(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, tại một số khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh, nhiều nhà máy, xí nghiệp trong các cụm công nghiệp (CCN) không có hệ thống thu gom, xử lý nước thải, dẫn đến ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đơn cử, ở khu vực đầm Sa Huỳnh, ngay trước CCN - tiểu thủ công nghiệp (TTCN) Sa Huỳnh, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) mùi hôi thối nồng nặc.
Một công nhân làm nghề tự do tại đây cho biết, đây là nước thải từ các cơ sở chế biến mực trong CCN - TTCN chưa qua xử lý, xả trực tiếp vào đầm. Những người làm dịch vụ bảo dưỡng tàu cá không dám xuống nước để kéo tàu vào bờ vì da sẽ bị ngứa, phồng rộp và lở loét khi tiếp xúc với nước. Người dân đã nhiều lần kiến nghị, các đoàn kiểm tra đã đến nhắc nhở nhưng tình trạng xả thải vẫn tái diễn.
Còn ở TP.Quảng Ngãi, hiện có CCN - làng nghề Tịnh Ấn Tây với khoảng 20 nhà máy, cơ sở hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất giấy, nhựa, chế biến nước mắm, sản xuất bao bì, tái chế hạt nhựa và chế biến nông, lâm sản. Do không có trạm xử lý nước thải tập trung, các doanh nghiệp đã xả thải trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Các cơ quan chức năng đã nhiều lần kiểm tra và xử phạt, nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được khắc phục.
Được biết, CCN - TTCN Sa Huỳnh được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết cách đây 20 năm (năm 2004), với diện tích khoảng 30 nghìn mét vuông, thuộc địa bàn tổ dân phố Thạch Bi, phường Phổ Thạnh. Năm 2010, UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết, nâng diện tích lên hơn 41 nghìn mét vuông. Đây là CCN tập trung bố trí các ngành công nghiệp phục vụ đánh bắt và chế biến hải sản, đóng mới và sửa chữa tàu thuyền và các dịch vụ liên quan.
Theo quy hoạch, CCN - TTCN Sa Huỳnh cần xây mới một trạm xử lý nước thải công suất 100m3/ngày đêm. Tuy nhiên, đến nay, dự án này vẫn chưa thực hiện, mặc dù CCN - TTCN Sa Huỳnh đã đi vào hoạt động 20 năm. Lãnh đạo UBND TX.Đức Phổ cho biết, trước đây CCN - TTCN Sa Huỳnh được bố trí 17 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh để xây dựng trạm xử lý nước thải. Tuy nhiên, số tiền này không đủ và địa phương đã trả lại cho tỉnh. Sau đó, tỉnh cân nhắc bố trí lần 2, nhưng vì CCN - TTCN Sa Huỳnh nằm trong khu dân cư, địa phương đã kiến nghị tỉnh đưa ra khỏi quy hoạch, di dời đi nơi khác và đã được tỉnh chấp thuận. Do đó, UBND tỉnh không tiếp tục phân bổ kinh phí đầu tư trạm xử lý nước thải tại đây.
Đối với CCN - làng nghề Tịnh Ấn Tây, diện tích hơn 27ha, đi vào hoạt động từ năm 2005, đến nay đã 19 năm vẫn chưa có trạm xử lý nước thải. Theo lãnh đạo UBND TP.Quảng Ngãi, tỉnh đã bố trí cho thành phố 10 tỷ đồng để đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung, nhưng thành phố không nhận. Bởi vì, để xây dựng trạm xử lý nước thải cho CCN - làng nghề Tịnh Ấn Tây ước tính cần từ 50 - 100 tỷ đồng, nhưng tỉnh chỉ bố trí 10 tỷ đồng không đủ để thực hiện. Hơn nữa, thành phố đã đưa CCN này vào Quy hoạch chung xây dựng TP.Quảng Ngãi đến năm 2040. Theo Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của TP.Quảng Ngãi đã được UBND tỉnh phê duyệt, thì khu vực này sẽ là trung tâm logistics.
Vấn đề trước mắt là các cơ quan, đơn vị, địa phương phải sớm giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường như đã nói ở trên, để không ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Về lâu dài, cần có giải pháp hiệu quả, thiết thực trong việc phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
THANH HUYỀN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: