Thái Lan đặt mục tiêu đạt được thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với Liên minh châu Âu (EU) vào cuối năm 2025. Đây là một trong những FTA mà Chính phủ Thủ tướng Srettha Thavisin đang theo đuổi để thúc đẩy xuất khẩu, tăng cường thu hút đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước.
Thủ tướng Srettha Thavisin phát biểu ý kiến tại sự kiện “Mạng lưới doanh nghiệp Thái Lan-Sri Lanka”. (Ảnh: PRD Thailand) |
Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Chai Wacharonke cho biết, tại vòng đàm phán FTA thứ hai giữa Thái Lan và EU diễn ra từ ngày 22 đến 26/1 vừa qua, hai bên đã thảo luận các đề xuất cụ thể về thương mại và đầu tư để hướng tới mối quan hệ đối tác kinh tế chặt chẽ hơn trong tương lai.
Vòng đàm phán FTA tiếp theo giữa Thái Lan và EU sẽ được tổ chức vào tháng 6 tới. Ông Chai Wacharonke cho biết, Chính phủ Thái Lan đặt mục tiêu hoàn tất các cuộc đàm phán để đi đến việc ký kết FTA với EU vào năm 2025.
Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan nhấn mạnh, chính quyền Thủ tướng Srettha Thavisin đang thúc đẩy chính sách ngoại giao kinh tế chủ động, trong đó tập trung đẩy mạnh việc đàm phán và ký kết các FTA với nhiều đối tác trên thế giới. Thủ tướng Srettha Thavisin, đồng thời là Bộ trưởng Tài chính Thái Lan đặt mục tiêu tận dụng tối đa các thỏa thuận FTA để vừa củng cố các thị trường hiện có và tìm kiếm các thị trường mới.
Theo Cục Đàm phán Thương mại Thái Lan, EU là đối tác thương mại lớn thứ tư của Thái Lan. Tổng giá trị trao đổi thương mại giữa Thái Lan và EU trong năm 2023 đạt khoảng 41,5 tỷ USD.
Lượng hàng hóa Thái Lan xuất khẩu sang EU trong năm 2023 đạt 21,8 tỷ USD, chủ yếu gồm máy tính, đá quý, đồ trang sức, điều hoà và các bảng mạch điện… Thái Lan nhập khẩu từ các nước EU máy móc, các sản phẩm y tế, dược phẩm và hóa chất… với lượng hàng hoá trị giá khoảng 19,7 tỷ USD trong năm 2023.
Trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Srettha Thavisin tới Sri Lanka, Thái Lan và Sri Lanka ngày 3/2 đã ký FTA nhằm tạo thuận lợi hơn cho quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai nước. Đây là FTA đầu tiên được ký bởi Chính phủ Thủ tướng Srettha Thavisin và là FTA thứ 15 của Thái Lan.
Theo dữ liệu của Ngân hàng Trung ương Sri Lanka, giá trị trao đổi thương mại hai chiều giữa Thái Lan và Sri Lanka đạt khoảng 460 triệu USD vào năm 2021.
FTA ký với Sri Lanka là FTA thứ 15 của Thái Lan. (Ảnh: PRD Thailand) |
Theo Cục Đàm phán Thương mại Thái Lan, Thái Lan dự kiến kết thúc đàm phán với Hiệp hội Thương mại Tự do châu Âu (EFTA) vào tháng 4/2024 và ký kết FTA với Hiệp hội này vào tháng 6 năm nay. EFTA gồm 4 quốc gia là Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland và Liechtenstein.
Thái Lan và Trung Quốc có kế hoạch nối lại các cuộc đàm phán FTA trong năm 2024. Hai nước đã tổ chức nhiều vòng đàm phán kể từ năm 2019, nhưng chưa đạt được thỏa thuận. Chính phủ Thủ tướng Srettha Thavisin hy vọng FTA với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Thái Lan, sẽ giúp giảm thâm hụt thương mại và thúc đẩy hợp tác thương mại-đầu tư giữa hai nước.
Chính phủ Thủ tướng Srettha Thavisin cũng lên kế hoạch bắt đầu đàm phán các FTA bổ sung như FTA Thái Lan-Hàn Quốc, FTA Thái Lan-Bhutan. Các cuộc đàm phán với các quốc gia này dự kiến sẽ bắt đầu vào quý 2/2024.
Theo ĐINH TRƯỜNG/Nhnadan.vn