(Baoquangngai.vn)- Đại biểu Quốc hội thống nhất cao với 2 tờ trình về việc tổ chức chính quyền đô thị tại TP.Hải Phòng và việc thành lập TP.Huế trực thuộc trung ương.
Sáng 31/10, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận tại Tổ đối với Dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.Hải Phòng và việc thành lập TP.Huế trực thuộc trung ương. Tại buổi thảo luận, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi Đặng Ngọc Huy đã có nhiều ý kiến thảo luận, đóng góp.
|
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy phát biểu tại buổi thảo luận. Ảnh: V.TÂN |
Trao đổi tại buổi thảo luận, đại biểu Đặng Ngọc Huy thống nhất cao với 2 tờ trình về việc tổ chức chính quyền đô thị tại TP.Hải Phòng và việc thành lập TP.Huế trực thuộc trung ương. Theo đó, việc thành lập TP.Huế trực thuộc trung ương là dựa trên cơ sở chính trị quan trọng từ các nghị quyết của Bộ Chính trị cũng như trên thực tế TP.Huế là từng là cố đô của Việt Nam và có vị thế chiến lược ở khu vực miền Trung. Tuy nhiên, trong quá trình xác định mô hình tổ chức chính quyền TP.Huế nên xác định mô hình chính quyền ở đây được thực hiện như thế nào trong đề án này luôn để đỡ cần một nghị quyết mới của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị của TP.Huế.
Trong đề án dự thảo việc thành lập TP.Huế trực thuộc trung ương có nêu là sau khi được thành lập thì giao cho TP.Huế triển khai nghiên cứu, đề xuất mô hình chính quyền đô thị tại TP.Huế… Như vậy là rất mất thời gian chờ để góp ý thông qua việc tổ chức chính quyền đô thị tại TP.Huế. Thời gian qua chúng ta đã thí điểm triển khai chính quyền đô thị ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh và các mô hình cũng khác nhau. Do đó, đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu xây dựng trình ban hành riêng một luật về chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn để triển khai thực hiện.
Đối với Đề án thành lập chính quyền đô thị TP.Hải Phòng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy cho rằng, khi đã triển khai mô hình chính quyền đô thị thì vấn đề công chức cấp xã là công chức cấp huyện. Điều này thể hiện sự liên thông cán bộ từ xã lên huyện. Tuy nhiên, đối với các tỉnh khác không thí điểm thì khi chuyển công chức cấp xã lên công chức cấp huyện phải thành lập hội đồng tổ chức xét tuyển, xét công nhận công chức cấp xã có đủ điều kiện mới được chuyển thành công chức cấp huyện.
Việc chính quyền đô thị cho liên thông công chức, còn các tỉnh khác thì không. Điều này có tạo sự công bằng giữa các tỉnh, thành phố với nhau hay không ? Do đó đề nghị sớm sửa Luật Cán bộ công chức và có sự liên thông giữa công chức cấp xã với công chức cấp huyện, kể cả liên thông 4 cấp. Từ xã có thể chuyển thẳng lên tỉnh, chứ không nhất thiết từ xã lên huyện.
PV
TIN, BÀI LIÊN QUAN:
Xuất bản lúc: 13:38, 31/10/2024