Sớm giải quyết những vướng mắc về điện

09:10, 28/08/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi là một trong các địa phương có tỷ lệ người dân sử dụng điện lưới quốc gia nằm trong tốp đầu các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số vướng mắc liên quan đến lĩnh vực điện, nên tỉnh đã kiến nghị trung ương quan tâm giải quyết.

Hằng năm, UBND tỉnh đều phê duyệt kế hoạch cung ứng điện trên địa bàn tỉnh, nhằm đảm bảo vận hành an toàn, liên tục, ổn định và hiệu quả lưới điện, cấp điện đầy đủ cho sản xuất và sinh hoạt. Thực hiện kế hoạch này, Công ty Điện lực Quảng Ngãi đã tăng cường quản lý vận hành lưới điện, theo dõi, rà soát khắc phục kịp thời các vị trí hư hỏng, xuống cấp để thay thế thiết bị, hạn chế đến mức thấp nhất sự cố gây mất điện.

Mỗi năm, từ nguồn vốn Tổng Công ty Điện lực miền Trung bố trí và vốn của Công ty Điện lực Quảng Ngãi, rất nhiều đường dây, trạm biến áp trên địa bàn tỉnh được sửa chữa, cải tạo, nâng cấp. Đặc biệt, năm 2020, do ảnh hưởng của siêu bão, lưới điện trên địa bàn tỉnh bị hư hỏng nặng nề, ngành điện đầu tư hơn 100 tỷ đồng để khắc phục, ổn định hoạt động cấp điện trở lại.

Hệ thống lưới điện nông thôn tại xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) được ngành điện đầu tư nâng cấp sau tiếp nhận.
Hệ thống lưới điện nông thôn tại xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) được ngành điện đầu tư nâng cấp sau tiếp nhận.

Tuy nhiên, hiện nay, tại một số khu vực ở huyện Ba Tơ lưới điện quốc gia vẫn chưa được kéo đến nơi. Công ty Điện lực Quảng Ngãi đã có kế hoạch đầu tư, nhưng dự kiến phải sau năm 2025 mới có thể thực hiện được. Mới đây, UBND tỉnh đã đăng ký danh mục, mức vốn đầu tư dự án Cấp điện nông thôn sử dụng vốn Chương trình “Chuyển đổi năng lượng bền vững Việt Nam - EU”.

Theo đó, tỉnh đăng ký danh mục, mức vốn đầu tư dự án điện trên địa bàn 2 xã thuộc huyện Ba Tơ, cấp điện cho 66 hộ dân bằng điện lưới quốc gia. Quy mô dự kiến 4km đường dây trung thế, 5km đường dây hạ thế và 2 trạm biến áp. Tổng mức đầu tư 11 tỷ đồng, trong đó vốn EU tài trợ 9 tỷ đồng, vốn đối ứng 2 tỷ đồng. Theo thông tin từ Bộ Công thương, hiện vấn đề này đang được cân nhắc, đưa vào danh mục dự án thụ hưởng chương trình, để có thể triển khai vào năm 2025.

Theo số liệu của Tổng Công ty Điện lực miền Trung, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 20 dự án nguồn điện, trong đó có 14 thủy điện đảm bảo nguồn điện cấp cho sản xuất, sinh hoạt. Hiện sản lượng điện thương phẩm của tỉnh chỉ đạt khoảng 50% nguồn điện sản xuất ra, 50% nguồn điện còn lại được Quảng Ngãi chia sẻ cho các địa phương khác, góp phần ổn định năng lượng quốc gia.

Tuy nhiên, do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chậm đầu tư mới, nâng công suất các trạm biến áp thu gom công suất các nhà máy thủy điện, nên ảnh hưởng đến việc phát điện của các dự án thủy điện ở khu vực Trà Bồng, gồm các thủy điện Hà Nang, Sông Riềng, Cà Đú, Kà Tinh. Đồng thời, ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư các dự án thủy điện đang đầu tư dở dang, do không phê duyệt được phương án đấu nối phát điện. Quảng Ngãi kiến nghị Bộ Công thương tiếp tục chỉ đạo EVN khẩn trương thực hiện đầu tư xây dựng các công trình đường dây và các trạm biến áp 220kV, 110kV theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt, để các dự án thủy điện trên địa bàn vận hành phát điện ổn định, an toàn.

Một nội dung vướng mắc khác tỉnh đã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được quan tâm giải quyết, đó là việc hoàn trả giá trị tài sản khi bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn trước đây. Hiện nay, việc chuyển giao, tiếp nhận tài sản lưới điện được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước cho ngành điện không thực hiện được, do chưa có quy định, hướng dẫn của Nhà nước. Tổng giá trị tài sản lưới điện hạ áp do các công ty cổ phần điện và hợp tác xã quản lý bàn giao cho Công ty Điện lực Quảng Ngãi quản lý, vận hành là 16 tỷ đồng.

Tính đến nay mới thanh toán 7 tỷ đồng, hiện giá trị còn lại chưa thanh toán khoảng 9 tỷ đồng. Việc chậm hoàn trả lại tiền cho các đơn vị đã bàn giao lưới điện khiến cho các công ty cổ phần điện, hợp tác xã quản lý kinh doanh điện trước đây tuy đã ngừng hoạt động nhiều năm nhưng chưa giải thể được. Tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Bộ Công thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ xem xét tháo gỡ vướng mắc này, tạo điều kiện cho ngành điện sớm có cơ sở thanh toán giá trị còn lại cho các đơn vị đã bàn giao lưới điện.

Bài, ảnh: THANH NHỊ

TIN, BÀI LIÊN QUAN: 

  

Xuất bản lúc: 09:10, 28/08/2024

Ý kiến bạn đọc


.