(Báo Quảng Ngãi)- Lần đầu tiên, 15 di sản văn hóa phi vật thể (VHPVT) của Việt Nam được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh, hội tụ tại TP.Việt Trì (Phú Thọ) trong dịp Lễ hội đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ năm 2023, diễn ra từ ngày 20 - 29/4/2023 (tức từ ngày mùng 1/3 đến hết ngày 10/3 năm Quý Mão), do UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức.
Tối 21/4, tại Quảng trường Hùng Vương, TP.Việt Trì, Lễ hội đền Hùng, Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ năm 2023 đã chính thức được bắt đầu với chương trình nghệ thuật chào mừng có chủ đề “Linh thiêng nguồn cội - Đất Tổ Hùng Vương” nhằm tôn vinh giá trị Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; chào đón đồng bào và du khách về thăm miền đất Tổ Vua Hùng trong dịp giỗ Tổ; đồng thời giới thiệu 15 loại hình di sản văn hóa phi vật thể của 13 tỉnh, thành phố đã được UNESCO ghi danh.
Biểu diễn nghệ thuật bài chòi Trung Bộ. Ảnh: Phương Thanh |
Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Phú Thọ Nguyễn Đắc Thủy cho biết, giỗ Tổ năm nay, toàn bộ phần Lễ (do UBND tỉnh Phú Thọ chủ trì) giữ nguyên theo các nghi thức truyền thống, riêng phần hội rất nhiều điểm mới. Đặc biệt là tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ, trọng tâm là Tuần lễ di sản do Bộ VH-TT&DL phối hợp với tỉnh Phú Thọ tổ chức Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể toàn quốc được UNESCO ghi danh. Đây là lần đầu tiên liên hoan trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh được tổ chức ở quy mô quốc gia, với 15 di sản ở cả hai danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Bên cạnh các hoạt động giới thiệu văn hóa đặc trưng của tỉnh Phú Thọ, du khách được tham quan, trải nghiệm, thưởng thức tinh hoa di sản Việt Nam trong không gian đậm đặc di sản, không gian văn hóa đặc sắc vùng kinh đô của cả nước. Tại Quảng trường Hùng Vương, du khách lần lượt được trải nghiệm các di sản đến từ đoàn nghệ nhân 13 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Thuận và Đắk Lắk. Các đoàn nghệ thuật trình diễn các di sản: Nhã nhạc cung đình Huế; không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; dân ca quan họ Bắc Ninh; nghệ thuật ca trù; hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc; nghệ thuật hát Xoan; tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ; dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh; nghi lễ và trò chơi kéo co; thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; nghệ thuật bài chòi Trung Bộ; thực hành then của người Tày, Nùng, Thái; nghệ thuật xòe Thái; nghệ thuật làm gốm của người Chăm.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và hát Xoan Phú Thọ mang đậm nét văn hóa đất Tổ. Ảnh: Phương Thanh |
Các diễn viên, nghệ nhân của đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu đã nhận được nhiều sự yêu mến của đông đảo nhân dân và du khách thập phương dành cho các tiết mục đờn ca tài tử. Chị Phạm Thị Thu Vân (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) chia sẻ, đây là lần đầu tiên tôi ra miền Bắc, đến với vùng đất Tổ - cội nguồn của dân tộc nên cảm xúc rất hồi hộp. Nhưng thật bất ngờ, các buổi biểu diễn của đoàn nhận được sự theo dõi, những tràng pháo tay của rất đông khán giả. Điều đó khiến mỗi thành viên trong đoàn đều cảm thấy tự hào khi di sản văn hóa của quê hương mình được đón nhận.
Những lời ca của các liền anh, liền chị quan họ Bắc Ninh như vấn vít, như níu kéo bước chân của các khán giả đến thưởng thức không gian thực hành và trưng bày di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh. Anh Nguyễn Văn Cừ, CLB Khu Đào Xá, phường Phong Tê, TP.Bắc Ninh (Bắc Ninh) chia sẻ, đây là lần đầu tiên tôi tham gia biểu diễn các tiết mục dân ca quan họ phục vụ đồng bào cả nước hành hương về với đất Tổ. Tôi cũng như các thành viên trong đoàn đều cảm thấy tự hào khi di sản văn hóa của quê hương mình được vang lên trong không gian văn hóa của nhiều địa phương trong cả nước. Mỗi địa phương lại mang đến những sắc màu văn hóa đặc trưng. Đây sẽ là dịp để chúng tôi có cơ hội quảng bá, lan tỏa các di sản văn hóa phi vật thể đến cộng đồng.
Biểu diễn Đờn ca Tài tử Nam Bộ. Ảnh: Phương Thanh |
Là đơn vị chủ nhà, những nghệ nhân, diễn viên của Phú Thọ mang đến không gian văn hóa với các phần trình diễn Tín ngường thờ cúng Hùng Vương và hát Xoan Phú Thọ. Bà Nguyễn Thị Thanh, phường Minh Nông, TP.Việt Trì cùng các thành viên trong đoàn tái hiện lại hình ảnh Vua Hùng dạy dân cấy lúa. Bà Thanh chia sẻ, chúng tôi đã rất phấn khởi khi được tham gia vào các hoạt động của lễ hội, được giới thiệu các nét văn hóa đặc trưng của quê hương đón du khách thập phương. Giữa không gian di sản của các tỉnh, thành phố, tôi tự hào khi các di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và hát Xoan của Phú Thọ được nhiều du khách đến thưởng thức.
Ngay trong Lễ khai mạc Lễ hội đền Hùng và Tuần Văn hóa- Du lịch đất Tổ, các đại biểu, nhân dân và du khách thập phương đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc của chương trình nghệ thuật với các phần trình diễn của các đoàn nghệ thuật dân gian. Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã khẳng định: “Linh thiêng nguồn cội - Đất Tổ Hùng Vương” là nơi hội tụ của các tinh hoa di sản văn hóa của mọi miền Tổ quốc, sẽ mang đến cho du khách và nhân dân hành hương về với cội nguồn dân tộc những trải nghiệm sâu sắc, để hiểu thêm, yêu hơn và càng tự hào về đất nước, văn hóa và con người Việt Nam”.
HÀ PHƯƠNG - CẨM NHUNG