Thơ Bùi Trọng Hiển: Đong đầy nỗi nhớ quê

10:03, 26/03/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Sinh năm 1971 tại TP.Quảng Ngãi, đang công tác tại TP.Hồ Chí Minh, Bùi Trọng Hiển được nhiều người biết đến là “luật sư của người nghèo”. Anh đã đến với thơ, xuất bản hai ấn phẩm "Vầng trăng xanh cõi mộng" và "Khởi từ uyên nguyên ra biển rạng". 
 
Cũng như bao người con Quảng Ngãi ly hương, nỗi nhớ quê hương luôn đong đầy trong tâm thức và hiển hiện trong thơ Bùi Trọng Hiển. Đó là dòng sông Trà “lượn lờ uốn khúc” và “vàng” lên nỗi nhớ khôn nguôi: "Một sớm tôi về thăm lại dòng sông/ Trà Giang xưa vẫn lượn lờ uốn khúc/ Cát đôi bờ vẫn một màu vàng mượt/ Gặp con đò lặng lẽ một mình trôi" (Về thăm lại Trà Giang).
 
(Báo Quảng Ngãi)- Sinh năm 1971 tại TP.Quảng Ngãi, đang công tác tại TP.Hồ Chí Minh, Bùi Trọng Hiển được nhiều người biết đến là “luật sư của người nghèo”. Anh đã đến với thơ, xuất bản hai ấn phẩm
Nhà thơ Bùi Trọng Hiển và bìa các tập thơ. Ảnh: MAI BÁ ẤN .
Là núi Ấn với ngôi chùa cổ nổi danh cùng huyền thoại về “giếng Phật, chuông Thần”: "Nơi đây cổ tự ẩn non xanh/ Linh khí ngàn xưa tụ đất lành/ Giếng cổ thâm nâu sâu mạch nước/ Chuông đồng ngân vọng thức u linh (Viếng chùa Thiên Ấn). Là những làng quê “thấp thoáng ụ rơm vàng”: "Thấp thoáng xa ụ rơm vàng trong nắng/ Bếp khói lam tiễn bước người ra đồng" (Về thăm lại Trà Giang); là những ngọn đồi tuổi thơ biếc một màu hoa sim tím: "Thôi đành nhặt cánh hoa sim/Nhớ nhung nhuộm tím một miền hoàng hôn" (Buổi ta về).
 
Và nhắc đến Quảng Ngãi xưa là nhắc đến một vùng đất với “mùi thanh vị ngọt” của đặc sản mía đường nổi danh cả nước: "Dường như tim đã vấn vương/ Mùi thanh vị ngọt của đường mía nâu" (Người em Quảng Ngãi). Hay như "Tôi đưa người ấy sang sông/ Thương con cá bống giữa dòng" (Đưa người sang sông); là tô don thơm mát, cay nồng, ray rứt một vị quê "Thăm Thành cổ, mình ăn don/ Vị hương đặc sản món ngon sông Trà" (Người em Quảng Ngãi).
 
Và tất nhiên, như một “mật mã” của thi ca, nỗi nhớ quê luôn song hành cùng nỗi nhớ những người thân. Đó là người mẹ tảo tần "Chiều nay con nhớ quê xa/ Nhớ nơi bến nước gốc đa, mẹ chờ" (Mẹ tôi)... Nỗi nhớ người yêu hòa tan cùng nỗi nhớ quê hương "Người ở bên trời, ta ở đây/ Bao nhiêu thương nhớ thắp đêm ngày/ Thắp trong màu nắng vàng quê cũ/ Thắp nến cô đơn nỗi vắn dài (Vườn xưa).
 
Vọng tưởng về quê của người xa quê thường vọng về những cái đã qua, đã thuộc về quá khứ, nhưng ở Bùi Trọng Hiển, những cái mới đã và đang hình thành trên quê hương đều được anh ghi lại. "Tôi lang thang dạo bước quãng đê dài/ Lòng bâng khuâng nhớ những bờ xe nước/ Rồi tự nhủ: Ấy hồn quê thuở trước/ Còn bây giờ đã có nước Thạch Nham"  (Về thăm lại Trà Giang). Thắng cảnh xưa hòa nhịp cùng những cảnh đẹp hôm nay, tạo nên trong thơ Bùi Trọng Hiển một Quảng Ngãi xưa và nay vô cùng thi vị. "Cùng em thăm những miền quê/ Bình Sơn, Thiên Ấn, Mỹ Khê, Trà Bồng/ Cùng nhau đón sớm hừng đông/ Trên cầu Cổ Lũy mênh mông đôi bờ/ Về Thạch Bích cảnh nên thơ/ Tà dương khuất bóng cuối bờ tre xanh/ Qua La Hà, em với anh/ Cùng xem thạch trận đá xanh có còn (Người em Quảng Ngãi).
 
Đọc thơ Bùi Trọng Hiển, ta được đọc cả những địa danh nổi tiếng, những đặc sản quê hương đầy sức lay động và mời gọi. Có cảm giác như nỗi nhớ quê trong anh cứ réo gọi nhau về. Nhiều đêm thức trắng cùng nỗi nhớ để nghe dế giun than thở với chính mình: "Nhớ quê thổn thức nhiều đêm trắng/ Giun dế chạnh lòng cũng thở than" (Trăng viễn xứ). Cùng cảnh ngộ ly hương, qua thơ Bùi Trọng Hiển, tôi tin rằng hồn thơ anh chính là một mảnh “hồn xanh” của dòng sông Trà. "Hồn xanh như nước Trà Giang cũ/ Sớm tối đò ngang những chuyến thơ"  (Hồn thơ xanh). Thế mới biết, trong đời người, nguồn cội, quê hương chính là suối nguồn của mọi tình yêu thiêng liêng... 
 
MAI BÁ ẤN
 
 
 

.