(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều chính sách giảm nghèo được triển khai hiệu quả, cộng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân đã giúp nhiều hộ nghèo trên địa bàn huyện Minh Long có điều kiện phát triển sản xuất. Nhờ đó, nhiều hộ nghèo đã nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Giảm nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 được thực hiện trên 6 lĩnh vực cơ bản, gồm: Việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, thông tin, nước sinh hoạt và vệ sinh. Chính quyền và người dân huyện Minh Long đang nỗ lực triển khai thực hiện các chương trình giảm nghèo đảm bảo ngày càng thực chất, “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Cán bộ xã Long Sơn (Minh Long) hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng các dịch vụ viễn thông công ích trên điện thoại thông minh, để cập nhật những thông tin hữu ích. |
Đa dạng sinh kế
Từ nhiều nguồn lực, huyện Minh Long đã tập trung hỗ trợ sinh kế cho người dân qua các mô hình thiết thực và cụ thể, phù hợp với điều kiện canh tác cũng như tiềm năng và thế mạnh của địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện và nhân rộng, phát triển các mô hình phát triển sản xuất hiệu quả gắn với tạo việc làm, đa dạng sinh kế. Chuyển từ hỗ trợ sinh kế theo kiểu "cho không" sang kèm theo điều kiện, để các hộ nghèo, hộ cận nghèo thay đổi nhận thức, nỗ lực phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống. Nhờ đó, nhiều hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện đã tiếp cận kiến thức, cải tiến phương thức trồng trọt, chăn nuôi, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Lao động làm việc tại cơ sở sản xuất bánh tráng Hoàng Long, xã Long Hiệp (Minh Long). |
Ông Đinh Thiên Chiếu, ở thôn Trung Thượng, xã Long Mai chia sẻ, được Nhà nước hỗ trợ giống vật nuôi, tạo điều kiện vay vốn ưu đãi nên gia đình tôi đã đầu tư chuồng trại để chăn nuôi trâu và gia tăng đàn gà, vịt. Bản thân tôi cũng tìm hiểu, học hỏi và áp dụng các biện pháp phòng, tránh dịch bệnh; tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ cho đàn vật nuôi; trồng cỏ, xây nhà chứa rơm rạ để chủ động nguồn thức ăn cho gia súc trong mùa mưa. Nhờ vậy, đàn trâu và gà, vịt phát triển tốt, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
Không chỉ ông Chiếu, mà nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Minh Long cũng nỗ lực, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo. Trong năm 2023, toàn huyện có 231 hộ thoát nghèo. Nhiều hộ có điều kiện cải tạo, xây mới nhà ở khang trang, cuộc sống dần khấm khá.
Huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền và hỗ trợ người dân, nhất là hộ nghèo sử dụng các dịch vụ viễn thông công ích nhằm chủ động tiếp cận thông tin, chính sách cũng như học hỏi kinh nghiệm, giải pháp để phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập và thoát nghèo bền vững. Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các đài truyền thanh xã; lắp đặt cụm loa truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông, gắn với nâng cao năng lực cho cán bộ văn hóa, thông tin ở cơ sở. Qua đó, góp phần “làm giàu” thông tin cho người dân, đặc biệt là đối với hộ nghèo nhằm đảm bảo hiệu quả giảm nghèo đa chiều, bền vững”. Chủ tịch UBND huyện Minh Long ĐINH VĂN ĐIẾT |
Chủ tịch UBND huyện Minh Long Đinh Văn Điết cho biết, xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, những năm qua, huyện đã tập trung thực hiện tốt các chính sách, dự án giúp người dân thoát nghèo. Cùng với đó là, nhân rộng mô hình giảm nghèo gắn với đào tạo nghề, giải quyết việc làm và hỗ trợ sinh kế phù hợp nhu cầu người dân. Đặc biệt, huyện lan tỏa sâu rộng mô hình “Cán bộ, đảng viên đồng hành cùng nhân dân trong công tác giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025”, gắn với đẩy mạnh phong trào thi đua “Minh Long chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Tuyên truyền, vận động người dân phát huy nội lực theo phương châm “người dân tự vươn lên thoát nghèo, có sự hỗ trợ của Nhà nước và được cộng đồng giúp đỡ”. Qua đó, khơi dậy ý chí thoát nghèo, vươn lên làm giàu của người dân, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo năm 2024 là giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 16,7% xuống còn khoảng 11%.
Chú trọng tuyên truyền
Song song với phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo về thông tin cũng được xem là một “lối mở” giúp người dân tiếp cận, nắm bắt nhiều kiến thức hữu ích. Chủ tịch UBND xã Long Mai Trần Văn Lịch cho biết, để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, thời gian qua, xã đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền. Hiện các thôn trên địa bàn xã đã có Internet, phủ sóng mạng 4G và 7 cụm loa truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông. Qua đó, giúp người dân dễ dàng hơn trong tiếp cận thông tin, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất cũng như bán hàng trên các sàn thương mại điện tử.
Ông Đinh Thiên Chiếu, ở thôn Trung Thượng, xã Long Mai (Minh Long), vươn lên thoát nghèo, nhờ chăn nuôi. |
Bên cạnh đó, điểm cung cấp dịch vụ bưu chính công cộng được đầu tư nâng cấp, vừa phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền địa phương, vừa đáp ứng nhu cầu trao đổi thông tin liên lạc, sử dụng dịch vụ bưu chính của người dân trên địa bàn. Đây cũng là điểm phục vụ miễn phí cho người dân đọc sách, báo, tạp chí; cung cấp dịch vụ truy cập Internet băng thông rộng để người dân khai thác các thông tin thiết yếu, sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Ông Đinh Văn Ngang, ở thôn Làng Trê, xã Long Môn bày tỏ, ngoài đọc sách, báo thì tại các điểm cung cấp dịch vụ bưu chính công cộng, tôi được cán bộ hướng dẫn sử dụng các thiết bị điện tử, truy cập Internet để xem các mô hình sản xuất, chăn nuôi hiệu quả. Từ đó, tôi học hỏi và áp dụng cách chăm sóc cây trồng, vật nuôi, biện pháp phòng trừ dịch bệnh. Nhờ vậy, năng suất và sản lượng lúa ngày càng cao, đàn trâu khỏe mạnh giúp gia đình có thêm thu nhập.
Theo Trưởng phòng VH-TT huyện Minh Long Nguyễn Thị Thanh Hòa, thông qua công tác tuyên truyền, huyện đã truyền tải kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến nhân dân. Đồng thời, giúp người dân thay đổi nhận thức, hiểu rõ ý nghĩa, mục đích của công tác giảm nghèo, từ đó quyết tâm vươn lên thoát nghèo bền vững. Ngoài tuyên truyền qua pa nô, áp phích hoặc lồng ghép qua các hội nghị, huyện cũng đã tranh thủ các nguồn lực, cùng với Sở TT&TT đầu tư lắp đặt 25 cụm loa truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông tại các xã Long Hiệp, Long Mai và Long Môn.
Trên địa bàn huyện hiện có 5 điểm cung cấp dịch vụ bưu chính công cộng, từ sách, báo, tạp chí điện tử đến truy cập Internet băng thông rộng, góp phần rút ngắn khoảng cách thông tin giữa các địa phương, khu vực. Ngoài ra, huyện cũng tạo điều kiện để các đơn vị viễn thông nâng cấp hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn, đảm bảo chất lượng dịch vụ viễn thông và Internet.
Bài, ảnh: MỸ HOA
TIN, BÀI LIÊN QUAN: