Cảm nắng rất dễ xảy ra trong mùa hè. Có nhiều vị thuốc được dùng để chữa cảm nắng, trong đó nổi bật là hương nhu.
1. Đặc điểm của hương nhu
Ở Việt Nam có hai loại cây hương nhu: Trắng và tía. Loại được sử dụng nhiều là hương nhu tía.
Hương nhu tía. |
Cây hương nhu tía thường được trồng làm thuốc ở quanh nhà. Cây hương nhu trắng mọc hoang nhiều ở khắp nơi trong nước ta, nhiều nhất tại các tỉnh Quảng Ninh, Hà Giang, Tuyên Quang, Hải Dương, Hưng Yên.
Trong hương nhu chứa nhiều các alcaloid tinh dầu thơm.
Theo đông y, hương nhu có vị cay, hơi ôn, vào hai kinh phế và vị; có tác dụng làm ra mồ hôi, chữa cảm mạo, giảm sốt, lợi thấp hành thủy; dùng chữa cảm mạo, đầu nhức, bụng đau, miệng nôn, thủy thũng, đi ngoài lỏng, chảy máu cam.
Ngày dùng 3-8g. Những người âm hư và khí hư không dùng được.
2. Bài thuốc có hương nhu trị cảm nắng
Cát căn cùng với hương nhu và các vị thuốc khác chữa cảm. |
ThS.BS. Nguyễn Quang Dương – Trưởng khoa Ung bướu Bệnh viện Tuệ Tĩnh giới thiệu một số bài thuốc chữa cảm nắng từ hương nhu:
Bài 1: Hương nhu 8g, hậu phác 8g, bạch biển đậu 12g. Sắc uống trong ngày, uống nguội.
Tác dụng: Dùng cho người bị cảm mạo thương thử (ngày hè đi hóng mát hoặc uống nhiều nước lạnh) gây ra phát sốt, ớn rét, nặng đầu, tức ngực mà khô mồ hôi.
Bài 2: Hương nhu 12g, cát căn 12g, diếp cá 12g, nọc sởi 12g, bạc hà 8g, mộc hương 4g, sinh khương 4g. Sắc uống. Ngày 1 thang, chia 2 lần.
Tác dụng: Chữa cảm mùa hè với các triệu chứng: Đau đầu, ớn rét, phát sốt, miệng nôn, tiêu chảy, tim hồi hộp, miệng khát và tiểu tiện vàng đỏ.
Bài 3: Hương nhu 12g, tía tô (lá và cành) 9g, mộc qua 9g, sắc nước uống trong ngày.
Tác dụng: Chữa cảm nắng, nôn, tiêu chảy hoặc do mùa hè ăn quá nhiều các thứ sống lạnh.
Lưu ý: Nước sắc hương nhu nên uống nguội, nếu uống nóng dễ buồn nôn. Ngoài ra, bệnh nhân cần phải được uống nhiều nước, điện giải, phòng chống mất tân dịch và rối loạn điện giải khiến cơ thể mệt mỏi kéo dài. Không được xông hơi với bất kì hình thức nào.
Theo Mai Phương/SKĐS