Đối với người Việt Nam, chữ hiếu được xem là một trong những đức tính quan trọng hàng đầu, là thước đo phẩm chất của con người. Và một trong những cách thể hiện cho trọn chữ hiếu đó là việc thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ.
Ảnh minh họa. |
Chữ “thờ” ở đây phải được hiểu là sự tôn kính, nuôi dưỡng, chăm sóc ông bà, cha mẹ khi còn sống và thờ cúng trang trọng, chu đáo khi họ đã khuất. Thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ thể hiện tấm lòng biết ơn của con cháu đối với những người đã có công sinh thành, dưỡng dục, dạy dỗ mình nên người. Đồng thời, đó còn là một nét đẹp truyền thống, đạo lý sâu xa của dân tộc ta trong việc giáo dục nhân cách con người, giáo dục sự hiếu thảo, nhớ về nguồn cội cho cháu con, nhắc nhở họ nhớ về những kỷ niệm, công đức của ông bà.
Chính vì lẽ đó, mà dù cho là gia đình giàu sang hay gia đình nghèo khó đều phải có bàn thờ để cúng tổ tiên, ông bà. Bàn thờ gia tiên đều được đặt ở nơi trang trọng nhất, ngay chính giữa nhà, thể hiện sự tôn kính tuyệt đối của con cháu đối với vong linh của những vị tổ tiên trong gia đình, dòng họ.
Ngày xưa ở Nam bộ, bàn thờ tổ tiên, ông bà còn được gọi là cái “giường thờ”. Người ta đem cái giường mà ông bà, cha mẹ thường nằm khi còn sống để thờ ngay giữa nhà, giữ nguyên vị trí các vật dụng mà họ thường dùng như cái ô trầu, cái cối, chiếc điếu cày…Phía trước “giường thờ”, người ta bố trí một cái bàn bốn chân. Trên mặt bàn chưng bộ lư đồng, chân đèn, lư hương và gọi đó là cái “bàn nghi”. Người ta thường dùng tấm vải đỏ có thêu hình rồng phụng hoặc chữ Hán Nôm phủ dưới chân “bàn nghi”. Khi cúng tổ tiên, thức ăn được dọn lên “giường thờ”, còn trên “bàn nghi” thì thắp hương. Ngày nay, do sự phát triển của xã hội người ta đơn giản hóa, “giường thờ” được thay thế bằng “tủ thờ”.
Theo quan niệm của người Việt, con người có linh hồn nên khi ông bà đã chết, dù thể xác có mất đi nhưng linh hồn là bất diệt, linh hồn vẫn còn sống để về phù hộ cho con cháu mạnh khỏe, làm ăn phát đạt. Quan niệm “Sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn” đã ăn sâu trong tiềm thức của người Việt, nên dù ông bà đã mất, nhưng họ tin tưởng là giữa con cháu với tổ tiên, ông bà vẫn còn giữ được mối “quan hệ” như lúc còn sống, con cháu làm việc gì, việc lành hay việc dữ thì ông bà đều biết. Do đó, con cháu phải biết luôn giữ mình, chăm làm việc thiện, lánh xa cái ác, thường xuyên tu tâm dưỡng tính, rèn luyện đạo đức để không phụ công ơn của tổ tiên, ông bà, cha mẹ.
Xuất phát từ quan niệm trên, người ta thường cúng cơm trên bàn thờ ông bà trước khi ăn mỗi ngày hoặc khấn vái trước khi cầm đũa. Hàng năm, vào ngày mất của ông bà (theo âm lịch), con cháu đều tề tựu đông đủ để tổ chức đám giỗ, cúng cơm nhằm ghi nhớ công ơn và ôn lại những kỷ niệm của ông bà. Ông bà còn được “thỉnh” về chứng giám khi gia đình có hỷ sự như: đám hỏi, đám cưới, mừng con cái thi đậu…Đặc biệt là vào những ngày Tết, đây là dịp gia đình sum họp và “báo cáo” với tổ tiên, ông bà về công việc của con cháu trong năm qua, nên phải “thỉnh”, “rước” ông bà cùng về ăn Tết với con cháu.
Ở Nam bộ, vào ngày “đưa ông Táo về trời” (23 tháng chạp), không khí Tết đã rộn ràng, người ta tổ chức cúng bàn thờ gia tiên, cúng ông Táo để tiễn đưa ông Táo và ông bà về trời. Sau khi cúng xong, bàn thờ ông bà được lau dọn cẩn thận, người ta đem lư hương trên bàn thờ xuống, lấy chân nhang ra đốt, đổ cát, tro trong lư hương ra, lau chùi lư hương sạch sẽ rồi đem đặt lại đúng vị trí cũ trên bàn thờ. Và bắt đầu từ hôm đó cho đến ngày rước ông bà, người ta không còn thắp hương hàng ngày trên bàn thờ nữa, vì cho rằng thời gian này ông bà đã về trời.
Vào ngày 30 tháng chạp (hoặc ngày 29 đối với những năm tháng chạp thiếu), khi mọi công đoạn dọn dẹp chuẩn bị đón Tết gần như hoàn thành, nhà nhà bắt đầu tổ chức lễ “rước ông bà” (có một số gia đình thực hiện nghi lễ thiêng liêng này từ ngày 28 hoặc 29). Thường vào buổi trưa hay xế chiều, khi nước lớn (thủy triều lên), người ta bày biện trên bàn thờ mâm cơm, mâm ngũ quả, bình hoa, các loại bánh mứt, trà, rượu... Có hai loại không thể thiếu trên bàn thờ ngày Tết là bánh tét và cặp dưa hấu to, tròn (hoặc bưởi). Mâm cơm rước ông bà ngày Tết thường có các món như: thịt kho hột vịt, khổ qua hầm, gà luộc xé phai, cá hấp, đồ xào… Tùy vào điều kiện của từng gia đình mà các loại thức ăn trên mâm cơm cúng rước ông bà có thể khác nhau, nhưng có một món không thể thiếu, đó là món thịt kho hột vịt.
Mâm ngũ quả được trưng bày trên bàn thờ phải có đủ năm loại trái cây. Việc chọn các loại trái cây cũng có sự khác nhau theo từng vùng. Có nơi người ta dùng màu sắc để thể hiện quan niệm tốt lành của mình trong ngày Tết như: màu xanh tượng trưng cho sức sống mãnh liệt, màu vàng tượng trưng cho sự no ấm, màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn. Có nơi lại dùng ý nghĩa tên gọi của từng loại quả để thể hiện ước vọng của mình trong ngày xuân như: hồng, quýt tượng trưng cho sự thành đạt, phật thủ tượng trưng cho sự an lành… Riêng ở Nam bộ, mâm ngũ quả vẫn cứ như truyền thống, người ta dùng tên gọi của các loại trái cây để thể hiện mong ước của mình, như: mãng cầu, chùm sung, dừa xiêm, đu đủ, xoài, mà theo quan niệm dân gian thường gửi gắm một ước mơ đơn sơ: cầu sung vừa (dừa) đủ xài (xoài).
Sau khi mọi lễ vật được chuẩn bị tươm tất, chủ nhà hoặc người lớn tuổi nhất trong gia đình bắt đầu thủ lễ, dâng hương, vái lạy, rót rượu mời tổ tiên và báo cáo ngày hôm sau là Tết Nguyên đán, mời ông bà cùng về chung vui với con cháu. Sau đó, tất cả mọi người trong nhà đều khấn vái, cúng lạy ông bà. Đến khi các cây nhang cúng đã tàn được khoảng hai phần ba, người ta dọn thức ăn trên bàn thờ ra bàn ăn. Tất cả mọi thành viên trong gia đình ngồi quây quần bên mâm cơm sum họp, tiễn năm cũ đi, đón năm mới đến, trong không khí phấn khởi, ấm cúng tràn ngập niềm vui và tiếng cười. Thường nhà nào làm lễ rước ông bà trước thì thường hay mời gọi bà con, bạn bè lân cận trong xóm đến dùng cơm, nhấm rượu chung vui với gia đình mình. Sau đó, cùng kéo đến những nhà tiếp theo tiếp tục dùng cơm, uống rượu mừng, chúc tụng nhau. Không khí thật vui vẻ, náo nhiệt, thân mật, tràn đầy tình làng nghĩa xóm!
Phong tục thờ cúng và rước ông bà về ăn Tết là nét đẹp văn hóa truyền thống. mang tính nhân văn sâu sắc. Từ bao đời nay, nét đẹp ấy đã ghi đậm dấu ấn trong tiềm thức của mỗi con người Việt Nam, nó làm cho mối quan hệ giữa những người thân trong gia đình, dòng họ, láng giềng trở nên gần gũi hơn, thân thiết hơn, con cháu hiểu được công ơn to lớn, hiểu được đạo nghĩa mà tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã góp công gìn giữ và lưu truyền cho các thế hệ mai sau. Con cháu nhớ ơn ông bà để phấn đấu, sống tốt hơn, góp phần xây dựng gia đình và xã hội tươi đẹp hơn. Điều này đã góp phần làm cho nền văn hóa Việt Nam luôn luôn có sự kế thừa và phát huy những giá trị tốt đẹp để phát triển thành nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
L.H (st)