Đa dạng các loại trang phục của người Quảng Ngãi 

16:08, 22/05/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trang phục là tiêu chí để phản ánh đời sống xã hội. Từ xưa, người Quảng Ngãi đã có quy định về việc sử dụng từng loại trang phục, như trang phục mặc trong lễ hội, tang ma, cưới hỏi, trang phục của quan lại hay của lớp người bình dân.

Trang phục của người xưa

Sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn ghi chép: “Năm Bính Thân (1776), y phục bản quốc vốn có chế độ, dẹp yên cõi biên thì chính trị và phong tục phải nên thống nhất. Nếu có người mặc trang phục kiểu khách (người Tàu) thì nên đổi theo chế độ nước nhà. Đổi may y phục theo tục nước mà thông dụng vải lụa, quan chức mới được dùng, còn gấm vóc và các thứ hoa văn rồng, phượng thì nhất thiết không được quen thói cũ dùng càn. Thường phục thì đàn ông, đàn bà dùng áo cổ đứng ngắn tay, cửa ống tay rộng hẹp tùy tiện. Áo thì hai bên nách trở xuống phải khâu kín liền không cho xẻ mở. Đàn ông có thể mặc áo cổ tròn và hẹp tay cho tiện làm việc đều được. Lễ phục thì dùng áo cổ đứng tay dài, vải xanh chàm hay vải đen, vải trắng”.

Trang phục áo dài, khăn đóng của người Quảng Ngãi ngày xưa. Ảnh: Võ Minh Tuấn      
Trang phục áo dài, khăn đóng của người Quảng Ngãi ngày xưa. Ảnh: Võ Minh Tuấn      

Xưa kia, người Quảng Ngãi đều mặc khố, sau này mới cho cải cách thành quần hai ống để tiện trong sinh hoạt. Đàn ông, đàn bà  để tóc dài, búi tó hoặc thắt khăn đầu hay mặc áo cách nâu, xẻ ngực, cổ tròn, xẻ tà và có hai túi phía dưới. Đây là loại áo ngắn mặc với quần lá tọa ống rộng hoặc loại quần có cạp, dùng dây rút. Trong các ngày lễ, Tết, đàn ông mặc áo dài, đầu đội khăn xếp, quần dài màu trắng. Đó là loại áo dài, xẻ nách phải, không trang trí hoa văn, nếu có chỉ là loại hoa văn dệt cùng tông màu trên vải. Trong nghi lễ, lễ hội thì phải mặc áo dài, khăn đóng, tùy theo thứ bậc đứng tế mà quy định những màu sắc phục đỏ, vàng, đen khác nhau. Hoa văn thêu trên áo thường là chữ “Thọ”, hay chữ “Phúc”, mang ý nghĩa sống thọ, sống phúc đức. Đàn bà mặc áo cánh ngắn vải nâu, phía trong mặc yếm, là loại áo cổ tròn, viền nhỏ. Váy là loại váy kín, có nơi mặc ngắn đến ống chân. Khi ra đường đàn bà thường đội khăn vuông theo lối “mỏ quạ” hoặc đội nón lá.

Người Quảng Ngãi từng tự hào về chiếc áo dài, là loại áo che thân từ cổ đến không quá đầu gối. Áo dài có hai loại, loại xẻ ngực buông vạt không cài cúc, bên trong thường mặc áo cổ xây cho kín đáo, xẻ nách phải cổ đứng. Vì vậy, màu sắc cho chiếc áo dài cũng được quy định rõ ràng, như trong tang ma phải mặc tang phục áo dài màu trắng, đàn bà xõa tóc quấn khăn thành vòng tròn trên đầu, hoặc đội nón lá. Trong lễ cưới thì mặc áo dài đỏ, áo dài xanh, thêu in hoa văn chữ “Phúc”, đầu đội khăn đóng, chân đi hài. Cô dâu mặc áo dài kép, áo trong màu đỏ hay hồng, áo ngoài màu xanh, màu lục có in hoa văn. Những nghệ nhân trình diễn trong lễ hội đua thuyền, diễn xướng dân gian hát sắc bùa, bả trạo, hát bài chòi thường mặc áo cổ tròn, xẻ hai bên hông, viền màu vàng, đỏ, đầu đội khăn đỏ mang biểu tượng của mặt trời.

Đa dạng trang phục của các dân tộc 

Trang phục của đồng bào Ca Dong ngày nay. Ảnh: Đăng Vũ

Trang phục truyền thống của các dân tộc vùng cao Quảng Ngãi có váy, khố và trang phục lễ hội. Từ lâu, đồng bào các dân tộc ở vùng cao đã ý thức đến sắc phục riêng của mình để lưu truyền bản sắc văn hóa dân tộc. Người Hrê có trang phục dệt thổ cẩm gắn với các lễ tục như một người mới sinh ra, hay chết đi đều được nằm trên tấm địu con (ka tăk) dệt bằng vải thổ cẩm. Hoa văn trên vải thổ cẩm là những họa tiết gắn liền với núi rừng, sông nước, cây cối, hoa lá, vạn vật hữu linh, nhân sinh, vũ trụ, với ý nghĩ khi họ mặc vào sẽ được thần linh tiếp thêm sức mạnh. Người Hrê dùng 3 tông màu chủ đạo, đó là đen, trắng đại diện cho đất và nước, màu đỏ đại diện cho thần linh. Đàn ông mặc khố (kapen), trang trí nhiều hoa văn. Phụ nữ mặc váy (kà tu), áo (iu), những chiếc váy của phụ nữ Hrê thường lấy tông màu đen thể hiện sự thanh khiết. Nam nữ đều quấn khăn đội đầu (mu), có những đường hoa văn trang nhã.

Người Cor có sắc phục khác một chút, đàn ông mặc khố là một dải vải màu xanh đen trang trí diềm màu vàng, đỏ, họ khoác lên mình một tấm choàng (xà pôn), có màu sắc giống khố. Đây là trang phục truyền thống mà người đàn ông Cor thường mặc vào dịp đấu chiêng tham gia lễ hội. Phụ nữ Cor mặc váy (kà tu) màu xanh đen hay màu chàm và trang trí ở gấu váy, giữa váy và hông váy cột các băng vải màu vàng, đỏ, trắng, xanh. Áo của phụ nữ Cor màu trắng, bó eo và ngực, thêu hoa văn đỏ, vàng, xanh. Trong dịp lễ, Tết, người Cor mặc trang phục còn cột khăn trên đầu.

Còn với người Ca Dong, đàn ông đóng khố may bằng vải thổ cẩm có màu xanh lục làm chủ đạo và trang trí cách điệu các sọc đỏ, vàng, thân khoác tấm choàng bên vai trái cột ra phía sau lưng, đầu đội khăn đỏ, xếp gấp kiểu mỏ quạ. Phụ nữ Ca Dong còn mặc đồ thổ cẩm của người Hrê, nhưng có lúc mặc áo màu trắng lót bên trong, còn bên ngoài thì khoác tấm vải choàng màu đỏ vắt chéo qua trước ngực. Váy của phụ nữ Ca Dong có đường diềm hoa văn màu vàng, cam pha ít đỏ, trắng, có cài chung quanh chuỗi lục lạc nhỏ; nay chủ yếu là màu xanh đen hoặc đen, dài tới ống chân.

Trang phục là một trong ba yếu tố vật chất “ăn, mặc, ở”, đó là sản phẩm văn hóa của xã hội và cũng được thay đổi theo quá trình phát triển của xã hội. Trang phục là sản phẩm chứa đựng những giá trị tinh thần, thẩm mỹ và nhân văn của từng tộc người ở Quảng Ngãi. Vì vậy, cần phải chú trọng bảo tồn trang phục truyền thống, góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa của người Quảng Ngãi.

VÕ MINH TUẤN


              

 


Ý kiến bạn đọc


.