Ngày 29/9, Áo, Pháp, Đức, Ba Lan và Thụy Sĩ đã công bố ghi nhận tháng 9 nóng kỷ lục trong một năm được dự đoán sẽ ấm nhất trong lịch sử loài người do biến đổi khí hậu.
(Ảnh: Adobe Stock) |
Thời tiết ấm áp bất thường ở châu Âu xuất hiện sau khi cơ quan giám sát khí hậu của EU hồi đầu tháng 9 cho biết, nhiệt độ vào mùa hè ở khu vực Bắc bán cầu cao kỷ lục.
Theo Cơ quan Thời tiết Pháp (Meteo-France), nhiệt độ trung bình trong tháng 9 ở nước này vào khoảng 21,5°C (70,7 độ F), cao hơn từ 3,5°C đến 3,6°C so với giai đoạn tham chiếu 1991 - 2020. Nhiệt độ trung bình ở Pháp đã liên tục vượt quá mức thông thường hàng tháng trong gần hai năm qua.
Tại nước láng giềng Đức, Văn phòng Thời tiết Đức (DWD) thông tin, tháng 9 năm nay là tháng 9 nóng nhất kể từ khi kỷ lục quốc gia bắt đầu được thống kê, với nền nhiệt cao hơn gần 4°C so với mức cơ bản trong giai đoạn 1961 -1 990.
Viện Thời tiết Ba Lan công bố, mức nhiệt trong tháng 9 cao hơn mức trung bình 3,6°C và nóng nhất trong tháng 9 hàng năm kể từ khi hồ sơ bắt đầu được thống kê cách đây hơn 100 năm.
Cơ quan thời tiết quốc gia ở các quốc gia vùng núi Alps của Áo và Thụy Sĩ cũng ghi nhận nhiệt độ trung bình tháng 9 cao nhất từ trước đến nay, một ngày sau khi một nghiên cứu cho thấy, các sông băng ở Thụy Sĩ đã mất 10% thể tích băng trong hai năm do tình trạng nóng lên quá mức.
Cơ quan Thời tiết quốc gia Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cảnh báo, nhiệt độ ấm áp bất thường sẽ xảy ra vào cuối tuần này, với nhiệt độ lên tới 35°C ở các vùng phía Nam Tây Ban Nha vào ngày 29/9.
Các nhà khoa học nhận định, biến đổi khí hậu do hoạt động của con người gây ra đang khiến nhiệt độ toàn cầu tăng cao hơn, với nhiệt độ Trái đất tăng khoảng 1,2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu nói với AFP hồi đầu tháng 9 rằng năm 2023 có thể sẽ là năm nóng nhất mà nhân loại từng trải qua.
Nhiệt độ cao hơn có thể sẽ xảy ra vì hiện tượng thời tiết El Nino làm ấm vùng nước ở phía Nam Thái Bình Dương và xa hơn chỉ mới bắt đầu.
Sự gián đoạn đối với hệ thống khí hậu của Trái đất đang khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan như sóng nhiệt, hạn hán, cháy rừng và bão xảy ra thường xuyên và dữ dội hơn, gây thiệt hại lớn hơn về tính mạng và tài sản.
Các nhà lãnh đạo thế giới sẽ tập trung tại Dubai (UAE) từ ngày 30/11 để dự các cuộc đàm phán của Liên hợp quốc nhằm hạn chế những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu, bao gồm hạn chế sự nóng lên ở mức 1,5°C, mục tiêu của Thỏa thuận Paris 2015 mang tính bước ngoặt.
Cắt giảm lượng khí thải nhà kính làm nóng hành tinh, đặc biệt là bằng cách giảm dần việc tiêu thụ khí đốt, dầu và than gây ô nhiễm, tài trợ khí hậu và tăng cường năng lực năng lượng tái tạo sẽ là trọng tâm của các cuộc thảo luận.
Francois Gemenne, tác giả chính của báo cáo khí hậu Liên hợp quốc, nói với AFP trong tuần này: "Cho đến khi chúng ta đạt được mức trung hòa carbon, các kỷ lục về nhiệt độ sẽ bị phá vỡ một cách có hệ thống từ tuần này qua tuần khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác".
Theo VTV.vn