(Baoquangngai.vn)- Trung tâm Y tế huyện Mộ Đức vừa cấp cứu kịp thời cứu sống một bệnh nhân lên cơn hen phế quản ngừng tim, ngừng thở.
Khoảng 5 giờ sáng 16/7, Trung tâm Y tế huyện Mộ Đức tiếp nhận bệnh nhân Phạm Thị Hiệp (40 tuổi), ở xã Đức Hiệp (Mộ Đức), được người nhà đưa đến trong tình trạng hôn mê, ngừng thở, ngừng tim, toàn thân tím tái. Khai thác bệnh nhân có tiền sử bị hen phế quản, kíp trực gồm 1 bác sĩ và 2 điều dưỡng đã nhanh chóng ra quyết định điều trị hen phế quản nặng đối với bệnh nhân.
Bác sĩ Trịnh Quang Thứ - Trưởng khoa Khám bệnh (Trung tâm Y tế huyện Mộ Đức) là người trực tiếp cấp cứu cho bệnh nhân cho biết, bệnh nhân vào viện trong tình trạng nguy kịch, mạch và huyết áp không đo được. Chúng tôi đã khẩn trương tiến hành ép tim ngoài lồng ngực, bóp bóng, cho bệnh nhân thở ô xy, dùng thuốc giãn phế quản. Sau gần 10 phút nỗ lực cấp cứu tích cực, tim bệnh nhân đã đập trở lại, có huyết áp, có nhịp tự thở nhưng vẫn hôn mê.
Bác sĩ Trịnh Công Thứ - Trưởng khoa Khám bệnh (Trung tâm Y tế huyện Mộ Đức) là người trực tiếp cấp cứu cho bệnh nhân Phạm Thị Hiệp. |
Kíp trực có kinh nghiệm chuyên môn cao đã không lơ là, tiếp tục theo dõi sát và điều trị, nhằm hạn chế nguy cơ bệnh nhân rơi vào tình trạng chết não do thiếu ô xy não và để lại di chứng. Khoảng 30 phút sau đó, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và hồi tỉnh. Đến nay, sau 6 ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, không có di chứng và chuẩn bị được xuất viện.
Bệnh nhân Phạm Thị Hiệp cho biết, tôi bị hen phế quản đã 5 năm. Lâu nay tôi vẫn tự mua thuốc uống và không lên cơn hen. Nhưng lần này, bệnh trở nặng đột ngột khiến tôi không thở được và ngất xỉu lúc nào không hay. May mắn cho tôi là được đưa vào Trung tâm Y tế huyện Mộ Đức và được cấp cứu kịp thời. Tôi và người nhà rất cảm động trước sự điều trị, chăm sóc tận tình của các y, bác sĩ tại đây.
Bệnh hen phế quản còn gọi là hen suyễn hay bệnh suyễn. Đây là bệnh lý viêm mạn tính của phế quản thuộc hệ hô hấp. Triệu chứng bệnh bao gồm những cơn rít, thở nhanh, ngực bị co ép và ho, đặc biệt thường xảy ra vào ban đêm hay sáng sớm. Nếu không xử trí cơn hen kịp thời sẽ rất nguy hiểm cho người bệnh, có thể dẫn đến tử vong.
Bác sĩ Trịnh Quang Thứ khuyến cáo, những bệnh nhân có tiền sử bệnh hen, cần được khám và tư vấn sử dụng thuốc hen dự phòng tại các cơ sở y tế chuyên khoa về hô hấp. Bệnh nhân tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc điều trị, sẽ dễ gây ra các biến chứng nguy hiểm. Khi thấy dấu hiệu ho, tức nặng ngực, kèm theo khó thở, bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và tư vấn sớm về tình trạng bệnh; tránh những tai biến bất ngờ xảy ra, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Tin, ảnh: THANH PHƯƠNG
TIN, BÀI LIÊN QUAN: