(Báo Quảng Ngãi)- Huyện Sơn Hà đã tranh thủ các nguồn lực để đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống y tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) ban đầu cho nhân dân.
Huyện Sơn Hà hiện có gần 83% đồng bào DTTS sinh sống. Để không ngừng nâng cao chất lượng KCB cho nhân dân trên địa bàn, những năm qua, Trung tâm Y tế huyện đã nỗ lực đổi mới, cải tiến lề lối làm việc, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đáp ứng yêu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Đảm bảo công tác khám, chữa bệnh
Ở cách xa Trung tâm Y tế huyện hơn 35km, nên mỗi khi ốm đau, đa số người dân ở xã Sơn Ba (Sơn Hà) đến Trạm Y tế xã để khám, điều trị bệnh. Trong năm 2024, Trạm Y tế xã Sơn Ba đã khám, cấp phát thuốc cho hơn 1.700 lượt người, thực hiện điều trị cho hơn 1.000 lượt người và chuyển viện lên tuyến trên 7 ca bệnh nặng. Trạm cũng đã tổ chức nhiều đợt về tận các thôn để khám sàng lọc sức khỏe cho người dân. Ông Đinh Quang Lã, ở xã Sơn Ba chia sẻ, bác sĩ ở Trạm Y tế xã nhiệt tình, chuyên môn tốt nên tôi rất yên tâm. Tôi được cấp phát thẻ BHYT nên việc KCB tại xã rất thuận lợi. Khi nào bệnh nặng tôi mới đến Trung tâm Y tế huyện hoặc xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
![]() |
Bác sĩ Trạm Y tế xã Sơn Thành (Sơn Hà) khám sàng lọc sức khỏe cho người cao tuổi trên địa bàn. |
Trạm trưởng Trạm Y tế xã Sơn Ba Phạm Văn Trường cho biết, cùng với việc hoàn thành tốt kế hoạch khám bệnh ban đầu cho nhân dân, công tác tiêm chủng cũng được Trạm Y tế xã thực hiện hiệu quả. Công tác chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em, nâng cao tầm vóc, thể lực cho đồng bào DTTS cũng được chú trọng. Bên cạnh đó, trạm đã phối hợp với các hội, đoàn thể, chính quyền địa phương lồng ghép tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh, nhất là các bệnh theo mùa, hướng dẫn người dân đảm bảo công tác an toàn vệ sinh thực phẩm…
Trong năm 2024, huyện Sơn Hà đã triển khai thực hiện có hiệu quả Dự án 7 về nâng cao thể trạng, tầm vóc đồng bào DTTS; phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em; Tiểu dự án 3 (Dự án 10) về kiểm tra, giám sát, đánh giá, đào tạo, tập huấn... thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Nhờ đó, chất lượng KCB được nâng cao rõ rệt. Người dân được tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản và thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Đồng thời, người dân được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại; nâng cao thể trạng, tầm vóc đồng bào DTTS. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm dần qua từng năm. Cụ thể, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi thể thấp còi năm 2022 là 28,8%, đến năm 2023 giảm còn 27%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân năm 2022 là 22,2%, đến năm 2023 giảm còn 20,9%.
Tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở
Cùng với hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, những năm qua, huyện Sơn Hà đã quan tâm dành các nguồn lực đầu tư hàng chục tỷ đồng để nâng cấp và xây mới các trạm y tế xã. Các trạm y tế được xây dựng khang trang, đầy đủ các phòng chức năng và đầu tư trang thiết bị y tế theo tiêu chí của Bộ Y tế quy định. Hiện 13/14 trạm y tế trên địa bàn huyện đều đạt chuẩn quốc gia về y tế, đáp ứng nhu cầu KCB ban đầu cho nhân dân.
![]() |
Trạm Y tế xã Sơn Giang (Sơn Hà) được đầu tư xây dựng mới năm 2021, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn. |
Trạm trưởng Trạm Y tế xã Sơn Giang Đinh Thị Xuân Viện cho hay, năm 2021, Trạm Y tế xã được đầu tư xây dựng mới khang trang. Hiện tại, trạm có 2 bác sĩ, thay ca trực 24/24 giờ nên đảm bảo cấp cứu, thăm khám, điều trị hoặc sơ cứu, chuyển viện kịp thời các ca bệnh nặng lên tuyến trên. Vì vậy, số lượng bệnh nhân đến KCB tại trạm ngày càng nhiều. Trung bình mỗi ngày có khoảng 10 lượt người đến KCB.
Công tác đào tạo nguồn nhân lực y tế trên địa bàn huyện được chú trọng thực hiện. Hằng năm, đội ngũ nhân viên y tế được tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ nhằm nâng cao tay nghề. Hiện các trạm y tế trên địa bàn huyện đều có từ 1 - 2 bác sĩ và đã hoàn thành chương trình “bác sĩ cho mọi nhà”, đáp ứng yêu cầu KCB ban đầu cho nhân dân. Nhiều cán bộ y tế là người dân tộc Hrê sau khi được đào tạo đã trở về công tác tại địa phương. Nhờ đó, công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng đồng bào DTTS không ngừng được cải thiện, nhất là đối với trẻ em, phụ nữ mang thai, người cao tuổi.
Bác sĩ Đinh Văn Thành, người dân tộc Hrê, công tác tại Trạm Y tế xã Sơn Giang chia sẻ, tôi học y sĩ rồi về công tác tại Trạm Y tế xã Sơn Giang. Sau đó, tôi tiếp tục học để trở thành bác sĩ, đến nay thời gian công tác ở trạm đã 28 năm. Vừa rồi, tôi cũng đã được tập huấn chương trình “bác sĩ cho mọi nhà” và hoàn thành khóa học về vận hành một số máy móc như máy điện tim, siêu âm.
![]() |
Trạm Y tế xã Sơn Giang (Sơn Hà) được đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân. |
Theo Trưởng phòng Y tế huyện Sơn Hà Nguyễn Hồng Sơn, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác y tế cơ sở trên địa bàn huyện vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Trong năm 2025, ngành y tế huyện tiếp tục quan tâm đầu tư để nâng cao chất lượng KCB. Vì thế, trong đó, tăng cường cải cách thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động KCB tại Trung tâm Y tế huyện và 14 trạm y tế xã, thị trấn. Chủ động giám sát, phát hiện sớm, đảm bảo không để dịch bệnh nguy hiểm bùng phát trên địa bàn; đặc biệt là phòng, chống dịch mới phát sinh, hạn chế thấp nhất ca mắc và tử vong. Thực hiện đảm bảo chất lượng các dự án thuộc Chương trình mục tiêu y tế - dân số. Tiếp tục củng cố, kiện toàn mạng lưới y tế cơ sở, nâng cao năng lực và chất lượng KCB.
Bài, ảnh: HỒNG HOA
TIN, BÀI LIÊN QUAN: