(Báo Quảng Ngãi)- Lấy mùa xuân đối sánh cùng tuổi trẻ, Bác Hồ nói: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Ở đây, chính là sức trẻ trung, sôi nổi, mạnh mẽ của mùa xuân. Và khi Người nói: “Mùa xuân là Tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”, rõ ràng xuân được đối sánh, ví von với khát vọng vươn đến cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.
Trong tác phẩm kinh điển Truyện Kiều, Nguyễn Du đã dùng đến 58 chữ xuân trong 55 câu thơ để đối sánh, ví von với muôn vàn nghĩa lý lấp lánh khác nhau tùy theo tâm trạng và cảnh huống nhân vật. Xuân có khi là nét đẹp: “Làn thu thủy, nét xuân sơn”, “Dưới đèn tỏ rạng má đào thêm xuân”, có khi là một tin vui: “Tin xuân đâu dễ đi về cho năng”, khi là một thành công lớn: “Vương Kim cùng chiếm bảng xuân một ngày”...
Mùa xuân còn được đối sánh với ước mơ và niềm hy vọng, là tình yêu của tuổi trẻ. Khi Chế Lan Viên đối sánh mùa xuân với cuộc sống đen tối trước năm 1945: “Có một người nghèo không biết Tết/ Mang lì chiếc áo độ thu tàn”, và ước ao: “Ai đâu trở lại mùa thu trước/ Nhặt lấy cho tôi những lá vàng?/ Với của hoa tươi muôn cánh rã/ Về đây đem chắn nẻo xuân sang” (Xuân). Nhưng cũng tại thời điểm ấy, khi đối sánh mùa xuân với tình yêu, Xuân Diệu lại thấy, khi có tình yêu thì không cần mùa, xuân vẫn đến: “Xuân ở giữa mùa đông khi nắng hé/ Giữa mùa hè khi trời biếc sau mưa/ Giữa mùa thu khi gió sáng bay vừa/ Lùa thanh sắc ngẫu nhiên trong áo rộng” (Xuân không mùa). Và xuân được xem như sắc hồng của quả táo tình yêu: “Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi” (Vội vàng).
Khi nhà thơ Nguyên Sa thốt lên rằng: “Năm ngón tay có bốn mùa trái đất/ Chúng tôi cầm rơi mất một mùa xuân/ Có cất tiếng đòi to. Tiếng đòi rơi rụng/ Những âm thanh làm sẹo ở trong hồn” (Bây giờ), đó là tâm trạng buồn của tuổi trẻ miền Nam trong những năm tháng chiến tranh, cắt chia đất nước. Cũng tương ứng với thời điểm ấy, nhưng khi Tố Hữu viết: “Xuân ơi xuân em mới đến dăm năm/ Mà cuộc sống đã tưng bừng ngày hội” (Bài ca mùa xuân 61), đây lại là niềm hy vọng, tự hào và khát vọng của những ngày miền Bắc hòa bình, dựng xây đất nước.
Cũng như nhà thơ Tế Hanh, năm đầu sau khi miền Nam được giải phóng, lần đầu tiên trở lại quê nhà Quảng Ngãi sau 21 năm cắt chia Nam Bắc đã thấy tự lòng mình hiện diện cả hai thời điểm của xuân khi đứng trước quê hương ngày thống nhất, khiến cho “mai nở hai lần” lấp lánh sắc xuân: “Có phải vì vui quân giải phóng/ Quá xuân mai lại nở hai lần” (Mai nở hai lần). Xuân Giáp Thìn 2024 đã đến, hứa hẹn một mùa xuân cùng những sắc hương xuân, tin xuân vui lan tỏa khắp mọi miền!
MAI BÁ ẤN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: