3 thảo dược điều trị cảm cúm

15:04, 20/04/2023
.

Cảm cúm là bệnh có thể xảy ra quanh năm, do tác nhân gây bệnh phát triển và sức đề kháng của cơ thể suy giảm...

Biểu hiện của cảm cúm chủ yếu là: Sốt, sợ lạnh, buồn nôn, đau mỏi toàn thân, tắc mũi, chảy nước mũi, hắt hơi, ngứa họng, nhức đầu...

Các thảo dược điều trị cảm cúm, thường dùng lá hoặc cả cây có chứa tinh dầu, với tác dụng diệt khuẩn như cây cóc mẳn, cây bọ mẩy, cây quýt gai...

1. Cây cóc mẳn trị cảm cúm

Cóc mẳn là một loại cỏ nhỏ, thân mềm, mọc bò lan, cành lòa xòa mọc sát mặt đất, phân rất nhiều cành, ở ngọn có lông trắng mịn, nhưng toàn thân trông nhẵn bóng.

Cây cóc mẳn
Cây cóc mẳn

Lá đơn, mép có khía 1-3 răng cưa, mọc so le; cụm hoa hình đầu, mọc ở nách lá, hoa cái gồm nhiều lớp, cánh hoa hình ống màu trắng, trên có răng cưa, tràng hoa hình chuông có 4 răng hình trứng rộng, màu hơi tím.

Quả 4 cạnh, trên cạnh có lông mịn nhỏ. Để dùng làm thuốc, thường hái toàn cây cả rễ, dùng tươi hay phơi hoặc sấy khô.

Theo Đông y: Cóc mẳn có vị cay, tính ấm; vào kinh Thủ thái âm; có tác dụng trừ phong, tán hàn, thắng thấp, thông mũi; dùng chữa cảm mạo, hen suyễn, viêm họng, viêm amiđan, ho gà…

- Cách dùng cóc mẳn chữa cảm cúm:

+ Cây cóc mẳn tươi 100g; rửa sạch, giã nát vắt lấy nước cốt, hòa thêm chút rượu trắng; chia 2 lần uống trong ngày, uống ấm (trước khi uống hâm lại cho ấm).

+ Hoặc dùng bài: Cóc mẳn phơi khô, tán thành bột mịn; ngày uống 2 lần, mỗi lần 6g chiêu thuốc bằng nước ấm.

Công dụng: Khu phong tán hàn, chống virus; dùng chữa cúm với các triệu chứng như phát sốt, sợ lạnh, tắc mũi, mũi chảy nước, đau đầu, đau mình mẩy.

- Cóc mẳn chữa ho gió (do ngoại cảm):

- Cóc mẳn chữa viêm mũi dị ứng, viêm mũi cấp mạn tính, viêm xoang mũi:

Cách 1: Cóc mẳn (tươi hoặc khô đều được) vò nát, đưa vào sát lỗ mũi, hít vào, ngày 3 lần.

Cách 2: Cóc mẳn tươi, vò nát, vê tròn rồi nhét vào lỗ mũi.

Cách 3: Cóc mẳn tươi 20-25g (khô 10g), tân di hoa 8g; sắc lấy nước đặc, nhỏ mũi ngày 3 lần.

Công dụng: Thông mũi, tiêu viêm.

2. Cây bọ mẩy

Bọ mẩy là loại cây nhỏ, cao khoảng 1m. Cành tròn, lúc non có lông, khi già thì nhẵn. Lá mọc đối, hình mác, đầu nhọn, phía cuống cũng nhọn hay hơi tròn, hai mặt đều nhẵn, màu xanh lục thẫm, dài 5-13cm, rộng 3-7cm, gân nổi rõ ở mặt dưới, khi vò lá thấy có mùi hôi đặc trưng.

Cây bọ mẩy
Cây bọ mẩy

Hoa màu trắng, mọc ở đầu cành trên ngọn cây, nhị thò dài. Quả hạch, hình trứng, bọc trong đài.

Đông y thường dùng lá kèm theo cành non để làm thuốc. Chỉ cần loại bỏ tạp chất và lá khô, rửa sạch, hong gần khô, cắt thành từng đoạn ngắn, phơi hoặc sấy khô, cất ở nơi khô mát dùng dần.

Theo Đông y: Cành và lá bọ mẩy gọi là "đại thanh diệp" có vị đắng, tính mát vào 2 kinh tâm và vị; có tác dụng thanh nhiệt, tả hỏa, giải độc, lương huyết (mát máu), tán ứ, chỉ huyết (cầm máu); thường dùng chữa các chứng bệnh do "hỏa độc" gây nên như sốt cao phiền khát, cảm, cúm, viêm gan cấp tính do nhiễm trùng, lỵ nhiễm khuẩn, viêm đường ruột cấp tính, viêm phổi, quai bị (viêm tuyến nước bọt), thổ huyết, nục huyết (chảy máu mũi), đơn độc, mụn nhọt lở loét ngoài da, ...

Kinh nghiệm dân gian thường dùng cành lá bọ mẩy đem sao vàng, sắc nước uống cho phụ nữ sau khi sinh nở giúp ăn ngon miệng và chóng lại sức. Một vài nơi thường hái lá non về nấu canh ăn. Rễ có tính năng tương tự như cành lá, nhưng còn có thêm tác dụng trừ phong thấp và chống đau nhức.

- Cách dùng bọ mẩy chữa cảm cúm:

Lá bọ mẩy tươi 20g, sắc nước uống, chia ra uống vào sáng và chiều, uống liền trong trong 6 ngày.

- Dự phòng viêm đường hô hấp trên:

Lá kèm cành non bọ mẩy 15g, sắc nước uống, chia ra uống vào sáng và chiều; liên tục trong 6 ngày.

- Chữa viêm phế quản mạn tính kèm theo ho, ngạt mũi:

Lá bọ mẩy tươi 30g, lá nhót tươi 30g, hạt củ cải 15g; sắc nước uống trong ngày.

3. Cây quýt gai

Quýt gai một cây nhỏ, mọc thành bụi, cao khoảng 1m, thân phân thành rất nhiều cành, có nhiều gai mọc từ nách lá, cành non có khi có lông mịn.

Cây quýt gai
Cây quýt gai

Lá nguyên, hình bầu dục đầu tròn, thuôn tròn ở phía cuống. Hái lá soi lên ánh sáng sẽ thấy có rất nhiều điểm trong (sáng) do chứa tinh dầu. Hoa trắng gần như không cuống, mọc đơn độc hay tụ thành 2 hoặc 3 bông ở nách lá. Quả mọng, hình cầu, đường kính 10-12mm, chứa 2 hạt, khi chín có màu đen.

Theo Đông y, quýt gai có vị cay, tính ấm; có tác dụng hóa ứ chỉ thống (tan huyết ứ, giảm đau), thuận khí hóa đàm (điều hòa hô hấp, tan đờm); thường dùng chữa đòn ngã sưng đau, gãy xương, phong thấp đau nhức, cảm mạo, ho, đau dạ dày.

- Cách dùng quýt gai chữa cảm cúm, ho, nhức đầu:

Lá hoặc rễ quít gai 15g, sắc nước uống trong ngày;

Trường hợp cảm lạnh, ngạt mũi, không mồ hôi, có thể dùng lá quít gai nấu với những loại lá thơm khác như sả, cúc tần, đại bi, hương nhu, lá bưởi, lá chanh... đun nước xông cho ra mồ hôi.

- Chữa ho do phong nhiệt (ho nóng):

Rễ quýt gai 20g, vỏ rễ dâu tằm 10g, cam thảo nam 10g (hoặc cam thảo bắc 5g), sắc với 400ml nước còn 100ml, chia thành 2 phần uống trong ngày.

- Chữa ho nhiều đờm:

Quả quýt gai còn xanh 6-8 quả, trộn với 1-2 thìa cà phê mật ong, đem hấp cơm trong khoảng 30 phút, lấy ra nghiền nát, trộn đều, chia uống trong ngày.

Theo SKĐS

 


Ý kiến bạn đọc


.