Về bức ảnh cổ thành Quảng Ngãi đầu thế kỷ XX: Trăm năm người xưa, chuyện cũ

02:05, 08/05/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Có lẽ cho đến nay, khó có thể tìm thấy hình ảnh nào về Quảng Ngãi cách đây hơn trăm năm trước, trừ dăm bức ảnh bờ xe nước sông Trà do người Pháp chụp. Vừa rồi, tôi tìm thấy một bức ảnh chụp ở cổ thành Quảng Ngãi vào đầu thế kỷ XX. Bức ảnh gợi đôi điều về một tỉnh thành cũ mà dường như nay khó tìm ra dấu vết, vài hình bóng người xưa, cùng câu chuyện lịch sử ở cổ thành này vào thời gian đó.
Các cổ thành ở Quảng Ngãi
 
Quảng Ngãi có nhiều cổ thành. Thành Châu Sa là một tòa thành đất của người Chăm, hư hao nhiều, nhưng nay vẫn còn ít nhiều hào, lũy nguyên vẹn, dù đã trải qua hơn mười thế kỷ dãi dầu nắng mưa và lắm cuộc binh đao. Và cũng là của người Chăm, thành Cổ Lũy, thành Bàn Cờ giờ cũng chơ vơ cùng tuế nguyệt. Một thành đất khác, thấm đẫm trong đó ít nhiều huyền thoại, gắn liền với bước chân Quang Chiếu vương Mai Đình Dõng trấn nhậm vùng đất này vào năm 1571, nay cũng còn một đoạn thành. Rồi Phú Nhơn, Phú Đăng, từng là nơi đóng lỵ sở thời còn dinh, trấn Quảng Ngãi, trước khi thành Quảng Ngãi dựng xây kiên cố, nay dường như đã xóa mờ dấu vết. Ở các phủ, huyện xưa, cũng có các tòa thành, như đôi dòng ghi chép trong "Đại Nam nhất thống chí" hay "Đồng Khánh địa dư chí" cách đây hơn trăm năm, nhưng khó có thể nào tìm ra hình hài ngày trước.  
Bức ảnh chụp cổ thành Quảng Ngãi đầu thế kỷ XX. Ảnh tư liệu của Đăng Vũ
Bức ảnh chụp cổ thành Quảng Ngãi đầu thế kỷ XX. Ảnh tư liệu của Đăng Vũ
Và cổ thành của tỉnh lỵ Quảng Ngãi sau này, hay còn gọi là tỉnh thành Quảng Ngãi, dẫu kiên cố hơn, bằng gạch, đá ong và vôi vữa tam hợp, nhưng giờ đây, ta cứ thử đi vòng quanh nơi tòa thành được xây dựng vào năm 1807 và hoàn thành năm 1815 với sự giúp sức về thiết kế của quan Pháp, thì cũng chỉ tìm ra một hào thành, quanh co, dích dắc theo con đường đã được đặt tên là đường Cẩm Thành cách đây chừng mươi năm trước - một con đường mà không mấy người, ngay ở phố thị này, biết đến.
 
Trong bức ảnh kèm theo bài viết này, ta thấy có một cổng thành khá bề thế. Cổng thành hình vòm cuốn, bên trên có vọng lâu. Đây là cổng phía nào của cổ thành Quảng Ngãi? Lại có thấy một mái nhà lợp ngói và một trụ cổng. Vậy đây là khu nhà nào của cổ thành Quảng Ngãi xưa?
 
Cổ thành Quảng Ngãi và dấu vết còn lại qua bức ảnh
 
Thái Đình Lan, một nho sinh của huyện Bành Hồ (Đài Loan), sau lần đi thi  đỗ Hương tiến, lúc từ Phúc Kiến trở về, thuyền bị gió bão đánh trôi dạt vào bờ biển Quảng Ngãi. Tại đây, ông đã được quan địa phương đưa đến tỉnh thành Quảng Ngãi. Trong những ngày ở đây, ông có ghi chép ít nhiều về cổ thành, sinh hoạt quan lại, đời sống dân chúng ở trong thành, quanh thành, vào cuối năm 1835, trong cuốn sách nổi tiếng của ông là "Hải Nam tạp trứ", được khắc in lần đầu tiên vào tháng trọng thu (tháng 8) năm Đạo Quang Đinh Dậu (1837). 
 
Thái Đình Lan cho biết: Cách sông chừng một dặm là thành Quảng Ngãi. Trú đóng tại tỉnh có một quan Bố chánh, một quan Án sát, một quan Trấn binh, gọi chung là ba vị đường quan. Có hai ty, là Ty Phiên và Ty Niết. Thành này tục gọi là thành Cù Mông, mở 3 cửa: Đông, Tây, Bắc. Quan thự, kho tàng, dinh trấn đều đặt trong thành.
 
Trong các bộ sách "Đại Nam nhất thống chí", "Đồng Khánh địa dư chí" của Quốc sử quán triều Nguyễn, phần viết về tỉnh Quảng Ngãi, được khắc in sau này, cũng ghi chép tương tự, nhưng có viết rõ thêm về lịch sử xây thành, chu vi, độ cao, chất liệu bờ thành, độ sâu hào thành... Lại có cả sơ đồ, ghi chú các hướng, vị trí các dinh thự, hành cung, kho tàng, do tỉnh thần Quảng Ngãi "kính tuân lời phiên vẽ tiến trình", có cấu trúc bình đồ vuông (vauban) theo lối Pháp. Đại lược, tỉnh thành Quảng Ngãi vốn đặt ở xã Phú Nhơn, năm 1802 dời về xã Phú Đăng, đến năm 1807 dời về địa điểm hiện nay. Đầu năm 1815 xây thêm đá ong. Thành nằm ở xã Cù Mông (sau đổi là Chánh Mông, sau nữa là Chánh Lộ).
 
Theo một vài tài liệu viết về cổ thành Quảng Ngãi sau này, còn có thể biết thêm, sau năm 1885, đi theo trục từ cửa Tây xuống cửa Đông (theo trục đường Lê Trung Đình hiện nay), ngoài dinh Tuần vũ, Bố chánh, Án sát, Lãnh binh, Thái y... ở phía phải; còn ở phía đối diện, có Trại lính, Hành cung, dinh Công sứ Pháp...
 
Cái cổng thành nhìn khá rõ trong bức ảnh này, có lẽ là cổng cửa Đông. Các vị đường quan cùng quân lính đang hướng về cửa Tây trong buổi đón quan Công sứ Pháp. Mái nhà lợp ngói, có trụ cổng, có thể là dinh Công sứ.
Chỉ là một bức ảnh, nhưng câu chuyện xoay quanh nó còn nhiều điều thú vị. Ít nhất, ở đây, chúng ta cũng nhận ra dấu vết của một cổ thành, về hình ảnh của những quan lại, lính tráng thời đó, gợi mở những câu chuyện về lịch sử. Còn tác giả bức ảnh này là ai? Tôi có lục vài trang tư liệu khác, xem những bức ảnh cùng thời, chụp ở nhiều nơi, tôi nghĩ rằng tác giả bức ảnh này là Pierre Dieulefils (1882 - 1937). Tuy nhiên, về vấn đề này, xin được bàn thêm vào dịp khác.
Người xưa, chuyện cũ quanh bức ảnh
 
Xem hai dòng chú thích phía trên bức ảnh này, có thể hiểu: "AN NAM (tức Việt Nam): Thành cổ Quảng Ngãi. Các quan viên chờ đón Công sứ Pháp". Xem trên mạng, có một vài người cũng đã tiếp cận bức ảnh này, từ một nguồn nào đó không rõ. Có người cho là bức ảnh chụp năm 1910; có người cho là chụp năm 1916.
 
Có một người bạn trẻ cho tôi một đường dẫn đến trang web mua bán bưu thiếp xưa của Đức, mà ở đó tôi đã tìm thấy có rất nhiều hình ảnh của nhiều nước, từ năm 1890 đến năm 1945, trong đó có bức ảnh này. Ở bên dưới bức ảnh, có ghi chú bằng tiếng Đức: "Ungelaufen, datiert 1906, sehr guter Zustand". Theo ghi chú này, thì bức ảnh quan viên đón tiếp quan Công sứ Pháp ở cổ thành Quảng Ngãi được chụp năm 1906.
 
Nhìn những hình bóng người xưa trong bức ảnh, rồi lại suy nghĩ loanh quanh đôi dòng ghi chú, tôi đã cố lục lại vài tư liệu, để xem họ là những ai trong bức ảnh quý hiếm này.
 
Vào năm 1905, trong "Annuaire général de l'Indo-Chine, 1905", thấy có ghi chép tên hơn 20 quan chức ở thành Quảng Ngãi vào năm này. Công sứ Pháp là Marchant de Trigon. Đứng đầu chức quan của Nam triều ở Quảng Ngãi có Tuần phủ Nguyễn Xuân Triêm, Án sát Hồ Đắc Du, Phó đề đốc Đỗ Đức Phong, Phó lãnh binh Võ Hữu Trí, Đốc học Nguyễn Duy Thăng. Ngoài ra, có những người khác làm việc trong dinh Tuần vũ và dinh Án sát. Theo Wikipedia.org về Danh sách Công sứ Pháp ở Việt Nam, thì ở Quảng Ngãi còn thêm Phó sứ là Mulotte, đại diện ở Làng Rí Haquet, Giám binh Breugnot; Thành thủ úy Phạm Thế Năng.
 
Vào năm 1906, Công sứ Quảng Ngãi vẫn là Marchant de Trigon; phó là Vernier, đại diện ở Làng Rí Trinquet, giám binh Raux; tuần phủ Lê Từ (thay Nguyễn Xuân Triêm), án sát Hồ Đắc Du, đốc học Nguyễn Duy Thăng, Thành thủ úy Phạm Thế Năng, phó lãnh binh Vũ Hữu Trí, phó đề đốc Đỗ Đức Phong.
 
Vào năm 1907, ở Quảng Ngãi, Công sứ là M. Dodey; phó là Fries, đại diện ở Làng Rí Haguet, giám binh Cornu; Tuần phủ vẫn là Lê Từ, các quan viên khác cũng không thay đổi.
 
Xem lại danh sách các viên Công sứ Pháp ở Quảng Ngãi, thấy Marchant de Trigon làm Công sứ tại đây từ năm 1904 đến 1906. Đến năm 1907 thấy có tên M.Dodey làm Công sứ Quảng Ngãi. Có lẽ việc Khâm sứ Trung kỳ Moulié và nhà cầm quyền Pháp đưa M.Dodey làm Công sứ Quảng Ngãi vì thấy tại Quảng Ngãi đang bùng phát việc chống Pháp lẫn chống quan lại địa phương (do những người khởi xướng Hội Duy Tân ở Quảng Ngãi là Lê Đình Cẩn và Nguyễn Bá Loan lãnh đạo, nhằm hưởng ứng các chủ trương của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và phong trào Đông Kinh nghĩa thục). 
 
Theo một cuốn sách xuất bản ở Hồng Kông năm 1912, có thống kê các công sứ Pháp ở xứ An Nam, thì đến năm 1912, M.Dodey vẫn làm Công sứ Quảng Ngãi. Đọc sách "Tìm hiểu các phong trào yêu nước của nhân dân Quảng Ngãi, 1885 - 1945" của Bùi Định, xuất bản năm 1985, sẽ thấy vai trò của Công sứ M.Dodey, cùng Nguyễn Thân, chỉ huy trấn áp các cuộc nổi dậy của các chí sĩ yêu nước và nhân dân Quảng Ngãi vào khoảng thời gian này.
 
Nhìn lại bức ảnh với các dòng chú thích, lật giở vài trang tư liệu, chúng ta có thể suy đoán: Đó là hình ảnh các quan chức Quảng Ngãi đang chờ đón quan Công sứ M.Doley đến nhậm chức. Và nếu theo đúng chú thích của trang web của Đức, thì ảnh này có thể được chụp vào cuối năm 1906, hoặc đầu năm 1907, khi M.Doley đến thay Marchant de Trigon.
 
Cũng dựa trên các dữ liệu trên, chúng ta có thể suy đoán, các vị quan chức ở tỉnh Quảng Ngãi đang chờ đón Doley, gồm: Ổ hàng ghế ngồi, có lọng che, đầu tiên là Tuần vũ Lê Từ, người thứ hai là Án sát Hồ Đắc Du, hai người còn lại và một người đang đứng riêng, giữa ảnh, có thể là ba trong bốn người còn lại: Đốc học Nguyễn Duy Thăng, Phó lãnh binh Võ Hữu Trí, Phó đề đốc Đỗ Đức Phong, Thành thủ úy Phạm Thế Năng.     
 
Về tiểu sử, hành trạng của các vị quan chức này, có thể tham khảo thêm cuốn sách của tác giả Bùi Định đã nói trên kia và vài tư liệu khác, đặc biệt về Thành thủ úy Phạm Thế Năng, với đầy tội lỗi trong lịch sử chống Pháp ở Quảng Ngãi. Riêng về Tuần vũ Lê Từ, cũng có thấy có những lời phê phán nặng nề, nhưng qua gia phả họ Lê làng Văn Xá (Thừa Thiên), có thể nói thêm vài điều. Ông Lê Từ sinh tại làng Văn Xá, Tổng Phú Ốc, tỉnh Thừa Thiên (nay thuộc Hương Văn, huyện Hương Trà), sinh năm 1855 mất 1928, đậu Cử nhân năm 22 tuổi (khoa Mậu Dần, Tự Đức thứ 31). Sau khi được bổ làm quan ở nhiều nơi, năm 1906, ông được bổ làm Tuần vũ Quảng Ngãi. Theo gia phả, thì lúc làm quan ở Quảng Ngãi, gặp lúc dân nổi lên kháng sưu, ông không thuận để người Pháp đàn áp dân, nên bị buộc về hưu sớm (1908).
 
Về những người khác, có nêu trên, ắt hẳn phải tìm hiểu thêm, vì không thể chỉ qua đôi điều về một bức ảnh mà hiểu biết rõ về họ, cũng như về lịch sử quê nhà, dù chỉ trong một vài năm ở đầu thế kỷ XX. 
 
TS.NGUYỄN ĐĂNG VŨ
 
 
 
 
 

.