Góp ý chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035

18:59, 19/06/2024
.
(Baoquangngai.vn)- Sáng 19/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tiến hành thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 (Chương trình). Tại buổi thảo luận, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi đã có nhiều ý kiến góp ý.

Tại phiên thảo luận, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi Huỳnh Thị Ánh Sương cho rằng, phạm vi của Chương trình rộng, dàn trải. Chương trình có 10 nội dung thành phần được thực hiện trên phạm vi cả nước và tại một số quốc gia có mối quan hệ, tương tác văn hóa lâu dài với Việt Nam; có quy mô thực hiện trên tất cả các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, cấp thôn trên phạm vi cả nước, một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài. Vì vậy, đề nghị rà soát, căn cứ điều kiện thực tiễn ở địa phương, kết quả đầu tư của ngân sách nhà nước ở các thời kỳ trước và khả năng bố trí nguồn lực để xác định các nhiệm vụ đầu tư trọng điểm, cấp bách để ưu tiên thực hiện trước.
 
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Huỳnh Thị Ánh Sương thảo luận tại phiên họp. Ảnh: V.TÂN
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Huỳnh Thị Ánh Sương thảo luận tại phiên họp. Ảnh: V.TÂN

Đối với sự trùng lặp của Chương trình với nội dung đầu tư về phát triển văn hóa trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia và nhiều chương trình liên quan đến phát triển văn hóa do Thủ tướng Chính phủ ban hành thì cần rà soát, thu nộp các nội dung đầu tư phát triển văn hóa vào Chương trình nhằm đảm bảo việc thực hiện thống nhất, tránh phân tán, lãng phí nguồn lực đầu tư. Ví dụ như Dự án 6 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi thì cần tính toán ghép Dự án 6 này vào Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 hoặc loại trừ các nội dung trùng lặp ra khỏi Chương trình để đảm bảo nguồn lực và sử dụng hiệu quả; đồng thời đảm bảo tính khả thi của việc huy động các nguồn vốn thực hiện.

Về yêu cầu nguồn vốn đầu tư thực hiện Chương trình giai đoạn 2025 - 2035 là rất lớn, trong khi tình hình cân đối ngân sách địa phương một số tỉnh còn khó khăn, trong đó có Quảng Ngãi. Tỉnh Quảng Ngãi tuy là tỉnh có điều tiết về trung ương, do có nguồn thu từ Nhà máy Lọc hóa dầu Dung Quất, nhưng ngân sách của tỉnh chưa bảo đảm cân đối chi; đời sống người dân còn rất khó khăn, mức sống của người dân còn thấp so với các tỉnh lân cận. Vì vậy, đề nghị bổ sung quy định nguyên tắc hỗ trợ ngân sách trung ương cho địa phương như theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn  2021 - 2025. Vì đối với Quảng Ngãi, ngân sách địa phương còn rất khó khăn, khó để đảm bảo cân đối thực hiện Chương trình.

Đại biểu Sương cũng đề nghị cần đánh giá tình hình hoạt động, hiệu quả, tác động cụ thể, mức độ ảnh hưởng của các Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Lào, Pháp để trên cơ sở thực tiễn cân nhắc có thật sự cần thiết để tiếp tục đầu tư các Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài và có nên đưa vào Chương trình khi mà nội dung này nằm ngoài phạm vi quy định của Luật Đầu tư công.

B.SƠN - V.TÂN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:
Xuất bản lúc: 18:59, 19/06/2024

Ý kiến bạn đọc


.