VẤN ĐỀ BẠN ĐỌC QUAN TÂM:

Tiện ích của sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID

16:29, 10/10/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)-  Ngày 21/5/2024, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Quyết định số 1332/QĐ-BYT về việc ban hành sổ sức khỏe điện tử được tích hợp trên ứng dụng VNeID. Đây là một ứng dụng trên điện thoại di động giúp người dân có thể theo dõi và quản lý thông tin sức khỏe một cách chủ động và tiện lợi.

Từ năm 2019, ngành y tế tỉnh triển khai thiết lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân, tạo nền tảng triển khai thực hiện sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID như bây giờ. Việc lập hồ sơ sức khỏe điện tử, sổ sức khỏe điện tử mang lại nhiều lợi ích. Cụ thể, người dân sẽ thay thế sổ khám bệnh giấy và sổ tiêm chủng giấy bằng sổ sức khỏe điện tử. Mỗi người dân sẽ có một sổ sức khỏe điện tử trọn đời, từ đó đi khám, chữa bệnh (KCB), tiêm chủng tại bất kỳ đâu cũng không phải mang theo giấy tờ thông tin khám, điều trị, tiêm chủng trước đó.

Bác sĩ Khoa Mắt (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) khám bệnh cho bệnh nhân.                                   Ảnh: PV
Bác sĩ Khoa Mắt (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) khám bệnh cho bệnh nhân. Ảnh: PV

Sổ sức khỏe điện tử được áp dụng tại tất cả cơ sở KCB, bao gồm cả công lập và tư nhân, cũng như các hình thức khám ngoại trú, nội trú và KCB từ xa. Thông qua sổ sức khỏe điện tử, người dân có thể chủ động tìm kiếm kết nối, tương tác trực tuyến với bệnh viện, bác sĩ khi có nhu cầu về chăm sóc sức khỏe. Người dân cũng chủ động tự đánh giá yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe cá nhân và cập nhật dữ liệu y tế cơ bản của bản thân, người thân để chủ động trong việc phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe; được tư vấn, hướng dẫn chế độ dinh dưỡng và tư vấn điều trị với người mắc bệnh mãn tính. Các bác sĩ được cung cấp đầy đủ các thông tin về bệnh tật, tiền sử bệnh tật, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe khi người bệnh đến khám.

Bên cạnh đó, các thông tin trên VNeID có giá trị như trên bản giấy gồm: Thông tin cá nhân; số định danh công dân; thông tin thẻ BHYT; lịch sử KCB; phiếu hẹn khám lại; giấy chuyển tuyến trên ứng dụng VNeID có giá trị như trên bản giấy. Thông tin sức khỏe cá nhân trên sổ sức khỏe điện tử có chế độ bảo mật như những thông tin khác trên VNeID.

Đầu tháng 10/2024, bà Nguyễn Thị Hộ, ở xã Tịnh Ấn Tây (TP.Quảng Ngãi), phải nhập viện cấp cứu. Vì đột xuất nên bà không kịp chuẩn bị giấy tờ gì, chỉ có mỗi căn cước công dân mang theo người. Đến bệnh viện, cán bộ y tế cập nhật thông tin vào máy và biết bà Hộ đang điều trị các bệnh về xương khớp, nên nhanh chóng chỉ định làm các xét nghiệm, chụp X-Quang kiểm tra xương khớp. "Nếu như trước đây thì phải chờ người nhà mang sổ khám bệnh và các giấy tờ liên quan đến, thì nay dữ liệu đã có sẵn trên hệ thống y tế nên làm thủ tục khám, điều trị bệnh nhanh và thuận lợi hơn", bà Hộ nói.

Đến nay, hầu hết người dân trên địa bàn tỉnh đều được cập nhật đầy đủ thông tin, quá trình KCB vào hồ sơ sức khỏe điện tử. Khi người dân đến KCB tại các cơ sở y tế, bác sĩ sẽ nhanh chóng biết được lịch sử khám, điều trị, dùng thuốc của bệnh nhân ở những lần trước. Bà Võ Thị Mỹ Liên, ở phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi) cho biết, trước đây, mỗi lần khám bệnh là phải cung cấp toàn bộ thông tin về tiểu sử bệnh, sau đó bác sĩ chỉ định thực hiện các bước tiếp theo. Tuy nhiên, với dữ liệu hồ sơ y tế điện tử được Trạm Y tế phường cập nhật trên cơ sở dữ liệu được lấy từ căn cước công dân làm mã định danh, toàn bộ thông tin về bệnh, thời gian khám, nơi khám, chẩn đoán bệnh, thuốc sử dụng... của tôi đều được lưu trữ.

Theo Trưởng trạm Y tế phường Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi) Nguyễn Thị Kim Nguyệt, từ khi triển khai nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử được lấy số căn cước công dân làm mã định danh, trạm đã cập nhật, chuẩn hóa toàn bộ thông tin để tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân công dân. Đến nay, phường đã chuẩn hóa thông tin, hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân đạt 96%.        

BÁ SƠN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 16:29, 10/10/2024

Ý kiến bạn đọc


.