(Báo Quảng Ngãi)- Bây giờ, có lẽ nhiều người không biết về cái rương xe, vì nay rất ít người dùng vật dụng này. Vì thế, khi thấy rương xe trong một ngôi nhà lá mái trên đảo Lý Sơn, tôi lại hoài niệm về cuộc sống thuở còn gian khó.
Trong dân gian hay gọi ngôi nhà lá mái là nhà rường cổ, nhà đắp, nhà thờ tộc họ. đây là một kiểu nhà được cư dân Lý Sơn xây dựng cách đây hàng trăm năm. Ngôi nhà do ông trưởng tộc cai quản, sinh sống, cũng là tài sản chung của tộc họ. Ngôi nhà lá mái có 3 gian 2 chái được xây dựng bằng gỗ và có hai lớp mái để giữ nhiệt độ cho ngôi nhà được điều hòa, ấm vào mùa đông, mát mẻ vào mùa hè.
Rương xe ngày xưa. |
Việc bố trí các gian thờ, đồ khí tự bên trong ngôi nhà bắt buộc phải cân đối, hài hòa với tổng thể, đặc biệt là nơi đặt cái giường dành cho trưởng tộc rất quan trọng. Giường được thiết kế riêng theo mô phỏng từ cái rương đựng đồ đạc ngày xưa. Rương gỗ thường đặt phía trước bàn thờ chính giữa ngôi nhà để làm nơi nghỉ ngơi của trưởng tộc, cũng như việc họp bàn công việc chung của tộc họ.
Rương gỗ có loại chân quỳ và loại chân có bánh xe để di chuyển, nên gọi là chiếc rương xe. Kích thước rương xe khác nhau, phụ thuộc vào diện tích không gian thờ tự bên trong ngôi nhà. Bề mặt rương xe chiều dài khoảng 2m, chiều rộng 1,4m, chiều cao 1,2m; có loại nhỏ hơn, chiều dài 1,2m, chiều rộng 80cm, chiều cao 60cm. Hầu hết mặt rương bào nhẵn, không có hoa văn, nhưng cũng có loại chạm trỗ hoa văn tinh xảo theo hình tượng tứ linh “long, lân, quy, phụng” cách điệu, hoặc mai, lan, cúc, trúc thể hiện cho bốn mùa “xuân, hạ, thu, đông”. Rương xe có nhiều hoa văn chạm khắc tinh xảo cũng là để thể hiện vai trò quan trọng của ông trưởng tộc trong ngôi nhà thờ.
Ngày nay, nhiều người đến tham quan những ngôi nhà lá mái trên đảo, thoạt đầu khi nhìn thấy cái rương đặt phía trước không gian thờ tự cứ nghĩ đó là nơi dùng để đặt phẩm vật trong những ngày họ tộc có việc cúng tế. Nhưng thật ra rương xe là chỗ nghỉ ngơi của trưởng tộc, là nơi ngồi uống nước trà hoặc để tiếp khách khi đến thăm chơi.
Rương gỗ được làm theo kiểu hình bình hành, mặt trên có thể đóng, mở. Bên trong rương rỗng, thường có 3 ngăn, ngăn dùng cất tài sản, đồ vật có giá trị như vàng bạc; ngăn cất giữ trang phục tế lễ; ngăn để sách vở, tài liệu ghi chép việc của họ tộc. Hai bên góc rương gỗ có gắn khuy khóa và chiếc chìa khóa của rương gỗ do trưởng tộc cất giữ. Việc trưởng tộc nằm nghỉ trên rương xe cũng là để gìn giữ, bảo vệ tài sản của gia tộc không bị mất trộm. Đối với những cái rương có kích thước nhỏ hơn thì đặt sát với bàn thờ chính giữa, kế đến là bộ bàn ghế. Rương xe của trưởng tộc sẽ đặt ở bên trái gian thờ chính trong ngôi nhà.
Vai trò của trưởng tộc rất quan trọng trong nhà thờ tộc họ cũng như việc tế lễ, xây dựng phát triển tộc họ. Vì vậy, rương xe dành cho trưởng tộc được thiết kế khác hơn so với giường ngủ thông thường. Ngoài ra, trưởng tộc còn gánh vác trách nhiệm đối với làng xã, nhất là vào các dịp lễ, Tết, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa... dù ông có sinh sống ở nơi đâu cũng phải có trách nhiệm về tế lễ thần trong đình làng.
Hơn nữa, việc chọn người làm chức Cả làng phải là người trong tộc họ tiền hiền mới được đề cử, nên trưởng tộc sẽ là người đại diện cho tộc họ. Đối với các họ tộc trên đảo Lý Sơn, vai trò của trưởng tộc rất được coi trọng, nên hình ảnh rương xe còn phản chiếu về vai trò của vị trưởng tộc.
Ngày nay, rương xe không còn phù hợp với thời đại, tài sản của tộc họ đã có nơi cất giữ an toàn. Ngôi nhà lá mái khi tu sửa cũng không còn dành chỗ đế bố trí rương xe nữa, mà thay vào đó là bộ bàn ghế dùng làm nơi tiếp khách của gia tộc. Dẫu vậy, một số gia đình, dòng tộc vẫn còn gìn giữ rương xe như để lưu giữ kỷ niệm về cuộc sống thuở xưa.
Bài, ảnh: VÕ MINH TUẤN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: