(Báo Quảng Ngãi)- Ngày nay, loại hình kiến trúc nhà dài của người Cor hầu như không còn thấy, nhưng điều may mắn là nó được phục dựng tại Làng Văn hóa các dân tộc Đồng Mô, Sơn Tây (Hà Nội).
Dân tộc Cor là tộc người cư trú lâu đời ở huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi), Bắc Trà My (Quảng Nam). Thuở xa xưa, mỗi làng người Cor thường có một ngôi nhà sàn dài (xlúp), các gia đình thành viên đều chung sống trong đó. Mỗi nhà có đến hàng chục gia đình sinh sống. Ngày nay, loại hình kiến trúc này của người Cor hầu như không còn thấy ở các thôn. Nhưng điều may mắn là nó được phục dựng tại Làng Văn hóa các dân tộc Đồng Mô, Sơn Tây (Hà Nội). Qua hơn chục năm, hai ngôi nhà bị xuống cấp nên mới được sửa chữa và nâng cấp. Nơi đây chẳng những lưu giữ nét đẹp kiến trúc cổ truyền mà còn tái tạo, hiện hữu những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc, tạo hình độc đáo, thể hiện nét văn hóa tinh hoa của người Cor.
Nhà dài của dân tộc Cor được phục dựng tại Đồng Mô, Sơn Tây (Hà Nội). Ảnh: Thanh Hà |
Cùng với các nghệ nhân, các nhà thiết kế, xây dựng đã phục hồi hai ngôi nhà dài truyền thống dân tộc Cor bề thế giữa quần thể kiến trúc nhà cửa các dân tộc Việt Nam. Kiến trúc và kết cấu của ngôi nhà tuân thủ những đặc trưng đã định hình từ xưa như sườn nhà chịu lực bằng những hàng cột dày đặc, vững chắc. Mặt bằng hình chữ nhật, dài khoảng 50 - 70m, mỗi nhà có hai cửa chính nằm ở giữa vách ngăn đầu nhà và cuối nhà, phía trước và sau có hai cầu thang để lên xuống. Ngoài hai cửa chính trước và sau nhà còn có hai cửa phụ bố trí hai bên nhà và cũng đặt cầu thang nhỏ để lên xuống.
Cửa chính để ra vào và tiếp khách, cửa sau để người nhà đi đến máng nước, sông, suối cho tiện lợi. Sàn hiên phía trước để trẻ em vui chơi, người già nghỉ ngơi, ngắm cảnh. Hiên sau gắn với nếp sinh hoạt, lao động nội trợ của người phụ nữ và những vật dụng thường thấy nơi đây là các bầu nước, gùi lúa, cối giã gạo. Giữa nhà có hành lang rộng, thông thoáng, nối dài từ cửa trước đến cửa sau. Chính hành lang này làm cho người ta có cảm giác ngôi nhà dài hun hút. Một phần bên nhà, từ hành lang đến vách nhà gọi là gưl, là không gian sinh hoạt chung của cả làng. Một bên được ngăn ra từng phòng nhỏ, gọi là tum. Đây là phần riêng dành cho sinh hoạt của từng gia đình hạt nhân. Mỗi tum đều có bố trí một bếp lửa riêng.
Đoàn nghệ thuật dân tộc Cor chuẩn bị diễn tấu trống chiêng mừng nhà mới. Ảnh: Thanh Hà |
Phần nội thất của ngôi nhà, ấn tượng nhất là việc trưng bày khá đầy đủ các loại gu của dân tộc Cor. Theo tập quán của đồng bào Cor, vào dịp lễ hội ăn trâu mừng mùa bội thu, đồng bào thường làm nhiều loại gu để trang trí trong nhà. Gu bla còn gọi là gu tròn, được treo lơ lửng ở giữa nhà; lavan là gu dẹt, chỉ trang trí một mặt gồm có gu mók a-tưl treo ở vách nhà hay phía trên khung cửa ra vào phía trước hay xà nhà, gu mók tum treo trên cửa ra vào bếp và gu tum treo lửng trên bếp. Trong đó gu bla là kiểu gu khá đặc biệt, gồm có thân gu và 4 lá gu tạo nên 8 tai gu có hình tròn xây ra bốn phía trang trí nhiều hoa văn, họa tiết độc đáo. Nơi treo gu bla được xem là tâm điểm trong nhà, mọi lễ thức đều xoay quanh đây. Chủ lễ thường đặt các mâm lễ vật ngay dưới bộ gu để cúng thần linh. Khi vui chơi, thưởng thức ẩm thực với rượu cần và các món ăn đặc sản, múa ca đấu, đánh chiêng, gõ trống quanh bộ gu.
Trong đợt tu bổ, sửa chữa lần này, ngôi nhà dài của đồng bào Cor ở Hà Nội chẳng những được bổ sung một số hiện vật mới mà còn dựng thêm một cây nêu phướn đẹp mắt, bề thế ở phía sân vườn. Đồng bào gọi là nêu phướn vì có đan lá phướn treo từ đỉnh nêu thòng xuống, có đẽo hình chim chèo bẻo treo trên đầu nêu. Với nét đẹp độc đáo của nó, cây nêu phướn được xem là tinh hoa di sản nghệ thuật của dân tộc Cor.
Lễ mừng cây nêu mới trước sân nhà dài dân tộc Cor. Ảnh: Thanh Hà |
Trước đây, loại cây nêu này cũng được dựng tại tiền sảnh của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Trong cuộc thi phục dựng cây nêu toàn quốc do Bộ VH-TT&DL và UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức tại huyện Tây Giang, cây nêu phướn của dân tộc Cor (Trà Bồng) là một tác phẩm nghệ thuật gây ấn tượng nhất.
Nhà dài và bộ gu, cây nêu là những di sản văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của dân tộc Cor. Vào những lễ lớn trong năm, các nghệ nhân dân tộc Cor được mời ra Hà Nội giao lưu và biểu diễn nghệ thuật dân gian. Du khách chẳng những được tìm hiểu, trải nghiệm về cách sinh hoạt trong không gian ngôi nhà dài truyền thống mà còn chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cây nêu, bộ gu. Đặc biệt là tận mắt chứng kiến nghi lễ cúng thần linh xung quanh bộ gu và cây nêu, hòa cùng điệu múa cà đáo của các cô gái và màn biểu diễn chiêng đôi sôi động của các chàng trai dân tộc Cor.
Kiến trúc nhà dài cùng những hiện vật của dân tộc Cor đã góp một sắc màu riêng trong bức tranh văn hóa truyền thống các dân tộc Việt Nam. Càng ý nghĩa hơn khi nghi lễ dựng cây nêu và bộ gu của dân tộc Cor đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2014.
TẤN VỊNH