(Báo Quảng Ngãi)- Từ lâu, huyện Tư Nghĩa được mệnh danh là thủ phủ của nghề trồng hoa ở Quảng Ngãi. Người dân nơi đây đang kỳ vọng sẽ mở rộng diện tích và hướng đến ngành chế biến, dịch vụ từ hoa...
Tháng Chạp, mưa phùn. Trong vườn nhà, hoa cúc bắt đầu hé nụ, phô sắc vàng. Những tư thương từ các nơi đổ về mua hoa.
Bắt nhịp thị trường
Anh Võ Luận ở khu dân cư số 4 thị trấn Sông Vệ nói, từ cuối tháng 11, ở đây đã đón tư thương từ nhiều nơi đổ về đặt cọc mua hoa. Rồi sau đó, mình bỏ công chăm bón để bây giờ mối hàng đến chốt giá lấy hàng. So với mọi năm, năm nay thời tiết thuận lợi nên hoa xinh hơn nhiều. Tôi trồng 500 chậu hoa, chậu nào cũng xinh, cũng đẹp.
Ở vùng ven sông Vệ lâu rồi bà con trồng hoa cúc. Ban đầu bán ở thị trường nội tỉnh, rồi sau đó bán ra các tỉnh lân cận và bây giờ thị trường rộng mở ở nhiều tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Để có những chậu hoa đẹp hấp dẫn người tiêu dùng là cả sự cố gắng. Do nằm bên sông nên hầu như năm nào lũ lụt cũng “ghé thăm”. Nhà vườn đành lấy chậu cũ kê xuống dưới đưa chậu hoa lên cao. Thế nhưng có năm lụt lớn nước ngập tơi bời. Tiền của, công sức trôi theo dòng nước.
Từ thực tế này, nhà vườn bèn sáng tạo cho chậu hoa “ngồi” ghế nhựa. Nước dâng lên thì di chuyển lên cao hơn hoặc bắt thêm ghế cho chậu hoa. Ba năm trở lại đây, ở Quảng Ngãi không có lũ lớn nên không ảnh hưởng nhiều đến nghề trồng hoa. Mặt khác, Nhà nước cũng đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây kè sông Vệ ngăn chặn con nước lũ quét đôi bờ.
Người dân hái hoa cúc kim để ướp trà hoa cúc. |
Nhà vườn lệ thường tháng 2 âm lịch hằng năm là lo đúc chậu. Đến trung tuần tháng 8 âm lịch thì lên Đà Lạt mua cây giống đem về trồng. Chị Lê Thị Ny, ở thôn Thế Bình, xã Nghĩa Hiệp đã nhiều năm gắn bó với nghề trồng hoa bộc bạch, trồng hoa là để kiếm sống, để có thu nhập. Nhưng trồng hoa cũng để thưởng thức sắc màu. Vậy nên chẳng ai nói với ai, nhưng nhà nhà đều thi nhau bỏ công, bỏ sức để hoa của mình thêm đẹp, hấp dẫn các tư thương.
Mùa đông năm nay mưa nhiều nên nhà vườn lo kiểm tra, rồi bơm thuốc chống nấm để giữ lá chân của những chậu hoa, hoặc trời đang nắng mưa trút xuống là vội vàng bơm nước tưới hoa để giải phóng hàm lượng axit cao có trong nước mưa làm cho cây nẫu cánh, rụi ngọn. Người xa tới thấy trời mới mưa mà bắt vòi bơm tưới thì thật lạ kỳ.
Người dân năng động
Hoa cúc trồng chậu có nhiều loại. Trước đây nhà vườn trồng hoa loại chậu có đường kính 50cm. Rồi theo nhu cầu của thị trường nên tiến tới đúc chậu có đường kính lên 70cm hoặc một mét. Song hoa cúc cũng như bao thứ vật phẩm trên đời luôn chịu sự cạnh tranh, tác động của thị trường. Nếu như trước đây người mua hoa chọn hoa cúc để chưng trong nhà ba ngày Tết, thì bây giờ, ngoài cây hoa cúc, người tiêu dùng có thể chọn cây mai dáng thế đẹp hoặc chậu hoa li, hoa lay ơn hay địa lan nuôi cấy mô để chưng trong nhà thay thế vị trí của cây hoa cúc ngày xưa. Muốn thương lái, người tiêu dùng rút hầu bao thì chậu hoa phải đẹp và giá cả cũng phải mềm hơn“.
Anh Trần Quang Trung ở thôn Đồng Viên, xã Nghĩa Hiệp cho biết, chính sự trỗi dậy, sự cạnh tranh của nghề, đòi hỏi các nhà vườn phải năng động hơn. Anh Trung và nhiều hộ đã lên Đà Lạt lấy giống hoa cúc từ cơ sở nuôi cấy mô chuyển về đây giâm cành để trồng và để bán cho bà con xung quanh và bán luôn cho một số cơ sở trồng hoa cúc ở tỉnh ngoài. Cách làm này vừa kiếm thêm tiền mà cây giống cũng sạch bệnh hơn.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Hiệp Lê Thanh Tuyền cho hay, cũng từ nghề trồng hoa cúc, một số hộ năng động đa dạng nghề trồng hoa bằng cách trồng thêm giống hoa hồng Pháp, hoa mào gà, vạn thọ.
Rồi cũng từ nghề trồng hoa, một số hộ dân vùng ven sông Vệ chuyển sang làm cơ sở đúc chậu hoa bán buôn trong tỉnh lẫn ngoài tỉnh. Ngoài những mẫu đúc sẵn, bà con còn nhận đúc những mẫu chậu theo lựa chọn của người tiêu dùng.
Cơ hội để phát triển
Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiệp Võ Thị Thịnh nhẩm tính, toàn xã hiện có hơn 600 hộ trồng hoa, chủ yếu là hoa cúc. Mỗi năm doanh thu 43 tỷ đồng. Tháng 1/2023, Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu hoa Nghĩa Hiệp đem lại niềm vui, sự hy vọng mới cho các nhà vườn. Rồi tháng 5/2023 hộ nông dân Võ Văn Vân đã được công nhận sản phẩm OCOP với bộ hoa cúc, hoa hồng và dạ yến thảo là sự động viên của địa phương trong việc phát triển nghề trồng hoa.
Nói rồi, chị Thịnh pha ấm trà hoa cúc lấy từ túi lọc chân không ra mời khách. Chén nước trà hương thơm nhẹ, có tác dụng chữa cảm lạnh, an thần. Chị “bật mí”, ở đây đã có hộ dân thử nghiệm chế biến trà hoa cúc. Để làm loại trà này phải chọn nơi đất sạch, hoa trồng không được phun thuốc trừ sâu và công đoạn xử lý hoa ướp trà phải đem sấy nhiệt hoặc sấy lạnh mới giữ được dưỡng chất và sắc màu của hoa. Sau đó, chị Thịnh đưa tôi ra xem nơi trồng hoa cúc để lấy hoa chế biến ướp trà. Đó là đám cúc kim đang phô sắc vàng.
Thực ra, trà hoa cúc đã được trồng chế biến và trở thành thương hiệu ở tỉnh Ninh Bình và trước kia trên đường Nguyễn Công Phương (TP.Quảng Ngãi) cũng có cơ sở chế biến trà hoa cúc. Việc trồng và thử nghiệm trà hoa cúc cũng là giấc mơ hoa của người trồng hoa ven sông Vệ này.
Phó chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Trần Thiên Thanh cũng nói nhiều về những giấc mơ hoa. Anh nói, nghề trồng hoa mà đa phần là hoa cúc đã được trồng ven sông Vệ nửa thế kỷ rồi. Bây giờ huyện đang triển khai kế hoạch trồng hoa ở những xã phía tây của huyện bên bờ sông Trà Khúc trên cơ sở đa dạng các loại hoa. Nghề nào cũng chịu sự tác động, sự cạnh tranh của thị trường. Do vậy, hướng đi của huyện là không chỉ dừng lại ở những hộ dân mà sẽ mời gọi những doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất và thu mua để phát triển nghề.
Tôi hiểu hơn về những giấc mơ hoa trên cánh đồng Tư Nghĩa. Bởi trồng lúa, trồng bắp là để đảm bảo an ninh lương thực. Còn để có đồng ra đồng vào thì cần phải trồng những loài cây khác. Từ thành công của nghề trồng hoa ven sông Vệ đã mở hướng trồng hoa ven sông Trà; từ trồng hoa nghĩ ra cách chế biến trà hoa cúc, hình thành những cơ sở sản xuất và cung ứng chậu hoa là bắt đầu từ thực tế. Vậy nên những giấc mơ hoa ở Tư Nghĩa nào có xa đâu!
Bài, ảnh: CẨM THƯ
TIN, BÀI LIÊN QUAN: