Phòng bệnh cho trẻ vào mùa nắng 

16:15, 04/04/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời tiết nắng nóng rất dễ bùng phát các dịch bệnh nguy hiểm như thủy đậu, tay chân miệng, sốt xuất huyết, tiêu chảy... ở trẻ em. Ngành chức năng khuyến cáo các bậc phụ huynh, nhà trường - nơi tập trung trẻ học bán trú cần chú ý các biện pháp phòng tránh các loại bệnh, bảo vệ sức khỏe cho trẻ.

Sau 2 lần con trai đầu bị bệnh tay chân miệng, chị V.T.D, ở xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa), lo ngại con mình sẽ mắc các loại bệnh trong mùa nắng nóng, nên chị để con ở nhà chăm sóc chứ không gửi nhà trẻ. Chị D cho biết, 2 con của tôi còn quá nhỏ. Con đầu mới được 28 tháng tuổi, con nhỏ được 8 tháng tuổi. Đây là lứa tuổi rất mẫn cảm với thời tiết, dễ mắc các loại bệnh hô hấp, sốt, tay chân miệng...  “Mỗi lần con bị bệnh phải nhập viện điều trị nội trú cả tuần. Sức khỏe cháu giảm sút. Giờ thời tiết nắng nóng thất thường nên tôi ở nhà chăm sóc, cho con ăn uống đầy đủ để hạn chế đau ốm”, chị D chia sẻ.

Trẻ em cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý và sinh hoạt trong môi trường sạch sẽ. Ảnh: Trường An
Trẻ em cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý và sinh hoạt trong môi trường sạch sẽ. Ảnh: Trường An

Theo bác sĩ Trần Đình Điệp - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, kiêm quản lý Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh), những ngày qua, thời tiết nắng nóng, trẻ em nhập viện tăng cao. Bình quân mỗi ngày, Khoa Khám bệnh tiếp nhận từ 400 - 500 bệnh nhi; trong đó có nhiều trẻ bị viêm đường hô hấp, sốt cao, sốt phát ban, tiêu chảy và cả bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết...

Trẻ mắc bệnh hô hấp đa phần do hoạt động ngoài nắng với thời gian dài, khi đổ nhiều mồ hôi rồi vào phòng điều hòa hay ngồi trước quạt mở tốc độ lớn rất dễ gây ra tình trạng khô vùng mũi họng, khô chất nhầy bảo vệ đường hô hấp, thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập. Ngoài ra, trẻ uống nước lạnh, tắm nước mát cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng sốc nhiệt và các bệnh lý nặng về đường hô hấp. Trong mùa nắng nóng, độ ẩm trong không khí thường cao cũng là điều kiện thuận lợi cho vi rút gây  bệnh tay chân miệng. Đối với bệnh về đường tiêu hóa như ngộ độc thức ăn, tiêu chảy... là do dụng cụ ăn uống (chén đũa, ly nước, bình bú cho trẻ nhỏ...) không được vệ sinh sạch sẽ hoặc cách thức bảo quản thực phẩm không đúng, làm cho thức ăn bị ôi thiu hoặc lên men. Khi ăn phải thực phẩm này, hệ tiêu hóa của trẻ em sẽ bị ảnh hưởng, hoạt động kém gây tiêu chảy...

Sở Y tế đã có văn bản chỉ đạo cơ sở y tế phối hợp với các trường học, khuyến cáo các bậc phụ huynh tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh cho trẻ trong mùa nắng nóng. Các cơ sở trường học nhận nuôi trẻ phải vệ sinh phòng sạch sẽ, thoáng khí, mát mẻ, tránh để cho trẻ hoạt động vui chơi, thể chất ngoài nắng quá lâu. Các bậc phụ huynh chú ý chế độ dinh dưỡng cho trẻ, cho trẻ uống đủ nước, đảm bảo “ăn chín, uống sôi”, nguồn thức ăn phải tươi, sạch, dụng cụ cho trẻ ăn uống phải sạch sẽ, bảo quản đồ ăn đúng cách. Khi thấy trẻ có dấu hiệu bất thường cần đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế để được phát hiện và xử trí kịp thời.

TR.AN

 


Ý kiến bạn đọc


.