(Báo Quảng Ngãi)- Khi buổi chiều chùng xuống, nghe trái tim thầm thì “sắp Tết rồi”, nhiều người ở phố ngẩn ngơ ngồi nhớ quê, nhớ nhất là mùi khói Tết. Chốn quê, nguyên tháng Chạp được coi là tháng Tết. Ngọn gió tàn đông hơi lạnh còn cứa buốt người đi làm đồng cũng được gọi là “gió Tết”. Đúng là khi lòng đang Tết thì nhìn đâu cũng thấy Tết...
Bây giờ, đời sống khá hơn xưa, bếp điện, bếp ga đã thay bếp lò với lọ lem than củi. Nhưng “ngọt bùi nhớ lúc đắng cay”, người làng vẫn hay ngồi nhắc nhau về cái bếp mịt mù khói của ngày xưa, nhất là những chiều đông củi ẩm, nhóm được cái bếp lửa phải thổi phù phù, nhiều khi cặp mắt đỏ hoe. Thời đó, củi lượm về chất vun theo vách bếp. Người trong xóm hay nói vui: “Chà, ngó đống củi cao như núi là biết nhà này ăn Tết lớn phải biết!”.
Tết quê. Ảnh: ĐÔNG YÊN |
Đủ thứ món cần lên bếp cho một cái Tết. Sên mứt dừa, mứt gừng, mứt bí đao... Làm món thịt kho tàu. Nấu mắm ngâm thịt, ngâm dưa món. Nấu giấm ngâm đuôi heo, nấu bánh chưng, bánh tét. Rang nếp đóng bánh nổ. Đổ bánh thuẫn, đóng bánh đậu xanh... Phải làm chừng đó món nên bếp nhà nào cũng đỏ lửa tới nửa đêm về sáng. Các bà nội trợ ở làng tôi ai cũng “khó tính” khi chọn củi Tết. Họ nói củi phải ra củi. Thanh củi phải no nắng, khô giòn, rắn chắc mới cho thứ lửa đỏ đượm và thơm. Mẹ nói khi chụm, lâu lâu củi nổ, bắn ra hàng trăm đốm lửa li ti, củi đó mới là củi... thứ thiệt. Thanh củi nào đang cháy mà khúc đuôi xì ra những bong bóng nước là bị thay thế ngay, vì đó là những thanh củi yếu nắng, không rực lửa.
Khói bếp nhà này gặp khói bếp nhà khác cũng nhân lên mùi Tết. Khói Tết thơm đậm đà, thơm rất xa, thơm mộc mạc nhưng đầy mê dụ. Những trò chơi hấp dẫn của đám nhóc bên hàng cây so đũa nhiều khi xao lãng hoặc ngừng hẳn. Đấy là lúc lũ nhỏ đứng hít hà, đoán biết mùi khói cùng với hương thơm này là của món ăn nào. Và rồi, đưa ra kết quả, nào là mùi mứt gừng, mùi thịt kho tàu, mùi dưa món, mùi bánh thuẫn, bánh bông lan... Có lúc cãi nhau om sòm, kéo cả lũ thò đầu vào cửa bếp hàng xóm để “phân định” thắng thua. Nhiều khi bị người lớn la mắng “tụi bay lộn xộn quá, đi chỗ khác chơi”. Nói là nói vậy chứ người lớn cũng cho mỗi đứa trẻ một cái bánh. Cùng làm nên mùi khói Tết là mùi khói nến, nhang đèn trên bàn thờ tổ tiên. Rồi mùi chè xôi, trái cây, thịt mỡ, dưa hành của những lễ cúng tất niên...
Trong tôi vẫn cứ vấn vương mùi khói Tết từ chái bếp cũ và rưng rưng mỗi khi nhớ về. Nơi đó, mẹ thu vén làm nên những món Tết tuy còn thiếu thốn nhưng đong đầy yêu thương, ấm áp. Bếp thời bây giờ sáng trưng, nấu cơm không khói, không lửa, nhấn nút chờ chút là cơm chín. Ngày nay, Tết đến, muốn ăn món gì, chỉ cần ra chợ, siêu thị, hoặc gọi điện người ta mang đến. Trong ký ức của lớp người lớn tuổi vẫn nhớ mãi bếp Tết ngày xưa. Thời lui cui thổi lửa khói hun tro bay nhòe mắt vẫn là hình ảnh khó quên. Nhắc nhớ hình ảnh yêu thương của một thời đã xa để càng nâng niu cuộc sống hiện tại.
May sao bánh tét, bánh chưng vẫn gắn liền với Tết. Vẫn nếp, vẫn thịt mỡ, vẫn những cọng lạt tre, xấp lá chuối, vẫn cả nhà ngồi gói bánh rôm rả chuyện trò. Vẫn nồi bánh chưng, bánh tét sôi sùng sục vào những ngày cuối năm. Những khúc củi to cho lửa đượm vẫn ấm áp những góc sân trong đêm trừ tịch. Cô bạn ở Úc, Tết nào cũng gọi về cho tôi, bảo rằng: “Mình nhớ khói Tết quê nhà nhiều lắm! Quên sao được mà quên!”.
TRẦN CAO DUYÊN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: