Chúng tôi lang thang nhiều lần cùng ông Lâm Dũ Xênh, người ở thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn), một nhà sưu tầm cổ vật và cũng là người góp phần phục hồi gốm Châu Ổ xưa, qua nhiều ngõ ngách đầy ký ức với sành, gốm vỡ và những người lớn tuổi, ở làng Mỹ Thiện, lẫn làng Tường Vân, thuộc thị trấn Châu Ổ thì mới hiểu thêm ít nhiều về nghề gốm ở đây.
Thuở đó hầu như cả làng đều làm gốm. Để lấy đất sét, cả làng phải vào tận Đồng U, xã Bình Long (Bình Sơn) phạt cỏ, dọn sạch lớp đất bùn, rồi đào lấy đất sét, xong khiêng, vác, cõng về. Nhà nào cũng nhào, nặn, chuốt đất sét thành các hình ché, hũ, lu, lọ hoa, lư hương, hồ lô... trên chiếc bàn xoay tự tạo. Nhưng không phải nhà nào cũng có lò nung. Theo ông Hồ Duy Thanh (87 tuổi), đời thứ 6 của tộc họ Hồ định cư tại làng ven sông này, cả Châu Ổ từ những năm 70 của thế kỷ trước, chỉ có gần chục lò nung. Lò lớn nhất là của ông Hồ Duy Dương (bác của ông Hồ Duy Hải), lò của ông Hồ Duy Hải (cha ông Hồ Duy Thanh), sau là lò của các ông Bửu, Toàn, Bồi, bà Chỉnh, bà Hồng... Muốn có gốm thành phẩm, cả làng phải nhờ đến các lò nung thủ công của những người này.
Nghệ nhân Đặng Văn Trịnh và nhà sưu tầm cổ vật Lâm Dũ Xênh.
Để tạo men, tạo màu trên đồ gốm, người Châu Ổ phải lặn lội lên tận Trà Bồng lấy đất đỏ, đá đỏ, đá thạch anh, đất sét vàng, rồi đi hái lá bời lời... về giã nhuyễn, lọc ra làm men. Tùy theo từng loại sản phẩm, lẫn thị hiếu của người sử dụng, mà các nghệ nhân làng gốm Châu Ổ pha chế các màu men khác nhau. Đến mùa phù sa từ phía núi tràn về sông Châu Ổ, người làm gốm lại đi vét phù sa. Gốm làm bằng phù sa, dễ bám men, bám màu, là thứ sản phẩm gốm cao cấp, còn gốm làm bằng đất sét ở ruộng chỉ là dòng gốm bình dân, bán đại trà.
Đó cũng là thời gốm Châu Ổ theo bước chân tấp nập của các thương lái ra Huế, vào Nam, lên Tây Nguyên, ra đảo Lý Sơn và nhiều nơi trong tỉnh Quảng Ngãi bằng thuyền, xe đò, xe thồ hoặc gồng gánh.
Có lẽ, cho đến nay không ai biết chính xác gốm Châu Ổ có từ bao giờ. Có người viết là gốm Châu Ổ có từ thế kỷ thứ XVIII. Lại cũng tài liệu viết, nghề gốm ở đây bắt đầu từ ông Huỳnh Nguyên Hưng Ba, một người gốc Hoa, sau ông Hưng Ba truyền cho ông Trương Trung Ái - người gốc Thanh Hóa. Ông Ái lại tiếp tục truyền cho ông Phạm Công Đắc và ông Nguyễn Công Ất. Từ thế kỷ XV, hai ông này di cư vào Mỹ Thiện - Châu Ổ. Ông Đắc và ông Ất tôn ông Huỳnh Nguyễn Hưng Ba làm tiên sư, tôn ông Trương Trung Ái làm tổ nghề.
Để xác thực, chúng tôi thuật lại câu chuyện về cội nguồn nghề gốm Châu Ổ mà các tài liệu trên đã viết cho vợ chồng nghệ nhân Đặng Văn Trịnh và những người lớn tuổi trong thôn Mỹ Thiện - Châu Ổ. Họ đều bảo rằng: Đó chỉ là truyền thuyết, sách vở xưa ghi về nguồn gốc nghề gốm Châu Ổ đã không còn. Ông Trịnh còn cho biết thêm, là vào thời Bảo Đại, ông nội của ông là ông Đặng Mậu, vốn là Lý trưởng, nhờ làm ra những sản phẩm gốm rất đẹp, rất đa dạng, nên được ban phẩm hàm là “cửu phẩm mỹ nghệ”, nhưng nay họ Đặng của ông cũng không còn giữ lại tài liệu gì.
Căn cứ vào câu đối ghi trên bình lọ hoa màu vàng, miệng loe, có lẽ được tạo tác cách đây chừng 70 - 80 năm, do ông Hồ Duy Hải viết, mà chúng tôi còn giữ được, thì nội dung câu đối này chỉ nói gốm Châu Ổ có khoảng vài trăm năm (Hữu thổ hữu tài, bất phụ sổ bách niên đào tạo/ Tận mỹ tận thiện, hà đương trấp thế kỷ văn minh; tạm dịch nghĩa: Có đất có tài, chẳng phụ vài trăm năm nhào nặn/ Rất đẹp rất tốt, há chẳng xứng với văn minh thế kỷ hai mươi?).
Gốm Châu Ổ đa dạng về chủng loại, nhưng sắc màu, đồ án trang trí lại giản đơn, rất riêng. Trừ các loại đồ sành, như lu, vò, ống nhổ, chậu... thì các sản phẩm khác, cao cấp hơn, như lọ hoa, ché, lư hương, thường có màu vàng ngọc, màu xanh ngọc làm chủ đạo. Khi nung, có hiện tượng “hỏa biến” nên sắc màu có khác hơn chút ít, và cũng nhờ tạo tác thủ công, nung thủ công, nên mỗi sản phẩm gốm Châu Ổ mang tính độc bản.
Trên thân các sản phẩm gốm Châu Ổ có các hình đắp nổi, mà khi nhìn vào sản phẩm, cùng với màu sắc, có thể nhận ra đó là đồ gốm có xuất xứ từ làng gốm này. Trước hết là hình rồng. Gốm Châu Ổ chỉ có hình một con rồng đắp nổi, rất chi tiết, màu nâu đậm, uốn quanh thân ché, hay lọ hoa. Bên cạnh hình rồng còn có cành trúc sum suê lá, gốc già. Trên cổ ché, hay cổ lọ hoa, lu, thường có hình 4 con chuột nằm chồm chân tới trước, lẫn trong chùm hoa dây (để thay đai). Khi được hỏi vì sao lại đắp nổi các loại đồ án này, một vài người bảo rằng, hình con rồng biểu tượng cho sự bay bổng, thăng hoa, thịnh vượng; hình cành trúc biểu tượng cho quân tử; hình con chuột trên ché, hay trên lu, ý nói là “chuột sa hũ nếp”, là cầu mong cho sự no đủ.
Kể từ khi các loại ché được các tộc người miền núi Quảng Ngãi, hay cả Tây Nguyên ưa chuộng, các nghệ nhân Châu Ổ còn làm thêm hoa văn dưới chân ché hình chân con voi. Các lư hương lớn còn có 2 đai, mỗi đai có 2 trái thị, có cuốn lá...
Nhưng sản phẩm gốm Châu Ổ cao cấp nhất là những lọ hoa, hay chiếc ché có bài thơ bằng chữ Hán ca ngợi nghề làm gốm Châu Ổ do chính nghệ nhân Hồ Duy Hải (1917 - 1968) viết. Bài thơ đó được phiên âm như sau: “Văn minh khai triết mạc/ Hoa hội cựu tân đồ/ Bạc kỷ cung thường phẩm/ Bình Sơn cổ sở vô” (nhà Hán học Nguyễn Đức Tập dịch thơ là: Văn minh màn triết mở ra/ Đồ hình mới được bút hoa vẽ vời/ Vật thường cung ứng cho đời/ Bình Sơn ngày trước chưa người làm nên). Ngoài bài thơ và câu đối được trích dẫn, theo một số người lớn tuổi ở Châu Ổ, ông Hồ Duy Hải còn có một bài thơ khác đã khắc trên gốm nữa, nhưng hiện chưa tìm ra bài thơ đó.
Quả là gốm Châu Ổ đã từng có một thời vàng son. Nay chỉ còn lò gốm của vợ chồng nghệ nhân Đặng Văn Trịnh (61 tuổi) - Phạm Thị Thu Cúc (57 tuổi). Họ đang cố giữ làng nghề bằng mọi giá. Nhưng không chỉ câu chuyện gìn giữ và phát huy làng nghề, mà có lẽ còn phải có sự tài trợ từ một nguồn nào đó và một công trình nghiên cứu kỹ hơn về nguồn gốc làng gốm, hoa văn, họa tiết gốm Châu Ổ, để góp phần bảo tồn, gắn với phát triển làng nghề, phát triển du lịch. Việc phục hồi tấm bia 2 mặt, bằng chữ Hán, trong sân nhà thờ họ Hồ ở thôn Mỹ Thiện - Châu Ổ, lập vào năm Kỷ Tỵ (1929) thời Bảo Đại, vốn bị quét sơn lên từ lâu, là một ví dụ. Nếu tấm bia này được phục hồi, thì có thể không chỉ hiểu gốc tích họ Hồ cũng như các dòng họ khác đến đây lập nghiệp, mà có thể hiểu về nguồn gốc gốm Châu Ổ qua các thời kỳ lịch sử.
Bài, ảnh: NGUYỄN ĐĂNG VŨ
TIN, BÀI LIÊN QUAN:
|