Chị Đỗ Thị Thanh Hương ở xã Tịnh Châu (TP.Quảng Ngãi) thấy con gái 8 tuổi có biểu hiện mắt sưng đỏ, đổ ghèn liên tục nên dẫn đến khám tại Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh. Qua thăm khám, bác sĩ cho biết, cháu bị viêm kết mạc, hay còn gọi là bệnh đau mắt đỏ, do vi rút Adeno gây ra. Trẻ mắc bệnh này cần thời gian từ 10 – 15 ngày mới khỏi bệnh. Hiện chị đã cho cháu tạm thời nghỉ học để tránh lây lan cho các bạn cùng lớp.
Nhiều trẻ có triệu chứng bị đau mắt đỏ được đưa đến khám tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh. |
Chị Hương chia sẻ, mấy ngày nay đưa cháu đi học, tôi thấy nhiều bạn cùng lớp, cùng trường của cháu có biểu hiện bị đau mắt đỏ. Sáng nay ngủ dậy thì cháu than đau mắt, nên tôi dẫn cháu đi khám để được điều trị kịp thời.
Thống kê cho thấy, tháng 6/2023 có gần 200 bệnh nhi đau mắt đỏ đến khám tại Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh. Đến tháng 8, con số này đã tăng lên hơn 300. Số lượng bệnh nhi trong 10 ngày đầu tháng 9 đã vượt hơn nhiều so với những tháng trước. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận 40 – 50 bệnh nhi có biểu hiện của đau mắt đỏ đến khám và điều trị, tăng gấp 3 – 4 lần so với ngày thường.
Số lượng bệnh nhi đau mắt đỏ tăng cao kể từ khi vào năm học mới. |
Bác sĩ Lê Thị Thảo Nguyên – Liên chuyên khoa Mắt – Tai mũi họng – Răng hàm mặt (Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh) khuyến cáo, khi trẻ có các biểu hiện mắt sưng đỏ, chảy nước mắt, đổ ghèn nhiều, thì cha mẹ nên cho trẻ đến các cơ sở y tế để khám và điều trị. Tránh sử dụng các biện pháp dân gian hoặc tự ý mua thuốc để tự điều trị, rất dễ gây ra các biến chứng như: Viêm giác mạc, sẹo giác mạc làm giảm thị lực của trẻ.
Ngay sau lễ khai giảng năm học mới, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu ghi nhận có học sinh bị đau mắt đỏ. Dù chưa thành dịch nhưng các trường đã chủ động phòng, chống.
Các trường học đã triển khai nhiều biện pháp để phòng, chống dịch đau mắt đỏ. |
Cô Nguyễn Thị Minh Tâm – Giáo viên chủ nhiệm lớp 5C, Trường Tiểu học Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi) cho biết, nhà trường yêu cầu các giáo viên phải thường xuyên hướng dẫn các con về cách phòng, chống dịch đau mắt đỏ. Nên trong các giờ sinh hoạt lớp, tôi đã phát tờ rơi, cho các con xem các clip chỉ dẫn cách phòng bệnh.
Nhân viên y tế Trường Tiểu học Nguyễn Nghiêm Vương Nghiễm Nữ chia sẻ, vừa vào năm học, một số lớp đã báo có học sinh bị đau mắt đỏ. Nên chúng tôi đã kịp thời ngăn chặn bệnh bùng phát thành dịch bằng cách phối hợp với phụ huynh triển khai các biện pháp phòng dịch, như: Dặn các con thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, không đưa tay dụi mắt, học sinh nào bị đau mắt đỏ phải nghỉ học cho đến khi khỏi hẳn để tránh lây cho các bạn khác…
Các trường học đã tích cực tuyên truyền cách phòng, chống dịch đến phụ huynh thông qua group zalo của trường, lớp; nhắc nhở học sinh các biện pháp phòng tránh và các bước phòng tránh theo khuyến cáo của ngành y tế.
Tại Trường Tiểu học Trần Phú (TP.Quảng Ngãi), gần 2.000 học sinh thuộc 48 lớp từ khối 1 – 5 cũng được các giáo viên thường xuyên hướng dẫn cách phòng bệnh đau mắt đỏ. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Phú Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết, hiện tượng học sinh bị đau mắt đỏ xuất hiện rải rác từ ngày khai giảng. Ngay sau khi phát hiện học sinh có triệu chứng này, nhà trường đã thông báo cho phụ huynh đón trẻ về để điều trị, tránh lây lan.
Đồng thời, trường bố trí nhân viên y tế và yêu cầu giáo viên chủ nhiệm có trách nhiệm quan sát học sinh trước khi vào lớp; hướng dẫn phụ huynh khi con có biểu hiện đau mắt đỏ phải báo nhà trường và cho trẻ nghỉ học.
Theo khuyến cáo của các bác sĩ chuyên khoa, biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả nhất để phòng chống lây lan bệnh đau mắt đỏ là thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân…
Người có các triệu chứng của bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác; cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.
Bài, ảnh: T.PHƯƠNG