Chuyện thưởng thọ của người xưa

11:06, 16/07/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trọng người già, hiếu kính bề trên là nét đẹp văn hóa của người Việt, điều này thể hiện qua chuyện thưởng thọ. Từ xa xưa đến ngày nay, ở nước ta đều có quy định riêng về thưởng thọ. 

Vào mỗi dịp đầu năm, nhiều gia đình, địa phương tổ chức lễ mừng thọ các cụ ông, cụ bà. Người thọ từ 70 tuổi trở lên, đều được tặng quà và chúc thọ. Người thọ 100 tuổi được Chủ tịch nước chúc thọ, tặng tiền mặt 700 nghìn đồng và 5m vải lụa. Khi qua đời, thân nhân người cao tuổi còn được hỗ trợ chi phí mai táng...

Đại diện Sở LĐ-TB&XH tỉnh, Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh đến thăm và chúc thọ cụ Nguyễn Thị Tơ, tròn 100 tuổi, ở thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng).     Ảnh: TL
Đại diện Sở LĐ-TB&XH tỉnh, Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh đến thăm và chúc thọ cụ Nguyễn Thị Tơ, tròn 100 tuổi, ở thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng).     Ảnh: TL

Từ chuyện nay ngẫm chuyện xưa, vào đời Hồ Hán Thương (1401 - 1407) lệ định 60 tuổi lên lão. Năm 1673, hàng lão từ 60 tuổi trở lên được miễn thuế và các giao dịch sưu sai. Đến Triều Nguyễn, năm 1822, vua Minh Mạng ban dụ: “Phàm người sống lâu đến 70 tuổi, đã gọi là ít có. Huống chi thọ đến hơn 100 tuổi, được gặp tuổi kì dị như thế, thực là điểm thọ lúc thái bình. Trẫm mong nước thọ, dân thọ nên ban ăn lớn rộng khắp”; “Người trên mà nghĩ đến người già, thì kẻ dưới không dám biếng nhác với cha mẹ, ấy là dạy dân lấy đạo hiếu”. Nhà Vua quy định, việc thưởng thọ là phong tục cần được giáo dục, gìn giữ; kèm theo biển ngạch để biểu dương và tỏ lễ trọng thể ưu đãi người già. Biển ngạch được chạm trổ hoa, sơn son thiếp vàng xung quanh, phía góc là dòng lạc khoản ghi hai chữ “sắc tứ” cùng niên hiệu, ngày, tháng; giữa biển ngạch khắc hai chữ lớn “thọ dân” cho lão ông và lão bà là “trinh thọ”.

Việc thưởng thọ phân theo 2 loại: Thưởng thọ quan và thưởng thọ dân. Thọ quan là người có học, có chức sắc, tuổi từ 80 tuổi trở lên và được thưởng theo thứ bậc. Thưởng bạc 100 lạng, lụa 10 tấm cho các quan nhất, nhị, tam phẩm thọ đến 100 tuổi. Các quan tứ, ngũ, lục phẩm được thưởng bạc 80 lạng, lụa 8 tấm. Bạc 60 lạng, lụa 6 tấm cho các quan thất, bát, cửu phẩm. Phụ nữ được phong chức dựa theo phẩm hàm giảm đi một phần ba. Ai thọ thêm 10 tuổi, bạc, lụa đều gấp đôi. Năm 1826, Khâm sai lưu thủ trấn Quảng Ngãi Nguyễn Văn Toản được thưởng 30 lạng bạc, áo 2 bộ.

Quảng Ngãi có nhiều vị quan tuổi từ 70 trở lên như Đỗ Đăng Đệ (1814 - 1888) thọ 74 tuổi, Trương Quang Đản (1833 - 1915) thọ 82 tuổi, Tạ Tương (1857 - 1942) thọ 84 tuổi, Nguyễn Tạo (1891 - 1978) thọ 87 tuổi. Nhiều vị quan dù tuổi cao nhưng vẫn được nhà Vua trọng dụng và nhân dân kính trọng. Như Thạnh quận công Trương Đăng Quế (1793 - 1865) thọ 72 tuổi. Khi về hưu, nhà Vua ban cho ông một bài thơ, sâm, quế, vàng, lụa, các hạng. Mỗi năm được lãnh lương bổng, quan tỉnh sở tại phải thường tới thăm hỏi. Rồi cho phép ông “nếu có biết điều gì, hay là nghĩ ra điều gì, mà quan hệ về việc lợi hại lớn trong nước, cho phép phát trạm tâu lên”. Còn ông Đinh Duy Tự (1807 - 1888) thọ 81 tuổi, được Vua Thiệu Trị mời về dạy dỗ con cháu trong hoàng tộc, thảo văn tế, giấy tờ, tuồng cổ và nhân dân tôn kính bởi tấm lòng yêu thương dân của ông như chăm sóc sức khỏe, dạy học, tổ chức dân làng sửa đập cá Ông chống lũ lụt.

 

Thọ dân 100 tuổi trở lên được cấp 3 lạng bạc, 1 tấm lụa; 90 tuổi trở lên được cấp 2 lạng bạc, 1 tấm vải; 80 tuổi trở lên được cấp 1 lạng bạc, 1 tấm vải và 70 tuổi trở lên được cấp 1 tấm vải. Người thọ 100 tuổi vừa mới qua đời cũng được phát bạc lạng, vải lụa, đình chỉ biển ngạch. Vào mỗi kỳ đầu xuân, các quan sở tại phải trích công quỹ, phái người đến tận nơi chúc thọ và thưởng lễ vật. Các quan trấn hạt phải kê khai họ, tên, tuổi tác, quê quán, tình trạng của những trùm lão thọ 100 tuổi và tâu bộ Lễ xét thưởng. Đồng thời, xử phạt các quan địa phương không báo cáo kịp thời. 

Đối với làng xã, dù quan hay dân, người lên hàng lão đều được kính trọng và gọi là trùm lão hay quan lão. Người cao tuổi nhất gọi là cụ cả. Bốn người cao tuổi nhất gọi là tứ trụ. Thọ nam mỗi người được cấp 2 cân rượu, 3 cân thịt; thọ phụ mỗi người 1 cân rượu, 2 cân thịt. Người lên hàng lão sẽ được tổ chức yến lão trọng thể vào ngày lễ hội lớn của làng theo định kỳ mỗi năm. Các quan lão trong quần áo lụa được làng mang võng, cờ, lọng rước ra đình làng. Tùy theo số tuổi thì rước khác nhau: 100 tuổi võng điều, che bốn lọng xanh; 90 tuổi võng điều hai lọng xanh, 80 tuổi võng xanh (đòn cong) một lọng, 70 tuổi võng xanh (đòn ống) một lọng. Tại đình làng, nơi gian giữa lập ban thờ làm lễ tế lão. Các trùm lão ngồi hai gian bên theo độ tuổi, có làng tổ chức cho cả lão bà. Lão ông ngồi gian bên trái, gian bên phải là lão bà. Nghi thức tế lão giống tế thần, có cả phường bát âm tấu nhạc.

 

TẠ HÀ

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 11:06, 16/07/2023

Ý kiến bạn đọc


.