Tạo sự chuyển biến từ mỗi gia đình

17:31, 24/10/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tháng 10 này là đợt cao điểm lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh triển khai thực hiện các giải pháp để bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) cho học sinh. Thời gian qua, công tác bảo đảm trật tự ATGT được Đảng, Nhà nước rất quan tâm, trong đó có công tác bảo đảm trật tự ATGT cho lứa tuổi học sinh. Ngày 21/12/2023, Chính phủ ban hành Chỉ thị số 31/CT-TTg về tăng cường công tác bảo đảm trật tự ATGT cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới.

Trên thực tế, lực lượng cảnh sát giao thông đã đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Các trường học trên địa bàn tỉnh cũng đã tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức... Tuy nhiên, bên cạnh những học sinh và phụ huynh chấp hành tốt các quy định pháp luật về ATGT, thì vẫn còn không ít học sinh, phụ huynh xem nhẹ việc này, nên tình trạng vi phạm pháp luật về ATGT ở lứa tuổi học sinh vẫn cứ diễn ra. Đó là tình trạng học sinh điều khiển xe không có giấy phép lái xe; không đội mũ bảo hiểm; chở quá số người quy định. Có nhiều trường hợp không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; chạy dàn hàng ngang; lạng lách, đánh võng, tụ tập gây rối trật tự công cộng; hay không ít trường hợp phụ huynh giao phương tiện cho người chưa đủ điều kiện để điều khiển...  

Hậu quả đau lòng là số vụ vi phạm pháp luật về ATGT trong học sinh không có dấu hiệu giảm xuống mà còn tăng lên. Trong 9 tháng năm 2024, xảy ra 71 vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh trên địa bàn tỉnh. Hậu quả làm chết 18 học sinh, bị thương 44 học sinh. So với cùng kỳ năm 2023 tăng 5 vụ, tăng 5 em chết. Thậm chí, ngay trong tháng cao điểm bảo đảm trật tự ATGT cho học sinh, em T.M.T (15 tuổi), ở xã Tịnh Ấn Đông (TP.Quảng Ngãi), khi điều khiển xe trên 50 phân khối đến trường thì bị tai nạn, dẫn đến chết tại chỗ. Điều này cho thấy, tình hình trật tự ATGT liên quan đến lứa tuổi học sinh còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp.

Rõ ràng, để giải quyết vấn đề này cần sự phối hợp chặt chẽ giữa 3 bên: Cơ quan chức năng (trực tiếp là lực lượng cảnh sát giao thông), nhà trường và gia đình. Tuy nhiên, việc xử lý đối với những học sinh và phụ huynh học sinh theo quy định của pháp luật cũng như quy chế của các trường cũng chỉ là phần ngọn. Mấu chốt của vấn đề này nằm ở vai trò, trách nhiệm của mỗi gia đình, của từng phụ huynh học sinh.

Hơn ai hết, phụ huynh học sinh phải làm gương, phải là người tiên phong thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về ATGT. Trong đó, cần trao đổi, chia sẻ để con hiểu quy định cần thiết và kiên quyết không trang bị hay giao xe cho con mình khi chưa đủ tuổi theo quy định, không có giấy phép lái xe... Đặc biệt, phụ huynh là cán bộ, công chức, viên chức càng cần thực hiện nghiêm túc vấn đề này. Cần thiết, cấp ủy, cơ quan, đơn vị có thêm quy chế về xử lý cán bộ, công chức, viên chức để con vi phạm pháp luật ATGT. Bởi, chỉ khi tạo sự chuyển biến từ mỗi gia đình, từ phụ huynh học sinh thì tình trạng vi phạm của học sinh về vấn đề này mới mong kéo giảm.

THANH NHƯ

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

  

Xuất bản lúc: 17:31, 24/10/2024

Ý kiến bạn đọc


.