(Báo Quảng Ngãi)- Cơ sở vật chất, thiết bị y tế xuống cấp, hư hỏng. Kinh phí khám, chữa bệnh (KCB) theo BHYT vượt dự toán từ nhiều năm trước hiện chưa được thanh toán... Đó là những khó khăn của Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh cần được tỉnh và ngành chức năng sớm tháo gỡ.
Từ đầu tháng 3 đến nay, bình quân mỗi ngày, BVĐK tỉnh có khoảng 700 - 800 bệnh nhân khám, điều trị ngoại trú và gần 1.000 bệnh nhân điều trị nội trú, vượt chỉ tiêu giường bệnh (900 giường). Mặc dù bệnh nhân đến khám, điều trị khá đông, nhưng đội ngũ y, bác sĩ ở các bộ phận liên quan vẫn điều trị kịp thời cho bệnh nhân. Bà P.T.T (78 tuổi), ở xã Ba Động (Ba Tơ) chia sẻ, tôi bị đau cột sống, mắt bị đục thủy tinh thể nên bác sĩ bảo phải đến khám ở nhiều khoa, phòng liên quan. Tôi già, không rành sơ đồ bệnh viện, may nhờ nhân viên bệnh viện hướng dẫn làm thủ tục tận tình, nên tôi được bác sĩ khám, điều trị nhanh chóng.
Các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh chẩn đoán bệnh cho bệnh nhân. |
Phó Trưởng phòng Công tác xã hội (BVĐK tỉnh) Phan Thị Thanh Tâm cho biết, mỗi buổi sáng, phòng phân công nhiệm vụ cho các nhân viên hỗ trợ Khoa Khám bệnh hướng dẫn, đưa đón bệnh nhân làm thủ tục KCB. Nhờ vậy, số lượng bệnh nhân ở Khoa Khám bệnh nhanh chóng được đưa đến các khoa, phòng liên quan, hạn chế tình trạng bệnh nhân phải chờ lâu.
Theo thống kê, các khoa, phòng có số lượng bệnh nhân tăng là nội tim mạch, nội tổng hợp, điều trị theo yêu cầu, dịch vụ khám yêu cầu. Trong đó, công suất sử dụng giường bệnh ở Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc gần 115%, Khoa Nội tổng hợp hơn 130%, Khoa Nội tim mạch hơn 129%, Khoa Nội thần kinh hơn 125%, Khoa Mắt hơn 140%...
Giám đốc BVĐK tỉnh Lê Văn Thiều cho biết, trong những năm qua, nhất là từ năm 2022, bệnh viện đã triển khai một số kỹ thuật mới, chuyên sâu mang lại hiệu quả trong công tác điều trị cho bệnh nhân. Năm 2023 BVĐK tỉnh sẽ thành lập đơn vị đột quỵ não ở Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc; đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn tại Khoa Nội tim mạch; đặt nội soi can thiệp mật - tụy ngược dòng (ERCP) tại Khoa Nội tiêu hóa; tán sỏi thận qua da, phẫu thuật nội soi cắt toàn bộ dạ dày cộng nạo hạch D2; nội soi phế quản ống mềm cộng sinh thiết và triển khai dịch vụ giảm đau theo kiểu bệnh nhân tự kiểm soát PCA (Patient Controlled Anagesi); thay khớp gối... Nhờ vậy, số lượng bệnh nhân đến bệnh viện KCB ngày càng tăng.
Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng bệnh nhân chuyển tuyến còn khá nhiều. Nguyên nhân do cơ sở vật chất BVĐK tỉnh ngày càng xuống cấp, trang thiết bị y tế hư hỏng, thỉnh thoảng xảy ra tình trạng thiếu thuốc, hóa chất xét nghiệm. Giường bệnh yêu cầu chưa đạt chuẩn đã ảnh hưởng đến chất lượng KCB theo yêu cầu của người dân...
“Hiện nay, trên 90% kinh phí hoạt động của bệnh viện phụ thuộc vào nguồn thu từ BHYT. Trong khi đó, kinh phí KCB BHYT vượt dự toán trong nhiều năm qua vẫn chưa được cơ quan BHXH thanh toán. Bệnh viện Đa khoa tỉnh kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo BHXH tỉnh khẩn trương xem xét, tham mưu cho BHXH Việt Nam thanh toán sớm cho kinh phí KCB theo BHYT cho bệnh viện, để chúng tôi kịp thời giải quyết các khó khăn. Qua đó, giúp bệnh viện sớm có đủ tài chính để duy trì hoạt động chuyên môn, phục vụ tốt công tác KCB cho người dân”, bác sĩ Lê Văn Thiều chia sẻ.
Bài, ảnh: TR.AN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: