(Baoquangngai.vn)- Bây giờ, khi đã ngấp nghé tuổi tám mươi, tôi mới nhận ra, khi mình càng về già thì thời gian trôi càng nhanh. Và thời gian là thứ mình không thể khắc chế được. Việc hôm nay chớ để ngày mai mới làm, vì có khi không kịp.
Bằng công việc hằng ngày, nếu mình phân phối hợp lý, để không quá căng hay quá chùng, thì dù không thể chế ngự được thời gian, nhưng sẽ tạo ra được những khoảng thời gian có ích. Thời gian có ích trong một ngày, có khi ngắn, có khi dài hơn một chút, nhưng đã có ích thì thời gian ấy tương thích với đồng hồ sinh học của mình. Thời gian có ích là thời gian có thể đo được bằng đồng hồ sinh học.
Ngày còn trẻ, tôi làm việc theo cảm hứng, còn đi chơi theo thói quen. Đó là khi tôi chỉ sáng tác thơ, dù là thơ ngắn hay trường ca. Có lẽ kiểu sử dụng thời gian như thế hợp với người sáng tác, nhưng không hợp với người làm báo. Viết báo lại đòi hỏi phải sử dụng thời gian theo kiểu khác, và ai cũng biết trong nghề báo có một quy định thắt ngặt gọi là deadline (thời hạn chót). Viết báo, luôn luôn có từ deadline để trước mặt. Còn sáng tác thì không. Lúc nào xong thì xong thôi. Một bài thơ hay một truyện ngắn người ta có thể viết trong vài giờ đồng hồ, lại có thể viết trong vài năm mới xong. Không ai cho đó là chậm hay nhanh cả.
Còn viết một bài báo khi có chữ deadline đặt trước mặt, thì phải viết xong và gửi cho tòa soạn đúng thời hạn, tốt nhất là trước deadline một khoảng thời gian để tòa soạn còn xử lý. Như vậy, với người sáng tác văn học và người viết báo lại có hai cách đo thời gian khác nhau? Tôi thì vừa viết báo vừa làm thơ, lúc nào viết được thứ nào thì viết, nhưng viết báo thì được ưu tiên hơn vì không theo cảm hứng, còn làm thơ thì phải có xúc cảm, có cảm hứng mới làm được, nên hai loại thời gian dành cho hai “thể loại” này vẫn khác nhau.
Nhưng, chính trong những lúc viết những bài báo, tôi lại phát hiện ra một điều hơi lạ, là mình viết báo cũng có… cảm hứng, dù cảm hứng ấy không phải để bài báo giống bài thơ. Ngược lại, báo vẫn là báo, mà thơ vẫn là thơ, nhưng khi có cảm hứng, thì viết báo thấy nhanh hơn và trong bài viết, có thể có những đoạn văn xuất thần hơn.
Viết báo cũng cần cảm hứng là vậy. Dĩ nhiên, viết báo thì cần tư liệu, còn làm thơ, nhất là thơ ngắn, thì không cần. Nhưng nếu anh viết trường ca, mà không chuẩn bị tài liệu, vốn sống, thực tế, hình dung cấu trúc tác phẩm, thì coi như anh chưa viết. Tôi đã viết nhiều bài thơ ngắn, viết cũng khá nhiều trường ca, viết còn nhiều hơn những bài báo, nên tự nhiên tôi thấy có sự gắn bó khá mật thiết nào đó giữa báo và thơ.
Một nhà thơ viết báo, có vẻ dễ dàng hơn một nhà tiểu thuyết viết báo? Tôi nghĩ, cũng chưa chắc. Cách đây chỉ vài tuần, nhà văn Trung Trung Đỉnh vào Quảng Ngãi thắp hương viếng vợ tôi, ở chơi với tôi cả tuần, cốt cho tôi đỡ buồn. Anh em tự nhiên có thời gian nói với nhau bao nhiêu chuyện, kể cả những chuyện về nghề nghiệp. Anh Đỉnh viết báo hay, nhưng viết báo của anh giống như anh viết một đoản văn hay truyện ngắn vậy. Điển hình là bài viết anh Trung Trung Đỉnh vĩnh biệt nữ nhà thơ Mỹ Dạ vừa qua đời.
Tôi đọc bài “Mụ Giạ” của anh như đọc một truyện ngắn. Rất xúc động và đầy chất văn xuôi. Đặc biệt là các chi tiết được tác giả kể lại. Thương chị Mỹ Dạ đã mất bao nhiêu, lại càng thấy nhà văn Trung Trung Đỉnh là nhà văn xuôi xuất sắc bấy nhiêu. Hóa ra, theo anh Đỉnh kể lại, anh viết bài vĩnh biệt chị Mỹ Dạ cũng rất nhanh, không biết có nhanh hơn tôi khi tôi viết bài tiễn biệt chị Mỹ Dạ?
Nhà văn hay nhà thơ không thể khắc chế được thời gian, nhưng có thể khiến thời gian trôi nhanh hơn hay trôi chậm hơn, khi mình đọc những trang viết của họ. Miễn là họ viết thật lòng, viết hết lòng và chỉ viết khi có những thôi thúc từ bên trong. Viết một bài báo thời sự chính trị, vẫn rất cần sự thôi thúc từ bên trong ấy, chứ không chỉ làm thơ hay viết văn xuôi mới cần.
THANH THẢO
TIN, BÀI LIÊN QUAN: