(Báo Quảng Ngãi)- Chiếc khố là một trong những trang phục truyền thống của nam giới các dân tộc vùng Trường Sơn - Tây Nguyên nói chung và nam giới người Hrê nói riêng. Chiếc khố không chỉ là một sản phẩm thông thường, mà còn là sản phẩm tinh thần để người thợ dệt gửi gắm tài năng, khiếu thẩm mỹ, sự thông minh, sáng tạo, tinh thần lao động của mình.
Gắn liền với thiên nhiên
Khố là một tấm vải dài, dùng để che chắn, bao bọc bộ phận bên dưới của người đàn ông, quấn quanh thắt lưng, thả hai mành buông dài trước sau. Ngày xưa, người Hrê đã biết dùng vỏ cây làm trang phục để che thân, giữ ấm cơ thể. Vỏ cây được bóc thành từng tấm, rồi dùng bàn đập bằng gỗ, đập dập đem ngâm nước cho rã hết phần lõi, còn lại xơ đem phơi khô, tước thành từng sợ rồi mới dệt. Khố làm từ vỏ cây khá thô ráp, các đường viền 2 bên trang trí màu đỏ, 2 đầu khố để thừa các sợi thành các tua. Sau này, người Hrê dùng bông để dệt vải, rồi chiếc khố mới được trau chuốt, có thêm màu sắc, họa tiết hoa văn để chiếc khố đẹp, thẩm mỹ hơn.
Chiếc khố được đan thủ công bằng nguyên liệu chính là bông (pai). Tông màu chủ đạo của chiếc khố có màu đen (nhuộm bằng cây ghinggu giã nát nấu sôi với bột gạo), màu đỏ (nhuộm bằng vỏ cây păhdếh được đun sôi thành màu đỏ, bỏ vào thêm ít bột vôi) và màu trắng thực thể của bông.
Trang phục truyền thống của đồng bào Hrê huyện Ba Tơ. Ảnh: YHOA |
Theo quan niệm vạn vật hữu linh của người Hrê, hoa văn trên chiếc khố phải được bố trí đối xứng, cân phân, biểu tượng hoa văn gắn liền với thiên nhiên núi rừng, nhân sinh, vũ trụ, gắn với lịch sử, văn hóa tộc người làm chủ đạo, từ những dải băng màu song song, đến hoa văn hình học cách điệu hình tam giác cân, các hình vuông xếp cạnh nhau. Người Hrê cho rằng 2 màu đen, trắng sẽ đại diện cho đất và nước, màu đỏ đại diện cho thần linh, cả ba màu ấy hòa quyện, bổ trợ nhau trên từng chi tiết sẽ giúp cho chiếc khố thêm rực rỡ và người đàn ông khi mặc vào sẽ trở nên mạnh mẽ hơn.
Chiếc khố của đồng bào Hrê. |
Thông thường hoa văn trên chiếc khố của người đàn ông Hrê có các băng hoa văn được trang trí, gồm: Mô tuýp hoa văn Troang kếh (họa tiết đặt trong các ô vuông). Mô tuýp Kơléh có nghĩa là móc câu. Mô tuýp Riăngkol là tên một loài cây thân mộc có hoa nở vào mùa xuân, hoa có màu trắng. Mô tuýp Riăng có nghĩa là bông hoa, được cách điệu bằng các ô vuông sắp xếp đều nhau. Mô tuýp K’rái có nghĩa là răng lược được thể hiện bằng các vạch đứng, màu đen ngắn chạy song song cách đều tạo thành hình răng lược. Mô tuýp Loang k’lăh được cách điệu bằng các hình tam giác và hình vuông nửa đen nửa trắng như tạo hình hoa lá và thân cây. Mô tuýp Zềnh cọ có nghĩa là vết chân con chó. Mô tuýp Kế r’vênh có nghĩa là dòng nước xoáy, có đến hai ba đường dích dắc biểu đạt hình sóng nước. Mô tuýp Tanh có nghĩa là đan lát, đều là những họa tiết hoa văn trong cuộc sống đời thường của người Hrê, họ đã quen thuộc những hoa văn đó từ lúc còn ngồi bên khung cửi để xem các bà, các mẹ dệt.
Tài hoa của phụ nữ Hrê
Một tấm thổ cẩm đẹp phải có nhiều mô tuýp hoa văn kết hợp với màu sắc cân đối, đường nét nhẹ nhàng, cân phân và không bị lỗi. Chính nhờ đôi bàn tay khéo léo, uyển chuyển của người phụ nữ Hrê, những họa tiết đều mang tính cách điệu thể hiện bằng các hoa văn khá đặc trưng với nhiều màu sắc để tạo ra những chiếc khố bền, đẹp hơn và có màu sắc rõ nét hơn.
Chiếc khố (kpen/hpen) có 2 loại, gồm: Khố loại nhỏ gọi là “Hpen dham” dành cho những người trung niên, thanh niên. Chiều rộng của khố khoảng 18cm, chiều dài khoảng 4,5m - 5m, họa tiết hoa văn đơn giản, nhẹ nhàng. Thân khố màu đen, có 3 đường sọc màu trắng chính giữa, 2 đường sọc màu đỏ ngày đường viền, 2 đầu chiếc khố có năm đường hoa văn, nhưng không rõ nét như hoa văn của áo, có tua khoảng 15cm. Khố loại lớn gọi là “Hpen vroang” dành cho người già, những người khá giả về kinh tế. Chiều rộng của khố khoảng 20cm, chiều dài khoảng 5m - 5,5m. Thân khố màu đen có 3 đường sọc màu trắng chính giữa, 2 đường sọc màu đỏ hai viền như hpen dham nhưng lớn hơn, hai đầu chiếc khố có 7 đường hoa văn sặc sỡ, có tua dài khoảng 20cm.
Đồng bào Hrê ở huyện Ba Tơ biểu diễn đánh chiêng. Ảnh: ĐỨC PHONG |
Ngày nay, người Hrê tuy không bắt buộc mọi người phải mặc đồ thổ cẩm khi tham gia lễ hội, kể cả thầy cúng, đàn ông, đàn bà và cả những thanh thiếu niên nhưng tâm lý của nhiều người thì vẫn thích mặc đồ thổ cẩm hơn, vì mặc đồ thổ cẩm tham gia lễ hội sẽ tạo cho họ đến gần với thiên nhiên, với vạn vật trong vũ trụ và gần với thần linh hơn. Cho nên, chiếc khố trong trang phục truyền thống của người đàn ông để họ quấn vào đi dự lễ hội làng (plây), cũng có khi để họ biểu diễn cồng chiêng sẽ đẹp hơn, được mọi người kính trọng hơn và vợ con của họ cũng được hãnh diện. Nếu chiếc khố mà do chính bàn tay người vợ dệt thì trong làng ai cũng sẽ khen vợ nhà biết dệt, biết thêu, khéo tay, đảm đang, người vợ cũng được tôn trọng hơn.
Bao đời nay, phụ nữ Hrê chịu nhiều vất vả, họ không chỉ có trách nhiệm chăm sóc gia đình, mà còn phải nhọc nhằn trên nương rẫy để có cái ăn trong cuộc sống. Dù tất bật lo toan, những lúc nhàn rỗi họ vẫn phải tranh thủ đưa khung cửi ra dệt. Người thợ dệt có kinh nghiệm sẽ dạy cho con cái, người thân, hàng xóm láng giềng, vì xem đó là một vinh dự của người phụ nữ. Người nào dệt giỏi, làm ra nhiều sản phẩm thì được gia đình yêu thương hơn, cả khi đã lấy chồng cũng được nhà chồng tôn trọng, yêu quý.
VÕ MINH TUẤN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: