Châu Phi tìm cách giải bài toán an ninh lương thực

08:13, 22/11/2023
.

Với mục đích thúc đẩy áp dụng và sử dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp nhằm bảo đảm an ninh lương thực tại châu Phi, Hội nghị Công nghệ nông nghiệp châu Phi đã diễn ra tại thủ đô Nairobi của Kenya mang chủ đề “Khả năng phục hồi nông nghiệp thông qua đổi mới”. Qua đó, hội nghị mong muốn góp phần tìm ra giải pháp cho bài toán an ninh lương thực, trong bối cảnh nhiều quốc gia châu Phi đang đứng bên bờ vực khủng hoảng trầm trọng.

Người dân Rwanda tham gia dự án trồng cây thích ứng biến đổi khí hậu. (Ảnh IUCN)
Người dân Rwanda tham gia dự án trồng cây thích ứng biến đổi khí hậu. (Ảnh IUCN)

Hội nghị Công nghệ nông nghiệp châu Phi, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển chăn nuôi Kenya và Quỹ Công nghệ Nông nghiệp châu Phi (AATF) đồng tổ chức, thu hút sự tham dự của hơn 500 đại biểu, bao gồm các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo ngành, đại diện các tổ chức phụ nữ và nông dân, thanh niên, các nhà đổi mới và nhà nghiên cứu.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển chăn nuôi Kenya Mithika Linturi cho biết, tình trạng biến đổi khí hậu đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực và đẩy những người dễ bị tổn thương nhất vào cảnh nghèo đói. Ông nhấn mạnh, việc tăng cường ứng dụng công nghệ trong phát triển nông nghiệp là chìa khóa để thúc đẩy an ninh lương thực và dinh dưỡng ở lục địa.

Trong khi đó, Giám đốc điều hành của AATF Canisius Kanangire khuyến nghị các nước châu Phi loại bỏ những rào cản chính sách và quy định gây cản trở việc tiếp thu tối ưu các công nghệ và đổi mới nông nghiệp. Theo ông Kanangire, hội nghị mang đến các phương pháp tiếp cận mới nhằm thúc đẩy việc áp dụng liền mạch các công nghệ đổi mới để có thể chuyển đổi hệ thống canh tác ở cấp độ hộ gia đình.

Tại Diễn đàn Lương thực thế giới (WFF) lần thứ 3 diễn ra trung tuần tháng 10 vừa qua tại trụ sở Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) ở Rome (Italia), Tổng Giám đốc FAO Khuất Ðông Ngọc cho rằng, các nước cần duy trì nỗ lực tận dụng khoa học và đổi mới để chuyển đổi hệ thống nông nghiệp và thực phẩm. Chủ tịch Hội đồng kỹ thuật liên chính phủ về đất đai Rosa Poch nhấn mạnh, cần nâng cao nhận thức của cộng đồng về những thách thức hiện nay, áp dụng các biện pháp bền vững, giám sát chất lượng đất và sử dụng các loại cây thích nghi với hệ sinh thái đang thay đổi.

Chính phủ Kenya tổ chức hội nghị nói trên trong bối cảnh nước này cũng như nhiều nước châu Phi khác đang phải vật lộn với các mức độ khủng hoảng lương thực khác nhau. Hạn hán kéo dài ở Kenya khiến gần 5 triệu người dân không được bảo đảm an ninh lương thực.

FAO đã hợp tác với Chính phủ Kenya và các nhà tài trợ để tăng cường khả năng phục hồi của các cộng đồng chịu ảnh hưởng của hạn hán. Những biện pháp được đưa ra bao gồm cung cấp thức ăn chăn nuôi, tiến hành tiêm chủng cho vật nuôi và hỗ trợ tiền mặt cho những người chăn nuôi.

Trong khi đó, tại Somalia, Ðiều phối viên nhân đạo của Liên hợp quốc George Conway cho biết, khoảng 4 triệu người dân nước này thiếu lương thực do ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết El Nino và tình hình được dự báo sẽ còn tồi tệ hơn trong những tháng còn lại của năm 2023. Somalia đã trải qua một đợt hạn hán kéo dài và nghiêm trọng tồi tệ nhất trong 40 năm qua, khiến khoảng 3,8 triệu người Somalia phải di tản trong nước và con số này đã tăng thêm 1 triệu người trong thời gian hạn hán kéo dài vừa qua. Nhờ các hoạt động nhân đạo trong hai năm qua, hơn 6,3 triệu người Somalia đã nhận được hỗ trợ của Liên hợp quốc.

Mặc dù những cơn mưa gần đây đã giúp cải thiện tình trạng mất an ninh lương thực, nhưng vẫn còn đó rất nhiều thách thức. Ngoài nhu cầu nhân đạo cơ bản trong nước, Ðiều phối viên nhân đạo của Liên hợp quốc cũng bày tỏ lo ngại về tác động của El Nino đối với mùa mưa ở Somalia. Theo ước tính của FAO, khoảng 1,2 triệu người Somalia có thể bị ảnh hưởng do lũ lụt trong ba tháng tới khi quốc gia này được dự báo sẽ phải hứng chịu những trận mưa lớn nhất trong 20 năm qua.

Trong khi đó, nghiên cứu do Tập đoàn bán lẻ Shoprite Nam Phi công bố cho thấy, đến năm 2025, gần một nửa dân số nước này có thể sẽ không được bảo đảm an ninh lương thực. Cụ thể, 48,96% dân số Nam Phi có thể sẽ không có đủ lương thực vào năm 2025, trong đó tỉnh Limpopo sẽ phải hứng chịu tình trạng mất an ninh lương thực tồi tệ nhất (với khoảng 54% dân số tỉnh). Trước đó, dữ liệu của năm 2022 cho thấy 52% dân số Nam Phi đã lâm vào tình trạng mất an ninh lương thực.

Theo HÀ ANH/Nhandan.vn
 

Xuất bản lúc: 08:13, 22/11/2023

Ý kiến bạn đọc


.