Cần không gian trưng bày cho mộ chum trong Văn hóa Sa Huỳnh

18:18, 14/09/2023
.

(Baoquangngai.vn)- Di tích mộ táng được khai quật tại khu vực hồ chứa nước Nước Trong có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bổ sung vào bản đồ khảo cổ học tiền sử Việt Nam một loại hình Văn hóa Sa Huỳnh ở miền núi Quảng Ngãi. Tuy nhiên, đến nay những mộ chum này vẫn chưa có không gian trưng bày riêng biệt và công nghệ bảo quản đảm bảo cho du khách đến tham quan, tìm hiểu.

Giai đoạn 2009 - 2012, Sở VH-TT&DL phối hợp với một số chuyên gia khảo cổ học, khai quật nhiều di tích ở vùng phía tây huyện Trà Bồng và huyện Sơn Hà (khu vực lòng hồ chứa nước Nước Trong). Từ đây, dấu tích văn hóa Sa Huỳnh lần đầu tiên phát hiện ở miền núi của tỉnh Quảng Ngãi với các di tích cư trú, di tích mộ táng. Đồng thời, thu nhận được các di vật như đồ đá, đồ đồng, đồ sắt, đồ thủy tinh và đồ gốm cổ.

Cảnh quan sông Tang và điểm khai quật khảo cổ di tích mộ táng. Ảnh: NVCC.
Cảnh quan sông Tang và điểm khai quật khảo cổ di tích mộ táng. Ảnh: NVCC.

Năm 2021 - 2022, dự án “Chỉnh lý kết quả khai quật khảo cổ tại khu vực mặt bằng xây dựng công trình hồ chứa nước Nước Trong” được triển khai thực hiện. Thông qua dự án, đã chỉnh lý và phục dựng, bảo quản 24 mộ táng; tiến hành phục dựng 80 đồ gốm tùy táng bao gồm nồi, bình, bát, hủ; tiến hành xử lý bảo quản 10 hiện vật chất liệu đồng, sắt trong mộ táng, 200 bản dập hoa văn trên các hiện vật gốm, phân tích đồng vị carbon 5 mẫu, phân tích thạch học gồm 20 mẫu...

Hiện trường khai quật di tích mộ táng tại khu vực hồ chứa nước Nước Trong. Ảnh: NVCC.
Hiện trường khai quật di tích mộ táng tại khu vực hồ chứa nước Nước Trong. Ảnh: NVCC.

Qua đó, có thể xác nhận nền văn minh phát triển rực rỡ của cư dân Sa Huỳnh có sắc thái, đặc trưng miền núi, về niên đại kéo dài hơn 1.000 năm từ sơ kỳ đồng thau đến sơ kỳ sắt, từ tiền Sa Huỳnh đến Sa Huỳnh. Nơi đây có ý nghĩa như một bức tranh thu nhỏ của thời đại kim khí tiền Sa Huỳnh - Sa Huỳnh duyên hải miền Trung Việt Nam. Với những ý nghĩa quan trọng đó, việc đưa mộ chum từ lòng đất về đến bảo tàng là cả một quá trình được thực hiện công phu và kỹ lưỡng, nhằm bảo tồn tính nguyên vẹn mộ chum sau khai quật.

Theo Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi - Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, khi nước trong hồ chứa nước Nước Trong dâng lên, đoàn khảo cổ phải xử lý theo kiểu cổ điển là tách rời từng cái, sau đó gửi mẫu ra Viện Khảo cổ học để phân tích các thành phần hóa học trong đất, tính chất thổ nhưỡng… Các nhà khảo cổ học cũng nhận thấy những ưu điểm trong chất đất để bảo tồn nguyên vẹn từng mộ chum và khu đất xung quanh vùng khai quật.

“Chất đất trong lòng hồ chứa nước Nước Trong có các thành phần như silic, cao lanh, các khoáng chất khác… Nó tồn tại những hạt mà chúng tôi gọi là “hạt thần thánh”, bởi khả năng kết dính bền vững giúp khối mộ chum không bị vỡ vụn”, Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi chia sẻ.

Các mộ chum sau khi khai quật, chỉnh lý, phục dựng được đưa vào kho bảo quản của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.
Các mộ chum sau khi khai quật, chỉnh lý, phục dựng được đưa vào kho bảo quản của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.

Tuy nhiên, để những mộ chum từ lòng đất đưa về bảo tàng an toàn và nguyên vẹn, bên cạnh việc phân tích thành phần trong đất và làm rõ cách thức tục táng chum, mộ đất của cư dân Sa Huỳnh cổ, đoàn khảo cổ phải tiến hành đông hóa tại chỗ (còn gọi là cứng hóa) các mộ chum ngay tại công trường khai quật. Việc đông hóa mộ chum được thực hiện trong thời gian khoảng 1 tháng để đất làm mộ chum thích nghi với môi trường xung quanh, bằng cách phun sương từ từ cho các khối đất kết đông lại.

Khâu vận chuyển từ miền núi vào bảo tàng được thực hiện kỹ lưỡng. Đoàn đã đưa các mộ chum vào trong thùng bảo vệ bằng gỗ, bên trong lấp đầy vỏ trấu, vận chuyển bằng xe tải vượt 90km đường núi và bảo quản trong kho lạnh với nhiệt độ thấp. Đến nay, sau hơn 10 năm, khi tiến hành mở kho chỉnh lý các mộ chum vẫn còn nguyên vẹn.

Sau khi được chỉnh lý và phục dựng, các mộ chum được đưa vào kho bảo quản của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh và luôn giữ gìn trong môi trường nhiệt độ, độ ẩm thấp (từ 18 – 25 độ C). Hầu như các mộ chum không tiếp xúc nhiều với ánh sáng bên ngoài, nhằm giữ cho chất đất không bị vỡ. Do vậy, việc đưa ra trưng bày là rất khó.

Phó Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí (Bộ Ngoại giao) Đoàn Khắc Việt (áo trắng) và các thành viên trong đoàn tham quan, tìm hiểu về Văn hóa Sa Huỳnh được Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi giới thiệu về các mộ chum trong văn hóa Sa Huỳnh.
Phó Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí (Bộ Ngoại giao) Đoàn Khắc Việt (áo trắng) và các thành viên trong đoàn tham quan, tìm hiểu Văn hóa Sa Huỳnh.

Trong chuyến tham quan, tìm hiểu về Văn hóa Sa Huỳnh tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh vào đầu tháng 8 vừa qua, Phó Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí (Bộ Ngoại giao) Đoàn Khắc Việt bày tỏ, chúng tôi nhận thấy nền văn minh tại mảnh đất Quảng Ngãi đã có từ lâu đời. Đến nay, đã có nhiều hiện vật Văn hóa Sa Huỳnh được khai quật và bảo quản. Trong số đó, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với kho bảo tàng khu mộ chum (Văn hóa Sa Huỳnh). Đáng tiếc, đến nay vẫn chưa có không gian trưng bày riêng biệt và công nghệ bảo quản mộ chum để du khách đến tham quan, tìm hiểu. Việc này đã phần nào làm lãng phí tiềm năng du lịch của Quảng Ngãi.

"Ngay sau khi phát hiện Văn hóa Sa Huỳnh trên không gian rộng lớn từ đồng bằng, miền núi và hải đảo, chúng tôi đã nghĩ cần có khu trưng bày riêng biệt cho di sản Văn hóa Sa Huỳnh để có thể phát huy giá trị văn hóa đặc biệt này.  Trước mắt, chúng tôi mong muốn có công nghệ bảo quản mộ chum. Từ đó, khách có thể đến tham quan, tìm hiểu về một nền Văn hóa Sa Huỳnh trải dài ở cả miền Trung nói chung và tỉnh Quảng Ngãi nói riêng"

Tiến sĩ ĐOÀN NGỌC KHÔI - Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.

Bài, ảnh: THANH AN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 18:18, 14/09/2023

Ý kiến bạn đọc


.