Những chấn thương “âm thầm” khi chơi thể thao

08:49, 06/06/2024
.
(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều người chơi thể thao bị chấn thương nặng về xương khớp, gân cơ, nhưng lại chủ quan, bỏ qua các thương tổn, vì một số chấn thương không có dấu hiệu rõ ràng để nhận biết.
 
Cuối tháng 3/2024, anh N.M, ở huyện Tư Nghĩa đến thăm khám tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh và không khỏi bất ngờ khi nghe bác sĩ kết luận anh bị đứt dây chằng chéo đầu gối. “Tôi thường chơi bóng đá cùng bạn bè vào dịp cuối tuần. Lần gần đây nhất, khi ra sân, xoay người đột ngột, tôi thấy chân mình đau nhói. Nhưng cơn đau đó chỉ thoáng qua rồi nhanh chóng biến mất. Vì vậy, tôi chủ quan không thăm khám. Mãi đến thời gian gần đây, sau 2 tháng kể từ trận bóng đó, mỗi lần lên, xuống cầu thang, tôi thấy chân mình không linh hoạt như trước. Đến lúc này, tôi mới đi bệnh viện...”, anh M chia sẻ.
Những người chơi bóng chuyền thường đối mặt với nguy cơ tổn thương gân cơ chóp xoay.                                                                                                              Ảnh: ĐÔNG YÊN
Những người chơi bóng chuyền thường đối mặt với nguy cơ tổn thương gân cơ chóp xoay. Ảnh: ĐÔNG YÊN

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Phúc Thành - Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình - Bỏng (BVĐK tỉnh), thời gian gần đây, khoa tiếp nhận và điều trị cho nhiều trường hợp chấn thương do chơi thể thao. Trong đó, các chấn thương thường gặp nhất là đứt dây chằng chéo, tổn thương sụn chêm ở khớp gối khi chơi bóng đá, chạy bộ; tổn thương gân cơ chóp xoay, tổn thương dây thần kinh dọc cánh tay khi chơi bóng chuyền, cầu lông, tennis. Tuy nhiên, điều đáng nói là, nhiều bệnh nhân đến bệnh viện trong tình trạng muộn, bởi họ không nhận biết sớm được những chấn thương này.

“Có nhiều bệnh nhân, khi đứt dây chằng chéo, họ bị ngã quỵ gối xuống đất, không thể đứng vững và nghe tiếng rắc phát ra từ đầu gối. Tuy nhiên, cũng có nhiều bệnh nhân, dù bị đứt dây chằng, nhưng ngoài cơn đau nhói thoáng qua, họ không có bất cứ dấu hiệu nào khác. Đó là nguyên nhân khiến nhiều người chơi thể thao bị đứt dây chằng nhưng không hề hay biết và chậm trễ trong điều trị, dẫn đến khớp gối bị thoái hóa.

Bên cạnh đó, một số chấn thương thường gặp khác như rách sụn chêm khớp gối, tổn thương dây thần kinh dọc cánh tay cũng không có dấu hiệu rõ ràng. Người bị tổn thương dây thần kinh dọc cánh tay, thoạt đầu chỉ thấy tay thỉnh thoảng xuất hiện cảm giác bị tê rần. Sau đó, nếu không được điều trị kịp thời, tay bắt đầu yếu đi và teo cơ. Còn đối với trường hợp bị rách sụn chêm khớp gối, gối người bệnh sẽ bị sưng và hạn chế vận động gối. Nhưng nhiều người chủ quan, nhầm tưởng đó là dấu hiệu bị sưng cơ do tập thể thao nhiều nên chỉ chườm nóng, thoa dầu...”, Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Phúc Thành cho biết.

Để tránh những chấn thương diễn biến âm thầm, gây hậu quả nghiêm trọng về lâu dài cho sức khỏe, người chơi thể thao cần lưu ý các triệu chứng và chủ động đến các cơ sở y tế để được kiểm tra kịp thời. Và một cách giúp hạn chế những chấn thương trong thể thao là phải khởi động đúng cách, tập luyện đúng kỹ thuật và phù hợp với thể trạng, sức khỏe của bản thân để tránh gây áp lực lên cơ, gân, khớp...

ĐÔNG YÊN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 08:49, 06/06/2024

Ý kiến bạn đọc


.