(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi quê tôi, đi đâu cũng bắt gặp những làng quê yên bình, xanh mát, hiền hòa. Có những nơi đất và người có sức hút đến kỳ lạ, luôn níu chân khách. Địa danh Thu Xà thuộc xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) là một trong những miền quê như thế.
Hoài niệm phố xưa
Thu Xà với tôi không xa lạ nhưng đầy ám ảnh trong những câu thơ của nhà thơ tài hoa bạc mệnh Bích Khê viết về quê mình: “Nơi đây làng cũ buồn thu quạnh/ Anh có khi nào trở lại chưa?/ Ngày đi chậm lắm. Dòng sông biếc/ Hừng sáng trong trời sợi sợi mưa”. Âm điệu thơ buồn buồn gợi nhớ cảnh phố Thu Xà đìu hiu vào những năm 40 của thế kỷ trước. Thế nhưng, trước đó hàng mấy thế kỷ, Thu Xà đã là nơi phố xá hưng thịnh với bến sông Vực Hồng, là điểm giao thương lớn nhất của Quảng Ngãi thời các chúa Nguyễn và vua Nguyễn.
Toàn cảnh xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) nhìn từ trên cao. ẢNH: MINH THU |
Sách cũ ghi lại: Sau cuộc chiến thời Minh - Thanh (Trung Quốc) năm 1644, phái thân nhà Minh, chủ yếu là người ở các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến, Hải Nam đã vượt biển sang Việt Nam. Một số người chọn Hội An (Quảng Nam), số khác vào cửa biển Sa Kỳ và Cổ Lũy đến vạn Thu Xà sinh sống. Thời ấy, Thu Xà là vùng đầm bãi hoang vắng. Người Minh Hương có nghề làm kẹo gương, hốt thuốc bắc, làm nhang, dệt chiếu và giỏi buôn bán đã lập nên phố và thương cảng Thu Xà. Hạ lưu sông Vệ là sông Vực Hồng cùng với sông Phú Thọ đổ ra biển qua cửa Đại Cổ Lũy và cửa Lở, trở thành hệ thống giao thông đường thủy thuận tiện, góp phần tạo nên thương cảng Thu Xà. Từ đây, đường, quế, hàng thủ công, lâm đặc sản quý của Quảng Ngãi được xuất đi và nhập về hàng hóa tiêu dùng, nhu yếu phẩm. Buôn bán nhộn nhịp, phồn thịnh, người Hoa ở Thu Xà xây nhà san sát, lập hội quán, chùa chiền, theo thời gian các dãy phố mở mang ngày càng rộng. Thời các chúa Nguyễn, nơi đây có tên là Tân An phố, thời Pháp thuộc đổi tên là Thu Xà phố. Theo các cụ cao niên, cái tên Thu Xà xuất phát từ địa cảnh quan của vùng đất này, Thu có nghĩa là lau lách, Xà có nghĩa là gò đất nổi cao giữa vùng sông nước.
Phố cổ Thu Xà đã có thời vang bóng, chỉ kém phố Hội An ở Đàng Trong. Trong suốt hai thế kỷ XVIII, XIX và gần nửa đầu thế kỷ XX, Thu Xà là trung tâm kinh tế, văn hóa lớn của Quảng Ngãi. Theo sổ đinh Đại Minh Khánh năm Gia Long thứ 2 (1803) còn lưu giữ ở chùa Ông, người Hoa có đến 18 họ, 432 người. Công trình mang dấu ấn của Hoa kiều ở đây là chùa Ông, chùa Bà, các hội quán của tứ ban (Triều Châu, Quảng Châu, Hải Nam, Phúc Kiến). Các công trình này đến nay gần như không còn dấu vết, chỉ còn chùa Ông xây dựng vào năm 1821 là tương đối nguyên vẹn.
Suốt một thời gian dài, thương cảng và phố Thu Xà trở thành động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế, văn hóa của Quảng Ngãi. Theo Nguyễn Bá Trác trong “Quảng Ngãi tỉnh chí” công bố trên Nam Phong tạp chí vào năm 1933, ông gọi Thu Xà là thành phố với số dân khoảng 2.000 người. Tiếc rằng chỉ vài năm sau đó, khi người Pháp xây dựng, đưa vào vận hành tuyến đường sắt Bắc - Nam, thương cảng Thu Xà mất dần vị thế và lui vào dĩ vãng. Cửa biển, cửa sông cũng dần bị vùi lấp. Đến năm 1972, phố cổ Thu Xà gần như bị san phẳng bởi chiến tranh, chỉ còn lại trong hoài niệm, tiếc nhớ của người dân ở vùng đất này...
Dệt bao ước vọng
Trong câu chuyện cuối năm, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hòa Trương Trung Dũng bảo rằng, xã Nghĩa Hòa có ưu thế về phát triển ngành nghề. Nhờ ngành nghề đa dạng và sự linh hoạt trong làm ăn nên tỷ lệ hộ nghèo của xã rất thấp, chỉ còn 1,35%. Dạo một vòng quanh xã Nghĩa Hòa sẽ thấy rõ điều này. Nơi đây vẫn còn duy trì một vài ngành nghề của người Hoa thuở trước như làm nhang, vàng mã, bánh kẹo và nghề dệt chiếu lâu đời của người dân bản địa. Dệt chiếu, làm bánh kẹo, nhang từ thủ công đã chuyển sang làm máy, giải quyết việc làm cho nhiều lao động...
Du khách đi ghe tham quan vùng quê sông nước ở xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa). ẢNH: MINH THU |
Nghĩa Hòa được bao bọc bởi hai nhánh sông Phước Giang - Vực Hồng và Hòa Võ, một nhánh của sông Phú Thọ. Tận dụng đầm bãi, đất ngập nước, người dân đưa vào nuôi trồng thủy sản với hơn 120ha. Bước đầu chuyển hướng từ nuôi tôm sang nuôi cá đối nước lợ, cá mú, cá diêu hồng có hiệu quả, địa phương khuyến khích người dân nuôi cua xen tôm, cá để có thu nhập cao hơn. Ở cận sông gần biển, vùng đất Nghĩa Hòa mát mẻ quanh năm là ưu thế để phát triển nghề trồng cây kiểng, đặc biệt là các giống mai quý có nguồn gốc từ đây như mai tình, mai nghĩa. Nghề bon-sai, cây kiểng đem lại giá trị kinh tế cao, giúp hơn 20 gia đình khấm khá và tạo thêm vẻ đẹp, điểm nhấn cho làng quê.
Nghĩa Hòa còn là vùng đất của thơ ca và nhiều tiềm năng du lịch. Nhà thơ Bích Khê sinh ra ở Thu Xà, sau những năm bôn ba đây đó, ông về sống ở quê nhà và làm thơ, mạnh dạn dứt bỏ dòng thơ lãng mạn cổ điển để theo đuổi nghệ thuật tượng trưng và siêu thực. Ngôi nhà xưa của ông ở Thu Xà giờ thành khu lưu niệm với mộ và vườn thơ do dòng tộc Lê xây dựng. Đây là điểm đến để nhiều người viếng thăm, tưởng nhớ về Bích Khê, một nhà thơ mà Hàn Mặc Tử khi đọc tập tác phẩm “Tinh Huyết” của ông đã không ngần ngại gọi là “Thi sĩ Thần linh”.
Du khách tham quan làng nghề làm nhang quế truyền thống ở xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa). ẢNH: MINH THU |
Mảnh đất Nghĩa Hòa có sức hấp dẫn ở vẻ đẹp nên thơ, êm đềm của sông nước, của làng nghề, dấu ấn vang vọng từ quá khứ. Nơi đây có địa hình, giao thông thuận lợi, cách trung tâm TP.Quảng Ngãi chưa đầy 7km. Tuyến đường Dung Quất - Sa Huỳnh đi qua xã sẽ nối kết Nghĩa Hòa với nhiều vùng quê khác. Giữa nơi đất trời thoáng đãng này đã có Khu du lịch sinh thái Cocoland rợp mát bóng dừa. Cuối tháng 12/2023, UBND tỉnh cũng đã trao quyết định chấp thuận đầu tư dự án Khu đô thị sinh thái và du lịch Coastal Quảng Ngãi, ở xã Nghĩa Hòa cho nhà đầu tư, với tổng vốn đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng. Vậy nên, địa danh Thu Xà, xã Nghĩa Hòa sẽ là điểm đến hấp dẫn trong tương lai.
THANH TÁNH
TIN, BÀI LIÊN QUAN: