Thành Quảng Ngãi qua một bản vẽ

09:50, 03/04/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Qua một bản vẽ mà tôi tình cờ biết được sẽ cung cấp thêm cho bạn đọc về thành Quảng Ngãi trước năm 1945, với sự bố trí mặt bằng rất chi tiết.  

Thành Quảng Ngãi xây dựng năm 1815 dưới triều Vua Gia Long, tiết diện vauban (vuông) mỗi cạnh khoảng 500m, diện tích 25ha, kết cấu trong thành ngoài hào, bờ thành đá ong, là nơi quan lại ở để điều hành việc hành chính và quân sự của một tỉnh. Thành Quảng Ngãi đã chứng kiến biết bao sự kiện lịch sử quan trọng diễn ra.

Sơ đồ thành Quảng Ngãi do cụ Nguyễn Đức Trọng vẽ và chú thích.     ẢNH: TL
Sơ đồ thành Quảng Ngãi do cụ Nguyễn Đức Trọng vẽ và chú thích.     ẢNH: TL

Trước đây, trong cuốn sách Từ tỉnh thành đến thành phố Quảng Ngãi (NXB Đà Nẵng, 2006), tôi đã trích sơ đồ thành từ sách Đại Nam nhất thống chí và phân tích về thành Quảng Ngãi. Cụ ông Tạ Ư, ở phường Nghĩa Lộ (TP.Quảng Ngãi), khi còn sống đã nói rằng, đúng ra bình đồ thành không phải hình vuông mà là hình lát khế cắt ngang. Nhiều sách báo viết về lịch sử văn hóa cũng đề cập đến một số khía cạnh khác nhau của thành. Thế nhưng do chủ quan và khách quan (thành đã san bằng từ năm 1947), có nhiều trường hợp vẫn chưa thật rõ và vì thế khi tìm hiểu, tra cứu có những mơ hồ, nhầm lẫn nhất định khó tránh khỏi.

Một dịp tình cờ tôi đọc bản thảo tập sách Sự nghiệp đấu tranh giải phóng và xây dựng kinh tế của nhân dân Quảng Ngãi của cụ Nguyễn Đức Trọng, lúc này đã 82 tuổi, người xã Đức Thạnh (Mộ Đức). Ông cụ từng là Phó Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức, Trưởng phòng Kinh tế của Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh Quảng Ngãi trong thời kháng chiến chống Pháp, sau tập kết ra Bắc lại trở về Nam chiến đấu năm 1972. Trong tập bản thảo (sau này do NXB Thanh niên xuất bản, 2003) có bản sơ đồ thành Quảng Ngãi trước năm 1945, cụ Trọng đã vẽ một cách rõ ràng sự bố trí các cơ quan, có thể giúp ta tra cứu một cách dễ dàng. 

Trước cách mạng Tháng Tám chính quyền thực dân nửa phong kiến nên các cơ quan trong thành cũng có sự “pha trộn” giữa các cơ quan của nhánh thực dân lẫn Nam triều bù nhìn. Nói cách khác, các cơ quan chính quyền phong kiến đã được định chế từ đời Vua Gia Long, đến thời Pháp đặt bộ máy cai trị (năm 1885 trở về sau) thì có thêm các cơ quan của thực dân cấp tỉnh đóng ở trong thành. Ngoài các trục lộ chính nối với bên ngoài, trong thành cũng có các “đường nội bộ” được chia thành các ô vuông.

Bản vẽ của cụ Nguyễn Đức Trọng thể hiện mặt bằng thành Quảng Ngãi theo kiểu vauban hay hình lát khế. Thành có trục đông - tây là đường Lê Trung Đình hiện nay, chia thành làm hai phần: Phần phía nam và phần phía bắc.

Theo bản vẽ của cụ Nguyễn Đức Trọng, thì phần phía bắc của thành Quảng Ngãi, lần lượt từ tây sang đông có dinh Án sát (tức dinh quan phó tỉnh, nhìn ra trục chính), một khoảng không ở giữa, ở góc tây bắc thành là nhà lao; phía đông của dinh Án sát là vườn hoa nhỏ và bưu điện, tiếp đến là dinh Tuần vũ (quan đầu tỉnh) nằm ở giữa, phía đông dinh Tuần vũ là dinh Lãnh binh (có lẽ là mặt bằng Bộ CHQS tỉnh hiện nay), tiếp đó là Sở Lục lộ (lo việc giao thông), ở sát cửa đông. Phía sau dinh Tuần vũ có nhà Học chính, phía sau Sở Lục lộ có trường nữ, nhà thương ở góc đông bắc thành. Ngoài ra, ở phía tây của cửa Bắc còn có nhà Phó sứ (Pháp).

Phần phía nam của thành, từ tây sang đông lần lượt là Đồn bảo an (có lẽ là khu vực trụ sở Tỉnh ủy hiện nay) đối diện dinh Án sát, kế đến là Trường Nam, Hành cung (nhà để Vua dừng chân trên đường đi hành hạt nằm ở giữa, đối diện dinh Tuần vũ), phía sau hành cung là sân tennis, kho bạc, tiếp đến ở vùng đông nam thành khá rộng rãi là khu vực công sứ (Pháp), có tòa công sứ, nhà công sứ (sâu bên trong, có thể nay là khuôn viên Sở Tài chính và trường học, nhà dân) đối diện Sở Lục lộ và Lãnh binh.          

Tác giả cũng ghi chú khá cụ thể phần ở ngoài thành. Phần đất hơi chếch về góc thành tây nam có trường tập, sân tennis. Phần đất từ cạnh phía tây thành đến ngã tư chính ngày nay có trục đường (nay là đường Lê Trung Đình) phân cắt hai phần bắc và nam. Phần phía bắc con đường, tính từ thành lên tây giáp đường chính Bắc - Nam (nay là đường Quang Trung) có Photo (tiệm ảnh) Bà Thìn, Nhà đèn (máy phát điện), Nhà hàng Trương Quang Luyến, Photo Mai Ngôn, Photo Đông Anh, đến giáp ngã tư chính có Sửa xe Quảng An. Phần phía nam con đường, lần lượt có sở thú y, hỏa xa (xe lửa), nhà phó mật thám, sở căn cước. Nhích lên phía tây có chợ tỉnh, phía nam chợ tỉnh có đàn xã tắc, sở mật thám. Phía tây chợ tỉnh có nhà bang tá, đến Bán kem, Phố Tài, Tịnh Phú, Quản Hòe (có lẽ là các hiệu buôn, giáp ngã tư chính).

Thành Quảng Ngãi là trung tâm hành chính, quân sự của triều đình phong kiến và thực dân Pháp trong phạm vi tỉnh Quảng Ngãi, ra đời cách nay trên 200 năm, có liên quan đến những sự kiện lịch sử quan trọng như cuộc khởi nghĩa Cần vương của Lê Trung Đình - Nguyễn Tự Tân (1885), cuộc khởi nghĩa Cần vương của Thái Thú và Nguyễn Vịnh (1894), phong trào khất thuế cự sưu (1908) với các nhân vật Lê Khiết, Nguyễn Bá Loan, nơi các chí sĩ yêu nước trong Việt Nam Quang phục hội bị giam cầm trước khi bị xử chém như Nguyễn Thụy (1916), nơi các chiến sĩ cộng sản Quảng Ngãi bị giam cầm và sát hại, trong đó có Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Nguyễn Nghiêm (1931)...

Cụ Nguyễn Đức Trọng đã qua đời nên không thể hỏi thêm gì về sơ đồ này. Tuy vậy, sự tỉ mẩn kỳ công cũng như vốn hiểu biết tường tận của cụ đã để lại một tư liệu quý cho nhiều người tra cứu về thành Quảng Ngãi.

CAO CHƯ

 


Ý kiến bạn đọc


.