Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội: Đầu tư cho nguồn nhân lực

09:56, 16/01/2025
.

(Báo Quảng Ngãi)- Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, là người con của quê hương Quảng Ngãi. Trò chuyện với chúng tôi trước thềm xuân mới, GS.TS Lê Quân rất đỗi tự hào về quê hương núi Ấn - sông Trà, đã thẳng thắn trao đổi, gợi mở nhiều hướng đi để Quảng Ngãi vươn mình phát triển trong thời gian đến.  

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội.
 Ảnh: VÂN THIÊNG
Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: VÂN THIÊNG

PV: Thưa giáo sư, ông đánh giá thế nào về những tiềm năng, lợi thế của Quảng Ngãi trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung?
Giáo sư, Tiến sĩ LÊ QUÂN: Trên tất cả các phương diện, Quảng Ngãi hội đủ các điều kiện để trở thành tỉnh phát triển. Trong đó, hai cực tăng trưởng rất lớn của Quảng Ngãi có thể nhận diện dễ dàng.

Thứ nhất, Quảng Ngãi là một trong số ít địa phương có lợi thế phát triển kinh tế biển. Có cảng biển, đường sắt và đường bộ, đường hàng không (sân bay Chu Lai sẽ sớm trở thành trung tâm logistics hàng không lớn nhất miền Trung). Khu Kinh tế Dung Quất cùng với các KCN của tỉnh sẽ giúp Quảng Ngãi đạt được tốc độ tăng trưởng cao, cùng với phát triển các khu đô thị mới. Quảng Ngãi cần tận dụng các lĩnh vực ưu tiên phát triển gắn với kinh tế biển bao gồm năng lượng, điện tử, công nghiệp chế biến, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Thứ hai, Quảng Ngãi có đủ điều kiện để trở thành trung tâm du lịch, đô thị ven biển. Không gian phát triển du lịch của Quảng Ngãi trải rộng từ miền núi cao đến cánh cung ven biển trải dài, điểm nhấn là đảo Lý Sơn. Dựa vào các giá trị văn hóa, quỹ đất rộng lớn và điều kiện tự nhiên, danh lam thắng cảnh, Quảng Ngãi sẽ hình thành tam giác tăng trưởng về du lịch nối liền các cửa sông và đảo Lý Sơn.

PV: Với Quảng Ngãi, hướng phát triển nào được xem là tối ưu nhất, thưa giáo sư?
Giáo sư, Tiến sĩ LÊ QUÂN: Quảng Ngãi cần tiếp tục tập trung vào việc phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm, đặc biệt là công nghiệp dầu khí, chế biến hải sản và công nghiệp phụ trợ. Hướng phát triển của tỉnh sẽ là xây dựng các KCN kết hợp với đô thị, nhằm hình thành các khu đô thị công nghiệp sinh thái, tạo ra một hệ sinh thái kinh tế đa dạng và bền vững.

Ngoài công nghiệp, du lịch cũng là một lĩnh vực trọng yếu mà Quảng Ngãi cần tập trung phát triển, đặc biệt là du lịch biển, đảo, du lịch di sản văn hóa gắn liền với cộng đồng bản địa. Phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, từ du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái cho đến du lịch trải nghiệm và thực tế ảo, nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước. Để phát triển du lịch phải có sản phẩm và các sự kiện. Các doanh nghiệp muốn phát triển du lịch phải có một chuỗi sản phẩm liên quan đến du lịch (hậu cần du lịch, tour du lịch, đường bay). Các sự kiện du lịch, lễ hội nên gắn với các thời điểm trong năm để hấp dẫn du khách.

Một trong những hướng đi quan trọng của Quảng Ngãi là kết nối mạnh mẽ các khu vực trong tỉnh và ngoài tỉnh, thúc đẩy hình thành các tuyến giao thông huyết mạch để tạo ra các khu vực phát triển đồng đều. Đặc biệt, việc liên kết KKT Dung Quất với Lý Sơn và các khu du lịch sẽ giúp Quảng Ngãi trở thành một điểm đến nổi bật trong khu vực miền Trung.

PV: Để đáp ứng yêu cầu phát triển theo hướng mà giáo sư đề cập, trước mắt Quảng Ngãi cần ưu tiên thực hiện những lĩnh vực nào, thưa giáo sư?
Giáo sư, Tiến sĩ LÊ QUÂN: Có hai khâu rất quan trọng Quảng Ngãi cần ưu tiên làm ngay. Thứ nhất là, đầu tư cho nguồn nhân lực. Nhân lực cho phát triển công nghiệp và nhân lực cho du lịch. Ưu tiên đầu tư cho dạy nghề sẽ giúp chuyển đổi việc làm và giảm nghèo cho người dân các huyện phía tây. Ưu tiên đào tạo tin học, ngoại ngữ và STEM (Khoa học - Công nghệ - Kỹ thuật - Toán học) sẽ giúp có được nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp.

Thứ hai là, thu hút đầu tư vào hạ tầng du lịch bên cạnh phát triển hạ tầng GTVT. Hạ tầng du lịch biển của Quảng Ngãi hiện rất thiếu và yếu so với tiềm năng. Trên cơ sở quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt, Quảng Ngãi sớm có chính sách ưu đãi và thu hút các nhà đầu tư chiến lược để phát triển các đô thị sinh thái ven biển và các khu du lịch nghỉ dưỡng, sân golf, dịch vụ y tế, dịch vụ giải trí chất lượng cao...

PV: Là người con của miền đất Ấn - Trà, chắc chắn giáo sư cũng có những suy tư, trăn trở về quê hương. Với kinh nghiệm của người giữ vị trí lãnh đạo cao nhất của Đại học Quốc gia Hà Nội, giáo sư có những gợi mở gì để quê nhà phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới?
Giáo sư, Tiến sĩ LÊ QUÂN: Theo tôi, tỉnh nên quan tâm đổi mới công tác cán bộ gắn liền với cải cách hành chính. Cần tập trung vào việc đào tạo nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật và quản lý. Chính quyền cần phát triển các chương trình đào tạo nghề, kỹ năng mềm cho lực lượng lao động trẻ, để họ có thể thích nghi với những thay đổi của thị trường lao động và đóng góp vào sự phát triển kinh tế. Trước mắt, cần tập trung phát triển các trường đại học, cao đẳng, trường dạy nghề tại địa phương và hợp tác đặt hàng đào tạo với các đại học lớn trong khu vực. Ngoài ra, cần có chính sách thu hút và giữ chân nhân tài, đặc biệt là thu hút đội ngũ doanh nhân giỏi, các nhà khoa học.

Đoàn công tác của Đại học Quốc gia Hà Nội thăm và làm việc với Trường Đại học Phạm Văn Đồng.
 Ảnh: TTƯ LIỆU
Đoàn công tác của Đại học Quốc gia Hà Nội thăm và làm việc với Trường Đại học Phạm Văn Đồng. Ảnh: TTƯ LIỆU

Bài toán xúc tiến đầu tư cũng cần được quan tâm. Để thu hút đầu tư, cần quan tâm quy hoạch để tạo các không gian phát triển, đặc biệt là quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất. Khi không gian phát triển tốt, các nhà đầu tư sẽ tìm đến và dòng tài chính, nguồn nhân lực sẽ hội tụ.

Với những định hướng này, tôi tin rằng Quảng Ngãi sẽ vươn mình trở thành một tỉnh phát triển mạnh mẽ, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới.

PV: Cảm ơn Giáo sư, Tiến sĩ!

NGUYỄN VÂN THIÊNG (thực hiện)

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 09:56, 16/01/2025

Ý kiến bạn đọc


.