Phòng bệnh hô hấp cho người cao tuổi vào mùa lạnh

10:08, 21/11/2023
.
(Baoquangngai.vn)- Khi thời tiết chuyển mùa, khí hậu thay đổi sang lạnh đột ngột làm cho bệnh về đường hô hấp trong cộng đồng tăng, hay gặp nhất là ở người cao tuổi. Các bệnh về đường hô hấp như viêm mũi họng, viêm amydal, viêm thanh quản, phế quản, viêm phổi, hen phế quản… là những bệnh hô hấp mà người cao tuổi dễ mắc. Nếu không điều trị đúng cách, kịp thời bệnh dễ gây ra những biến chứng nguy hiểm.
 
Người cao tuổi sức đề kháng kém, hệ miễn dịch suy giảm, sức khỏe yếu do cơ thể lão hóa tự nhiên nên các loại vi khuẩn, vi rút đường hô hấp dễ dàng xâm nhập vào cơ thể gây bệnh về đường hô hấp. Một số người mắc bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, hen phế quản, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), Parkinson, di chứng đột quỵ, Alzheimer... nguy cơ bị viêm nhiễm đường hô hấp càng cao, làm cho chức năng miễn dịch hô hấp suy giảm trầm trọng. Do vậy, làm tăng tỷ lệ mắc bệnh đường hô hấp ở người cao tuổi nhiều hơn.
 
Bệnh nhân bị bệnh viêm đường hô hấp được bác sĩ khám tại bệnh viện
Bệnh nhân bị bệnh viêm đường hô hấp được bác sĩ khám tại bệnh viện. Ảnh: M.H
 
Bác sĩ CKII Trịnh Quang Thân, Trưởng khoa Nội tim mạch - Cán bộ Trung cao, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, người cao tuổi mắc phải bệnh hô hấp có biểu hiện ho, đau rát họng, hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi, sốt, tức ngực, đôi khi khó thở. Những trường hợp như bệnh hen, cấp của COPD nghe tiếng thở khò khè, nặng hơn phải nhập viện, có thể biến chứng suy hô hấp, tím tái, tím nhẹ quanh môi hay tím cả mặt, tùy theo tình trạng bệnh.
 
Bệnh về đường hô hấp trên, triệu chứng nhẹ nhàng hơn sổ mũi, hắt hơi, ho khang, có một ít đờm, đờm trong hoặc đục. Đường hô hấp dưới như viêm phổi thì ho, đau ngực, sốt cao, khó thở, người lớn tuổi nếu để viêm phổi rất dễ bị suy hô hấp. Trường hợp cấp của hen phế quản hoặc là bệnh COPD, cấp của COPD nghe thở khò khè, tiếng thở rít, tiếng ngáy… sốt nặng, nhẹ tùy theo mức độ nhiễm trùng. 
 
Người cao tuổi có bệnh mạn tính như hen suyễn, COPD, tăng huyết áp, đái tháo đường nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp cao hơn, khi đã mắc bệnh viêm phổi nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng, một trong số đó là suy hô hấp, phổi bị tổn thương nặng, giảm chức năng hô hấp dẫn đến không cung cấp đủ lượng oxy cho não… điều trị bệnh khó khăn hơn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Vì thế, cần phải theo dõi sức khỏe, có biện pháp phòng ngừa thích hợp ngay từ đầu.
 
Bác sĩ CKII Trịnh Quang Thân, khuyến cáo, người cao tuổi giữ ấm cho cơ thể là biện pháp hàng đầu để phòng bệnh, mặc đủ ấm, ngủ ấm, ở nơi cao ráo, tránh gió lùa, hạn chế ra khỏi nhà lúc sáng sớm, khi cần thiết phải ra khỏi nhà cổ cần có khăn choàng, đầu cần đội loại mũ bịt cả hai tai. Trời mưa thì có áo mưa đề phòng ẩm ướt, không để cơ thể lạnh đột ngột. Chế độ ăn, uống khoa học, đầy đủ các chất dinh dưỡng, tăng cường rau xanh và trái cây, uống trà gừng, nước ấm. Bỏ thuốc lá, không uống rượu, bia, chất có cồn. Duy trì thói quen đánh răng đều đặn trước và sau khi ngủ dậy, súc miệng bằng nước ấm. 
 
Các bệnh đường hô hấp chủ yếu lây truyền qua đường không khí khi người bệnh ho, hắt hơi, khạc nhổ những giọt nước bọt nhỏ li ti bắn ra, người lành hít phải sẽ bị bệnh; qua tiếp xúc như ôm hôn, qua tay, miệng… hoặc sử dụng chung các đồ dùng của người bệnh. Người bị bệnh cần đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác, không khạc nhổ bừa bãi, che tay khi ho, các chất thải người bệnh cần được xử lý đúng cách. Những người mắc bệnh mạn tính về đường hô hấp duy trì đều đặn chế độ điều trị, không tự ý dùng thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ, có các biểu hiện bất thường về đường hô hấp cần đến cơ sở y tế để được thăm khám.  
 
MINH HIỀN
TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 10:08, 21/11/2023

Ý kiến bạn đọc


.