Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Ngãi. |
Năm 2024, ngành VH-TT&DL đã quán triệt và triển khai kịp thời các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội; với phương châm “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”, các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch đạt kết quả tích cực. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa có nhiều chuyển biến tích cực. Trong năm, cả nước có 9 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, 32 di tích được xếp hạng di tích quốc gia, 55 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia được ghi danh. Việt Nam có thêm 2 di sản được UNESCO ghi danh.
Các hoạt động văn hóa nghệ thuật được tổ chức sôi nổi, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị và góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Năm 2024 số người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên trên toàn quốc ước đạt 37,5 % (tăng 0,8% so với năm 2023). Thể thao thành tích cao đã đoạt 482 huy chương vàng, 360 huy chương bạc, 372 huy chương đồng tại các giải thể thao quốc tế. Năm 2024, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 17,5 triệu lượt, tăng 38,9% so với cùng kỳ năm 2023; khách nội địa ước đạt 110 triệu lượt, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của toàn ngành VH-TT&DL, góp phần cùng cả nước vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra. Thủ tướng đề nghị toàn ngành cần phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt trong sự nghiệp “Chấn hưng văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới”, tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp nhằm xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Tập trung các giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường thu hút đầu tư và sử dụng hiệu quả nguồn lực phát triển văn hóa, thể thao, du lịch; ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ tạo động lực phát triển ngành du lịch. Nghiên cứu cơ chế chính sách đặc thù đào tạo nguồn nhân lực ngành văn hóa, đào tạo nhân tố nghệ thuật, thể thao chuyên nghiệp. Huy động sức mạnh từ các nguồn lực để phát triển văn hóa, công nghiệp văn hóa có trọng tâm, trọng điểm, đúng định hướng; không ngừng đổi mới tư duy, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, tạo sự tăng tốc, bứt phá của ngành trong năm 2025.
TIN, BÀI LIÊN QUAN: