(Báo Quảng Ngãi)- Thu Xà là phố cổ nổi tiếng nhất ở Quảng Ngãi khi xưa. Qua nghiên cứu các tư liệu, có thể phần nào phác thảo diện mạo phố cổ năm xưa.
Thu Xà là nơi có Cựu Minh Hương xã và Tân Thuộc Minh Hương xã, là hai bang hội của người Minh Hương cùng với tứ bang của người Hoa trên đất Quảng Ngãi. Vì là bang hội nên không có địa giới hành chính. Tuy vậy, ở Việt Nam vẫn có một số ít bang Minh Hương xã có địa giới hành chính cụ thể như Minh Hương xã tại Quảng Nam, hay Minh Hương xã (phố Thanh Hà) ở Thừa Thiên - Huế. Gọi Cựu Minh Hương xã có nghĩa là bang của người Minh Hương cựu; Tân Thuộc Minh Hương xã có nghĩa là bang của người Minh Hương mới nhập cư. Ở Thu Xà còn có tứ bang Hoa kiều là Triều Châu, Quảng Đông, Hải Nam và Phước Kiến được phép hoạt động. Đây là 4 bang hội Hoa kiều được chính quyền Trung Kỳ cho phép hoạt động tại Quảng Ngãi cũng như Trung Kỳ. Ở Trung Kỳ chỉ có tứ bang hoạt động, khác với Nam Kỳ có ngũ bang là Triều Châu, Quảng Đông, Hải Nam, Phước Kiến và Khách Gia.
Vua Bảo Đại thăm Hội quán Hải Nam năm 1933 tại Thu Xà. (Nguồn: L’Association des Amis du Vieux Hue) |
Phố Thu Xà được lập trên phần đất xã Thu Sà và thôn Hà Khê, tổng Nghĩa Hà, huyện Chương Nghĩa, phủ Tư Nghĩa. Rất có thể xã Thu Sà được đổi tên từ xã Tăng Sai (1813) của Hà Bạc thuộc, huyện Chương Nghĩa, phủ Tư Nghĩa, thời gian đổi từ năm 1813 - 1875; thôn Hà Khê được đổi từ thôn Ngòi Tôm (1813), tổng Hạ, huyện Chương Nghĩa, phủ Tư Nghĩa, thời gian đổi vào năm 1824, trong tài liệu "Minh Mạng tấu nghị". Phố cổ Thu Xà là tên gọi của người Việt để chỉ các dãy phố cổ nằm trên địa giới Thu Sà và Hà Khê, về sau người Pháp khi thành lập đô thị vào năm 1932 cũng gọi là Thu-xa, tuy nhiên với người Hoa thì lại gọi là phố Tân An. Theo mô tả năm 1887 của Công sứ Bình Định là Charles Lemire khi ông ta đi ngang qua phố Thu Xà: “Thành phố Tân An của Hoa kiều: Sông Cổ Lũy mà sau đó sớm đổi tên thành Vệ Giang, dẫn đến thành phố Tân An của Hoa kiều trong một giờ. Một con đường chạy dọc theo tả ngạn nối với trục đường quan tiếp tục đi và dẫn đến tòa thành trong hai giờ rưỡi. Thị trấn này được tạo thành từ hai con phố dài vuông góc với các cửa hàng xây bằng gạch ngói, một số trong số đó có lầu. Một số lượng lớn thuyền mành được thả neo trước khu phố Tàu, nơi có 200 chủ đến từ tứ bang”. Mô tả của C.Lemire cho thấy phố Thu Xà có tên là Tân An, được cấu thành từ hai tuyến đường vuông góc nhau, nhà cửa được xây bằng gạch ngói và một số có lầu. Dọc theo khu phố Tàu có một lượng lớn thuyền mành neo đậu và dân số khoảng 200 người đến từ bốn bang là Triều Châu, Quảng Đông, Phước Kiến và Hải Nam. Trong mô tả tiếp theo ông ta còn cho biết Thu Xà có quan hệ giao thương với Singapore, Hải Nam và Hồng Kông. Các kho hàng chứa đường, xăng dầu, bông, chàm, dầu dừa... những mặt hàng chủ lực ở Quảng Ngãi thời điểm đó. Ngoài ra, ông ta còn cho biết thành phố có khoảng 5.000 dân là rất đông đúc thời đó. Bên cạnh đó, ông ta còn mô tả ngôi nhà của Tiểu phủ sứ Nguyễn Thân, người đang nắm quyền chỉ huy lực lượng Nghĩa Định sơn phòng (cai quản Trường Lũy): “Đại quan Thân có một ngôi nhà hai tầng bề thế được xây dựng ở giữa thành phố và làm bằng gỗ chạm khắc tinh xảo. Các binh lính được đồn trú trong các chùa, được trang bị súng trường piston và súng carbine, họ khỏe mạnh và được trang bị tốt”.
Trước đó, vào năm 1886, Camile Paris là viên sĩ quan điện báo Pháp đã có dịp đến và mô tả sơ bộ về phố Thu Xà: “Tôi trở lại thành qua ngả Tân An, một thành phố mà phần lớn thuộc về người Hoa, là kho hàng hóa của tỉnh. Thành phố này cũng tựa như Phổ Yên. Năm 1886, người An Nam mà tôi hỏi thăm tên vùng đã nói đó là Thu Xà, người thứ hai và người thứ ba cũng khẳng định tên này. Nhưng thành phố được gọi là Tân An lại bao gồm trong khu vực của nó nhiều ngôi làng còn giữ những cái tên xa xưa. Và khi hỏi thăm dân bản địa thì tôi đang ở một trong những làng đó. Như vậy phải gọi là Tân An chứ không phải Thu Xà. Sản vật địa phương được các nhà buôn Trung Hoa mang về thành phố này buôn bán hoặc cho vay thế chấp thu hoạch, điều tôi đã nói về Tân Quan ở phía bắc Bình Định cũng có thể áp dụng cho Tân An vậy. Thành phố này mang lại một nguồn thu thuế đáng kể”. Ông ta vẫn xác nhận Thu Xà phải gọi chính thức là thành phố Tân An, dù tất cả người An Nam bản địa gọi là Thu Xà.
Đến năm 1932, Khâm sứ Trung Kỳ ban hành nghị định ngày 16/1/1932 về việc thành lập đô thị Thu Xà trên địa giới của Thu Xà và Hà Khê, nghị định này nhận được phê chuẩn của Toàn quyền Đông Dương theo nghị định ngày 13/2/1932. Lúc này chính thức phố cổ Thu Xà được gọi là đô thị và được quản lý là một đô thị ở Quảng Ngãi. Đến ngày 19/9/1932, Công sứ Quảng Ngãi ban hành quyết định về quy chế quản lý đô thị Thu Xà, chủ yếu tập trung về các quy định quản lý trật tự đô thị. Vào năm 1933, tuần phủ Quảng Ngãi là Nguyễn Bá Trác đã mô tả phố Thu Xà vẫn là một trung tâm buôn bán của Hoa kiều, chủ yếu là buôn đường như sau: “Xưa nay sự buôn bán rất thịnh lợi là thành phố Thu Xà vì món đại tôn xuất cảng ở Quảng Ngãi là đường, bạn hàng buôn đường là bọn khách trú, lại ở tại Thu Xà phần nhiều nhà buôn là khách trú cả. Thu Xà đã tiện lợi về đường sông, những “đường” duyên ngạn của sông Trà Khúc và sông Vệ đều có thể vận tải về Thu Xà được, mà muốn chở đường xuất cảng thì cũng phải do đàng Thu Xà chở ra cửa Cổ Lũy. Thành phố Thu Xà đóng cách tỉnh thành 9 cây số, số dân cư khách trú có hơn 500 chủ”. Lúc này người Hoa kiều đã lên số lượng 500 chủ hàng, tạm tính một gia đình là 6 người thì dân số thành phố Thu Xà có khoảng 3.000 người Hoa kiều, phần còn lại là người Việt. Qua những thông tin trên cho chúng ta thấy một phần phố cổ Thu Xà, một đô thị ở buổi đầu phát triển tại Quảng Ngãi, là một trong những trung tâm buôn bán lớn của miền Trung và cả ở Việt Nam trong giai đoạn Nhà Nguyễn và Pháp thuộc.
VÕ NGUYÊN PHONG
TIN, BÀI LIÊN QUAN: