(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều địa điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đã đạt các tiêu chí để được công nhận là khu, điểm du lịch cấp tỉnh. Đây là tiền đề giúp các địa phương triển khai nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng.
Vừa qua, điểm du lịch rừng dừa nước Tịnh Khê, ở xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi), đã được UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh hiện có 2 khu du lịch (KDL) và 4 điểm du lịch đã được công nhận là khu, điểm du lịch cấp tỉnh. Hai KDL được công nhận cấp tỉnh là huyện Lý Sơn và bãi biển Mỹ Khê, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi). Các điểm du lịch cấp tỉnh gồm: Thác Trắng (Minh Long); bãi biển Minh Tân, xã Đức Minh (Mộ Đức); Trung tâm Phát huy giá trị di sản văn hóa đa năng Quảng Ngãi và rừng dừa nước Tịnh Khê.
Du khách tham quan rừng dừa nước Tịnh Khê, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi). |
Nằm gần bãi biển Mỹ Khê và Khu văn hóa tâm linh Thiên Mã, nên rừng dừa nước Tịnh Khê có nhiều cơ hội để kết nối với các khu, điểm du lịch trong tỉnh. Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng Mỹ Khê Nguyễn Văn Dũng cho biết, sau khi được công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh, rừng dừa nước Tịnh Khê sẽ tập trung phát triển du lịch sinh thái. Hiện tại, người dân nơi đây phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản, triển khai mô hình du lịch cộng đồng, lưu trú... Hợp tác xã đã và đang tập trung mở rộng quy mô hoạt động, phát triển điểm du lịch thành làng du lịch, tăng cường các dịch vụ đạt chất lượng để phục vụ du khách tham quan.
Những năm gần đây, đảo Lý Sơn dần định vị thương hiệu trên bản đồ du lịch của cả nước và trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế. Chị Nguyễn Mai Phương, du khách đến từ TP.Hà Nội chia sẻ, Lý Sơn là một trong những đảo du lịch đẹp nhất Việt Nam mà tôi đã từng đến. Ở đây có nhiều địa điểm tham quan đẹp như đỉnh núi Thới Lới, hang Câu, cổng Tò Vò... Đặc biệt, tôi rất thích trải nghiệm vui chơi, tắm biển tại đảo Bé, với cảnh đẹp nên thơ, hoang sơ, yên bình.
Du khách bơi lặn giữa làn nước biển trong xanh ở Đảo Bé (Lý Sơn). |
Được công nhận KDL cấp tỉnh vào năm 2018, Lý Sơn đang được đầu tư với mục tiêu đến năm 2030 được công nhận là KDL quốc gia. Thời gian qua, huyện Lý Sơn tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao gắn với những sản phẩm du lịch đặc trưng nhằm thu hút du khách. Năm 2023, huyện đón khoảng 170 nghìn lượt khách, trong đó có trên 1.950 lượt khách quốc tế, tăng 126% so cùng kỳ năm trước.
Quảng Ngãi hiện đang ưu tiên phát triển các dòng sản phẩm du lịch chủ đạo. Trong đó, xác định Lý Sơn làm hạt nhân trong tứ giác phát triển Lý Sơn - Bình Sơn - Mỹ Khê - Sa Huỳnh, để tập trung khai thác có hiệu quả tài nguyên du lịch biển, đảo. Hình thành các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp, tổ hợp giải trí có quy mô lớn. Huyện Lý Sơn được định hướng phát triển thành trung tâm du lịch biển, đảo quốc gia.
Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Tiến Dũng cho biết, theo Luật Du lịch, để được công nhận là “khu du lịch” và “điểm du lịch”, các điểm đến phải đáp ứng các điều kiện cơ bản như: Có tài nguyên du lịch với ưu thế về cảnh quan thiên nhiên hoặc giá trị văn hóa và có ranh giới xác định; phải có kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đáp ứng nhu cầu lưu trú, ăn uống và các nhu cầu khác của khách du lịch. Đồng thời, phải có sự kết nối với hệ thống hạ tầng giao thông, viễn thông quốc gia, cũng như đáp ứng điều kiện về an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật...
"Việc được công nhận là các “khu du lịch”, “điểm du lịch” sẽ tạo điều kiện để khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch, thông qua việc thu hút các nguồn lực đầu tư. Qua đó, hoàn thiện hạ tầng và cơ sở vật chất du lịch; từng bước nâng cao chất lượng quản lý, khai thác và đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giới thiệu điểm đến du lịch này một cách rộng rãi, bài bản, hiệu quả hơn", ông Dũng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, việc quản lý và khai thác tài nguyên du lịch nói chung, vận hành các khu, điểm du lịch nói riêng vẫn còn những hạn chế nhất định. Nguồn lực đầu tư vào hoạt động du lịch vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Trong khi sản phẩm du lịch biển, đảo chịu ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết, mùa vụ nên việc thu hút, kêu gọi các dự án đầu tư quy mô lớn, chất lượng cao còn hạn chế... Quá trình vận hành, khai thác các khu, điểm du lịch ở tỉnh còn hạn chế như hạ tầng chưa đồng bộ, hiện đại; thiếu các sản phẩm du lịch mang đặc trưng riêng, chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh. Có đến 25 khu, điểm du lịch đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, nhưng số lượng khu, điểm được cơ quan chức năng công nhận là “khu du lịch” và “điểm du lịch” cấp tỉnh còn ít.
Bài, ảnh: KIM NGÂN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: