thuật truyền thống, họ đã trình diễn các ca khúc, làn điệu dân ca, dân vũ mộc mạc mà sâu lắng...

Tiết mục Hò bá trạo của đoàn Phú Yên là một trong những tiết mục dân ca, dân vũ đoạt Huy chương Vàng tại hội thi. Ảnh: TL
Tiết mục Hò bá trạo của đoàn Phú Yên là một trong những tiết mục dân ca, dân vũ đoạt Huy chương Vàng tại hội thi. Ảnh: TL

Việt Nam đang sở hữu kho tàng văn hóa đa dạng và đầy giá trị. Cả nước hiện có hàng nghìn di sản văn hóa phi vật thể đang được gìn giữ, trong đó nhiều di sản đã được UNESCO ghi danh hoặc được ghi vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là tài sản quý báu của dân tộc ta.

Thế nên, việc tổ chức hội thi như thế này sẽ tạo điều kiện cho các nghệ nhân, nghệ sĩ giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và sáng tạo nghệ thuật. Và qua những gì thể hiện tại hội thi lần này cho thấy, sức sống của văn hóa truyền thống, niềm đam mê sáng tạo nghệ thuật, tình yêu di sản văn hóa dân tộc vẫn cháy bỏng đối với rất nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ.

Tuy nhiên, để xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự là "nền tảng tinh thần", "động lực phát triển" và "văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi" như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, thì không chỉ ngành văn hóa mà các cấp, ngành, địa phương cần nỗ lực nhiều hơn.

Trong giai đoạn đất nước phát triển và hội nhập sâu rộng, bên cạnh tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại là cần thiết, việc gìn giữ, phát huy và làm giàu giá trị văn hóa truyền thống phải luôn được xem trọng. Nhưng văn hóa và các giá trị văn hóa của các dân tộc không chỉ nằm ở các hội thi, hội diễn, mà văn hóa phải thật sự đi vào đời sống của nhân dân.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa vào tháng 11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi ấy đã có bài phát biểu quan trọng, sâu sắc, đánh giá toàn diện về vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa. Trong đó, nhấn mạnh việc phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hóa là nhân dân; tôn trọng và bảo vệ sự biểu đạt đa dạng của văn hóa, của người dân, các dân tộc, các vùng, miền. Đồng thời, phát triển các phong trào văn hóa sâu rộng, thực chất; cải thiện điều kiện, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

Có thể nói, chỉ khi văn hóa thật sự đi vào đời sống của nhân dân, nhân dân là chủ thể tham gia tích cực vào hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, thì văn hóa của mỗi dân tộc mới được gìn giữ đúng bản sắc và nét đặc sắc riêng. Văn hóa ở trong nhân dân thì giá trị và sự lan tỏa mới lâu bền.

LINH GIANG

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

  

Xuất bản lúc: 15:53, 06/08/2024

Ý kiến bạn đọc


.